Nơi lưu giữ đa dạng sinh học
ĐBP - Với diện tích trên 46.700ha rừng, Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Mường Nhé có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Để bảo tồn thảm thực vật, những cánh rừng nguyên sinh và lưu giữ nguồn gen quý hiếm đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của những người giữ rừng trong Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé cùng cộng đồng thôn, bản vùng đệm.
Công chức kiểm lâm bảo vệ rừng trong Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé thả cá thể mèo rừng về tự nhiên.
Dù đã đến KBTTN Mường Nhé nhiều lần nhưng mỗi thời điểm trong năm lại cho chúng tôi một cảm giác khác nhau và có những khám phá riêng về tự nhiên cũng như cảnh vật, hệ sinh thái nơi đây. Tựu trung vẫn là cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ và trải nghiệm, tìm hiểu về “bức tranh” sống động của hệ sinh thái rừng trong khu bảo tồn. Trải rộng trên địa bàn 5 xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè (huyện Mường Nhé), với diện tích rừng được giao quản lý khá lớn nhưng Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé đã làm khá tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng và lưu giữ được sự đa dạng, phong phú của các loài động, thực vật.
Hiện nay, KBTTN Mường Nhé đã trở thành nơi cư trú của hơn 290 loài động vật, trong đó 55 loài động vật đặc hữu, 45 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam như: Gấu ngựa, gấu chó, vượn bạc má, voọc xám, các loài khỉ... Cùng với đó là hệ thực vật đa dạng, được phân bố trên nhiều sinh cảnh khác nhau với khoảng 740 loài; trong đó 35 loài thực vật quý hiếm, 29 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới. Chính vì vậy, KBTTN Mường Nhé được đánh giá là nơi có tính đa dạng sinh học nhất, nhì vùng Tây Bắc, thu hút nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đào Công Tiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé cho biết: Với hệ sinh thái khá phong phú, KBTTN Mường Nhé đã trở thành địa điểm được các bộ, ngành, nhà khoa học quan tâm và tập trung đầu tư nghiên cứu, bảo tồn tính đa dạng sinh học, kiểm soát và bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm. Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé đã cho phép 3 đoàn nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam đến tìm hiểu đặc điểm đa dạng sinh học, thu thập mẫu rêu tản, rêu sừng và loài lan; điều tra và nghiên cứu đa dạng thực vật bậc cao có mạch tại KBTTN Mường Nhé. Đoàn thứ nhất đã nghiên cứu đặc điểm đa dạng sinh học, thu thập mẫu rêu tản và rêu sừng, qua đó thu thập 235 mẫu rêu để nghiên cứu khoa học. Đoàn thứ 2 tập trung nghiên cứu tính đa dạng thực vật bậc cao có mạch ở Việt Nam và thu thập 101 số hiệu tiêu bản mẫu vật nghiên cứu. Các thành viên đoàn nghiên cứu thứ 3 đã điều tra đa dạng thực vật các loài lan; trong đó thu được 46 mẫu tiêu bản lan (20 số hiệu) và 50 mẫu tiêu bản các loài thực vật có hoa khác (25 số hiệu)…
Để có được sự đa dạng sinh học trong khu bảo tồn, lực lượng công chức kiểm lâm, viên chức bảo vệ rừng trong Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé đã phải cố gắng, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ giữ rừng. Vậy nên, trước sự đe dọa bởi hoạt động săn bắt và buôn bán động vật hoang dã, khai thác lâm sản nhưng KBTTN Mường Nhé vẫn là một địa chỉ an toàn, lý tưởng cho các loài động, thực vật. Nhiều loài động vật quý hiếm bị các đối tượng xấu săn bắt, buôn bán trái phép, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ đều được thả về tự nhiên ở KBTTN Mường Nhé.
Ông Đào Công Tiến cho biết thêm: Tính riêng mấy tháng đầu năm nay, trên cơ sở văn bản đề nghị của Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng; các Hạt Kiểm lâm: TP. Điện Biên Phủ, Mường Nhé và Điện Biên Đông về việc thả lại động vật sau xử lý tịch thu về môi trường tự nhiên, Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé đã xây dựng cam kết về việc đồng ý cho thả lại động vật rừng trên diện tích được giao. Đơn vị đã tiến hành thả 3 cá thể cầy vòi mốc (có tên khoa học Paguma larvata) nhóm IIB; 1 cá thể mèo rừng nhóm IIB (Prionailurus bengalensis) và 1 cá thể nhím (Hystrix brachyura) là động vật sau xử lý tịch thu vào KBTTN Mường Nhé… Ngoài ra, để bảo vệ môi trường sinh thái, Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé đã tích cực triển khai các biện pháp để quản lý bảo vệ rừng, PCCCR; qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; mang lại sự đa dạng, phong phú và lưu giữ những nguồn gen quý hiếm trong tự nhiên.
Với hệ sinh thái rừng phong phú, nằm trải dài đến tận ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, KBTTN Mường Nhé chịu sức ép không nhỏ do tác động cuộc sống mưu sinh của cộng đồng các bản vùng đệm. Thế nhưng, màu xanh của những cánh rừng vẫn được giữ vững với hệ sinh thái mang nét hoang sơ vốn có của rừng đại ngàn tự nhiên. Có thể nói, đó là “trái ngọt” dành cho những nỗ lực không ngừng của lực lượng công chức kiểm lâm, viên chức bảo vệ rừng trong Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé cũng như sự cố gắng các tổ chức, cộng đồng vùng đệm đã chung tay bảo vệ và giữ gìn màu xanh trong KBTTN Mường Nhé - nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học của tự nhiên.