Nơi lưu giữ Sài Gòn xưa

Giữa TP Hồ Chí Minh ồn ào và nhộn nhịp, bỗng bắt gặp một không gian hoài niệm về Sài Gòn xưa với nhiều hiện vật quý giá rất đỗi gần gũi, thân thương. Đó là, Lúa cà-phê, nơi mà Phó Chánh văn phòng Trung tâm UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam Huỳnh Minh Hiệp mở ra để lưu giữ nét phồn hoa, tinh tế, mộc mạc của một Sài Gòn xưa.

Một góc không gian lưu giữ hiện vật tại Lúa cà-phê.

Một góc không gian lưu giữ hiện vật tại Lúa cà-phê.

Giữa TP Hồ Chí Minh ồn ào và nhộn nhịp, bỗng bắt gặp một không gian hoài niệm về Sài Gòn xưa với nhiều hiện vật quý giá rất đỗi gần gũi, thân thương. Đó là, Lúa cà-phê, nơi mà Phó Chánh văn phòng Trung tâm UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam Huỳnh Minh Hiệp mở ra để lưu giữ nét phồn hoa, tinh tế, mộc mạc của một Sài Gòn xưa.

Cửa tiệm rộng khoảng 300 m2, trưng bày hơn 2.000 hiện vật về Sài Gòn những năm 30 đến 70 của thế kỷ trước và cả những góc thân thương với người Sài Gòn ngày ấy được kỳ công phục dựng. Đó là gian bếp với đầy đủ bàn ghế, chén đũa, các món ăn đậm chất Sài Gòn xưa. Hay khu giải khát với món nước, bánh, chè, cóc - ổi - mía ghim… đã trở thành ký ức đẹp của người dân, du khách Sài Gòn nhiều năm về trước. Tiệm may áo dài của mấy cô ba Sài Gòn ngày đó; hiệu ảnh cũ hay góc giới thiệu poster cải lương, phim ảnh miền nam lừng lẫy một thời. Đó còn là những chiếc tủ gỗ tráng gương, nơi cất giữ cục xà-bông Cô Ba, những hộp thuốc lá mà nghe đến tên những ai yêu Sài Gòn đều mỉm cười và nói “Hiệu này quen lắm nè, ngày xưa nghe suốt”. Tất cả hiện vật được bố trí khéo léo trong không gian hoài cổ với mầu vàng ấm của đèn điện và những giai điệu nhẹ nhàng từ máy hát.

Nếu như khách trung niên, cao tuổi dành nhiều thời gian tham quan góc tiền xưa, tranh ảnh/thông tin về cải lương, phim ảnh, hiện vật sinh hoạt của người Sài Gòn mấy chục năm về trước thì giới trẻ lại mê mẩn với những góc “kể chuyện” hay gian trưng bày máy ảnh, xe máy xưa tại Lúa. “Ở mỗi không gian, tôi bày các hiện vật theo câu chuyện để khách dễ dàng tìm hiểu. Gần 30 năm tìm kiếm khắp nơi, nhìn thấy các bộ sưu tập về Sài Gòn của mình ngày càng dày thêm, tôi mừng lắm. Không chỉ trưng bày là đủ, trong khả năng của mình, tôi còn tổ chức nhiều triển lãm, chia sẻ về Sài Gòn ngày ấy với mong muốn ai đã đi qua sẽ được sống lại với kỷ niệm đẹp về Sài Gòn, còn những bạn trẻ ngày nay sẽ có cơ hội tìm hiểu rõ hơn để thêm yêu thành phố. Tôi vui vì ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm về không gian này và đặt những câu hỏi rất hay”, anh Huỳnh Minh Hiệp chia sẻ.

Được biết đến là nhà sưu tầm cổ vật với nhiều bộ sưu tập giá trị, nổi tiếng, hơn 100 triển lãm đủ thể loại, thế nhưng anh Huỳnh Minh Hiệp cho biết, bản thân rất xúc động khi đứng trước những gì liên quan đến Sài Gòn xưa. Anh nói, may mắn được sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn và mê mẩn nếp sinh hoạt, ăn uống, thú chơi tao nhã của ông bà, ba mẹ và những người chung quanh cho nên muốn giữ một góc hoài niệm cho riêng mình.

Ban đầu, mọi thứ chỉ dừng lại ở đó. Nhưng rồi một lần nghe gợi ý của người bạn, anh Huỳnh Minh Hiệp tự hỏi, tại sao mình không chia sẻ những gì bản thân có và biết về Sài Gòn xưa đến mọi người? Vậy là anh gấp rút thực hiện Lúa cà-phê: “Lúc mới bắt đầu sưu tầm hiện vật, chỉ cần nghe ở đâu có là tôi tới xem, thuyết phục mua lại cho bằng được rồi đem về nhà cất. Cực lắm nhưng đã yêu rồi thì kiểu gì cũng theo đuổi đến cùng. Mấy chục năm, hàng nghìn hiện vật được lưu giữ trong nhà, tôi thấy lòng ấm áp. Tôi mở Lúa cà-phê chẳng phải muốn kiếm lợi từ kinh doanh, cái tôi mong chờ nhất là người xem sẽ hứng thú với các bộ sưu tập của mình. Tôi vui vì nhiều người dân, du khách tỏ ra thích thú khi được tìm hiểu nét riêng của Sài Gòn ngày ấy qua những gì trưng bày tại quán. Thời gian tới, tôi sẽ thực hiện thêm một không gian về Sài Gòn xưa tại khu vực trung tâm với mong muốn nơi đây trở thành điểm đến quen thuộc cho những ai đã và đang yêu thành phố này”.

Mới đây, góc quán quen của anh Hiệp đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là Nơi trưng bày các hiện vật tái hiện Sài Gòn xưa (trước năm 1975) nhiều nhất Việt Nam. Ngày nhận kỷ lục, anh Hiệp mặc bộ bà ba đen, choàng khăn rằn, đôi mắt cũng nở nụ cười. Anh Hiệp nói, mình vui không phải được công nhận, được bằng khen này nọ vì ở nhà anh những món đó có rất nhiều. Anh vui vì thời gian tới sẽ thêm nhiều người biết mà tìm đến với Lúa để nghe anh kể chuyện Sài Gòn xưa. Chị Nguyễn Quỳnh Trang, một người dân sống tại quận Bình Thạnh vui vẻ nói: “Tình cờ biết được thông tin trên mạng xã hội, mình tò mò tìm đến quán rồi mê mẩn không muốn về. Sinh ra và lớn lên ở TP Hồ Chí Minh nên nhiều góc tại quán thân thuộc với mình lắm. Nó xuất hiện trong những bức ảnh ba mẹ mình lưu lại, những món đồ sinh hoạt còn giữ đến tận hôm nay hay từng câu chuyện mà ba mẹ hay bắt đầu bằng chữ “Ngày xưa…”. Mình sẽ tiếp tục quay lại nơi đây để tìm hiểu kỹ hơn về không gian thú vị này”.

Dù rất bận rộn với những dự án liên quan đến nghệ thuật nhưng anh Hiệp cho biết, thời gian tới sẽ tổ chức thêm nhiều chương trình giới thiệu, chia sẻ về Sài Gòn xưa mà nhóm ưu tiên sẽ là sinh viên, học sinh tại TP Hồ Chí Minh: “Tôi muốn lan tỏa tình yêu Sài Gòn với người trẻ. Tôi muốn các bạn hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của thành phố mà các bạn đang sinh sống. Khi biết rõ về thành phố, bạn sẽ yêu và tìm mọi cách để chung tay phát triển”.

Bài và ảnh: GIA MỸ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/44945802-noi-luu-giu-sai-gon-xua.html