Nối mạch di sản

Qua sáng tạo và tâm huyết của họa sĩ, họa tiết dân gian được thể hiện tỉ mỉ, sắc nét và có chiều sâu trên chất liệu sơn mài khắc. Từ đây, công chúng như được quay ngược về quá khứ, thấy mạch chảy của di sản từ truyền thống đến hiện đại.

Hòa quyện trong dòng chảy hiện đại

Gần 60 bức tranh với những đề tài quen thuộc trong tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng như Lợn đàn, Thần kê, Đánh ghen, Ngũ hổ, Đám cưới chuột… đang được triển lãm tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cũ, 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Vốn là những hình ảnh quen thuộc trong văn hóa dân gian nhưng sự kết hợp kỹ thuật tranh sơn mài và tranh sơn khắc đã tôn lên vẻ đẹp sang trọng của những bức tranh, khiến các tác phẩm nghệ thuật hòa quyện, làm sáng bừng không gian kiến trúc biệt thự Pháp cổ gần 100 năm tuổi.

Tác giả của triển lãm “Mạch di sản” là nhóm họa sĩ Latoa Indochine với những tên tuổi như Lương Minh Hòa, Trần Thiệu Nam, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Thái Học... Đường nét của tranh dân gian đặt chung với những tác phẩm mang hình ảnh hoa sen, múa đèn, phong cảnh, nhân vật… mang đến cho người yêu nghệ thuật góc nhìn thú vị, mới mẻ về dòng tranh truyền thống của dân tộc, thấy được sự giao thoa giữa cũ và mới, sự nối kết vô hình mà chặt chẽ từ quá khứ đến hiện tại.

Tranh dân gian được tái hiện trên chất liệu sơn mài khắc trong triển lãm "Mạch di sản"

Tranh dân gian được tái hiện trên chất liệu sơn mài khắc trong triển lãm "Mạch di sản"

Họa sĩ Trần Thiệu Nam chia sẻ, đề tài tâm huyết của anh trong suốt 25 năm qua là sen. Anh luôn muốn truyền năng lượng tích cực của sen vào trong tranh nên không có sự tàn úa, không có quá trình già cỗi, chỉ có sự kết nối từ lá già đến lá non, từ hoa nở rộ đến hoa mới nở... Những chi tiết ấy kết hợp với điểm mạnh của sơn mài truyền thống, khi bài trí cạnh các tác phẩm tranh dân gian làm từ chất liệu sơn mài khắc không hề lệch tông mà tạo cảm giác hòa hợp, làm đẹp không gian hiện đại.

“Thường khi sáng tác, tôi luôn tìm cho tranh một vị trí tương xứng, chẳng hạn tranh sẽ được đặt ở đâu trong phòng khách… Bởi lẽ, nghệ thuật và không gian luôn có tính tác động tương hỗ, nghệ thuật đặt cạnh nhau cũng vậy. Đặt trong tương quan so sánh đó, các tác phẩm của “Mạch di sản” mang tới cái nhìn mới về dòng tranh truyền thống. Xưa, tranh dân gian thường được treo vào dịp lễ hội, chỉ được bày biện trong một thời gian, thậm chí sau đó còn bị hóa đi, thì nay, những tác phẩm với chất liệu sơn mài khắc vừa có tính lưu giữ, có tính kết nối với không gian và giá trị sưu tập cao”, họa sĩ Trần Thiệu Nam nói.

Phát triển nét văn hóa xưa

Chủ tịch Latoa Indochine Phạm Ngọc Long phân tích, bóc tách từng lớp lang văn hóa hiện trên mỗi bức tranh dân gian cũng đủ thấy vốn liếng văn hóa Việt thuần khiết và đa dạng. Sự độc đáo của tác phẩm dân gian không dừng lại ở đặc tả mà còn mang thông điệp ý nghĩa. Như tranh Xích hổ, trong ngũ hành tương sinh, đại diện cho sự sống tượng trưng cho lửa, cho sự công bằng, công lý hay danh dự cũng như tinh thần bất diệt, nhiệt huyết và tấm lòng quả cảm. Hay Thần kê thường được người xưa dán lên cửa vào những ngày Tết, với ý nghĩa đem lại may mắn, đồng thời, mang ẩn ý như một “tranh bùa” trấn giữ nhà cửa, xua đuổi tà ma… Những giá trị ấy hoàn toàn có thể hiện hữu sinh động trong đời sống đương đại.

“Tranh dân gian truyền thống rất đẹp nhưng vì in trên giấy dó, giấy điệp nên độ bền không cao, do đó, các nghệ sĩ đã sáng tạo ra cách vẽ mới trên vóc, giúp cho việc lưu trữ, bảo tồn tranh phù hợp với xu hướng hiện nay. Hình ảnh trong tranh sơn mài khắc đều được thể hiện sắc nét, có chiều sâu và khi quan sát kỹ sẽ thấy tầng tầng lớp lớp màu được mài tỉ mỉ. Tất cả những điều đó khiến tranh dân gian trở nên đẹp hơn, hiện đại, sang trọng hơn, giá trị văn hóa nghệ thuật cũng được nâng lên một tầm cao mới”, ông Phạm Ngọc Long nói.

Theo các nhà nghiên cứu, tranh dân gian Việt Nam có lịch sử lâu đời, từng có thời gian phát triển mạnh mẽ. Dòng tranh này không những là tài sản riêng của các làng tranh mà còn là tài sản chung của dân tộc. Ngày nay, rất nhiều dòng tranh dân gian bị mai một, chỉ còn một số ít được giữ gìn, bảo tồn trong một số làng nghề và gia đình làm tranh. Với phương pháp phục dựng tranh dân gian trên chất liệu sơn mài khắc, các nghệ sĩ đã mang đến đời sống mới cho dòng tranh, thông qua việc phản ánh cái hồn, tinh thần của dân gian vào tác phẩm đương đại.

Theo đó, quá trình sáng tạo cho phép có những thay đổi về màu sắc, tạo hình để tạo hiệu ứng mỹ thuật cho các mẫu tranh kinh điển. Mỗi tác phẩm được thực hiện qua nhiều công đoạn, từ thiết kế đồ họa trên máy tính, in ra giấy rồi dùng bột trắng titan can lên vóc, dùng công cụ khắc lõm chi tiết, lên nhiều lớp màu, dùng nước để mài tranh, cuối cùng là thếp vàng, thếp bạc cho tranh. Nói như họa sĩ Lương Minh Hòa, đó là hành trình “đi đến tận cùng truyền thống để gặp hiện đại”, là giữ hồn cốt văn hóa truyền thống để sống với hiện đại.

“Cách đây hai năm, chúng tôi đã bắt đầu giới thiệu những bức tranh sơn mài khắc lấy đề tài tranh dân gian với triển lãm Con đường. Thời điểm đó, mọi thứ còn rất mới mẻ như cuộc dò đường, khai mở từ truyền thống. Giờ đây, câu chuyện ấy đã hiện hữu một cách rõ ràng với những tác phẩm níu con người về với dòng chảy văn hóa Việt mà vẫn đầy chất hiện đại, tinh tế, mang lại cảm xúc mới mẻ. Và câu chuyện ấy chắc chắn còn tiếp tục với nhiều dự định ấp ủ của các nghệ sĩ, để đưa dòng tranh truyền thống ngày càng sống động trong đời sống đương đại…”, họa sĩ Lương Minh Hòa chia sẻ.

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/noi-mach-di-san-i384130/