Nơi mùa xuân đến muộn

Chưa đến 4h chiều, tất cả các bác sĩ và nhân viên trực ngày 30 Tết của Khoa Gây mê hồi sức đã có mặt tại cơ quan. Họ đến sớm hơn thường lệ, để cho các đồng nghiệp của mình trong phiên trực ban ngày kịp về chuẩn bị cho mâm cơm cúng ông bà ngày cuối năm.

Buổi chiều 30 tết

Chưa đến 4h chiều, tất cả các bác sĩ và nhân viên trực ngày 30 Tết của Khoa Gây mê hồi sức đã có mặt tại cơ quan. Họ đến sớm hơn thường lệ, để cho các đồng nghiệp của mình trong phiên trực ban ngày kịp về chuẩn bị cho mâm cơm cúng ông bà ngày cuối năm. Những tiếng chúc mừng nhau sớm vang lên trong từng góc hành làng bệnh viện. Ai cũng mong mình và mọi người có một năm mới thật vui tươi và hạnh phúc.

6h chiều, bữa cơm cuối năm tại phòng ăn của bệnh viện, ba món khá ngon hơn ngày thường. Một vài người mang theo bánh chưng, bánh tét và một vài món thức ăn làm từ nhà, họ mời nhau cùng thưởng thức. Nói với nhau bâng quơ về những kỷ niệm vui buồn trong năm. Không khí như chùng xuống trầm mặc, nhẹ nhàng. Cây mai vàng ngoài góc nhà của anh bảo vệ trồng từ năm ngoái đã trổ bông, những cánh mai rung rinh trước gió xuân, mang lại cho mọi người những cảm xúc buồn vui rất khó tả. Giờ này, ở nhà chắc đã bắt đầu bữa cơm chiều. Một anh bạn bác sĩ nói với chúng tôi: Thế là ba cái Tết rồi em không được ăn bữa cơm chiều 30 với gia đình.

19h tối, ca mổ đầu tiên của phiên trực, một bệnh nhân nữ 23 tuổi bị viêm ruột thừa. Bệnh nhân được mổ nội soi, 30 phút ca mổ hoàn tất, bác sĩ phẫu thuật nói với cô gái: Ngày mùng hai cô có thể về nhà được rồi, ở đó mọi người và cả mùa xuân đang chờ cô. Bệnh nhân không tin: Sao người ta bảo mổ ruột thừa phải nằm bệnh viện cả tuần? Vâng đúng là như vậy, nhưng với kỹ thuật mổ nội soi thì thời gian nằm bệnh viện được rút ngắn hơn. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật cũng là ngọn gió mang mùa xuân đến cho mọi người.

Hai giờ tiếp theo, phòng mổ và ngoài phòng cấp cứu vắng lặng. Khác hẳn với mọi ngày, lúc này là giờ cao điểm của tai nạn giao thông, của bệnh tật và những mâu thuẫn đời thường. Ngay cả những đứa bé nằm trong bụng mẹ cũng cố gắng hoãn lại thời gian chào đời để được chào đón chính những khoảnh khắc đầu tiên của mùa xuân, của năm mới. Đi ngang qua khoa sản, chúng tôi thấy những bà mẹ trẻ đang xoa bụng và thầm thì nhắn nhủ gì đó với đứa trẻ trong bụng. Vâng, thời khắc ấy, tuy mỗi con người đều được biết vài chục lần, nhưng mỗi lần năm mới đến cảm xúc ấy vẫn dâng trào, làm tươi mới mọi cảm giác tinh khôi trong năm mới.

Ranh giới giữa sự sống và cái chết

10h tối, phòng mổ liên tiếp nhận hai bệnh nhân nặng chuyển thẳng từ phòng cấp cứu vào. Một bệnh nhân bị ung thư, gan vỡ, máu chảy đầy ổ bụng, mạch và huyết áp đều không đo được. Vừa hồi sức vừa mổ, máu truyền đến đơn vị thứ 10. Kíp phẫu thuật được huy động tối đa, kíp gây mê hồi sức cũng vậy. Phía ngoài hành lang phòng mổ, thân nhân đi lại, lo lắng. Một người vợ còn trẻ, hai đứa con. Sau hơn một giờ cấp cứu, máu đã cầm, bệnh còn nặng nhưng khả năng sẽ qua khỏi cơn nguy kịch. “Vẫn biết sinh tử là lẽ thường của tạo hóa, nhưng nếu chồng tôi sống được đến ngày mai, để anh ấy thấy được một mùa xuân nữa thì chúng tôi vô cùng mãn nguyện”, người vợ của bệnh nhân gạt nước mắt nói với chúng tôi. Vâng anh ấy sẽ thấy được một mùa xuân nữa, chúng tôi khẳng định.

Phòng mổ bên cạnh, một bệnh nhân 18 tuổi, tóc vàng hoe, sau một lần hút chích và bị chính người bạn cùng chích với mình đâm bằng dao Thái Lan. Một nhát đâm chí mạng, thủng cả dạ dày, động mạch chủ bụng. Máu chảy đầy bụng, nghi ngờ có cả HIV. Dù sao đi nữa cũng phải mổ, máu lại bơm vào, cả kíp mổ căng thẳng, vị trí vết thương quá hiểm hóc. Thời gian hình như cũng dừng lại, không một tiếng động nào ngoại trừ những y lệnh ngắn gọn đưa dụng cụ, tiêm thuốc, truyền máu và dịch. Hai lần ngừng tim trên bàn mổ, lại ngừng tay nhồi tim, đánh sốc điện. Ba giờ sáng, máu đã cầm, mạch đã có, hơi thở của bệnh nhân đều lại.

Phòng mổ bên cạnh, lúc một giờ sáng, đứa bé đầu tiên của năm mới chào đời, tiếng khóc và niềm hạnh phúc của người mẹ đã kéo chúng tôi ra khỏi cơn mê hoặc của công việc. Đứa con thứ hai, con trai, cô hộ lý thông báo. Hình như trên đời này ở đây, tại phòng mổ của bệnh viện tất cả đều sinh ra, hay hồi sinh trước thềm năm mới.

Hoa tình người nở giữa mùa xuân

6h sáng có thêm tám ca mổ nữa được tiến hành, các nhân viên y tế bận túi bụi, lại đặt nội khí quản, lại gây mê, tiêm thuốc truyền máu. May mắn thay hay chính là điều diệu kỳ của trời đất. Tất cả những bệnh nhân ngày hôm ấy đều qua khỏi, những đứa bé sinh ra đều to khỏe, bụ bẫm và khóc ngay, chúng khóc cho một cuộc đời mới đầy gian khổ nhưng cũng nhiều hạnh phúc. Tiếng khóc cũng chính là tiếng cười rạng rỡ vì được làm con người. Một đời người tuy nhiều vất vả, đắng cay nhưng là báu vật duy nhất mà thượng đế đã ban tặng cho loài người. Chúng sinh ra trong những ngày đầu mùa xuân để thực hiện uớc mơ bất tử ngàn đời của mỗi con người. Vâng, chúng ta sẽ mãi mãi bất tử cùng mùa xuân và qua những đứa con của chúng ta, dòng máu của chúng ta mãi mãi tuôn chảy trong huyết mạch của những thế hệ mai sau.

7h sáng, giờ giao ca, các bác sĩ và nhân viên của phòng mổ vẫn cố gắng cùng các phẫu thuật viên thực hiện nốt ca mổ cuối cùng. Họ muốn làm nốt những công việc còn lại để các đồng nghiệp của mình có chút thời gian để tận hưởng hương vị của ngày xuân. Buổi sáng vắng lặng, trời trong và hơi nóng. Chút bánh ngọt và mứt tết được mang ra, chai rượu nhẹ của chúng tôi mang theo dự định uống để mừng giao thừa cũng chưa được dùng đến. Suốt cả đêm, công việc quá nhiều và toàn là bệnh nặng, nhưng hình như không ai nghĩ là năm mới mình sẽ vất vả. Phòng hồi sức tràn ngập bệnh nhân và những sản phụ. Tất cả đều đã mở mắt và làm theo y lệnh của người bác sĩ khám bệnh. Mùa xuân đã đến với họ dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. 7h30, một làn gió xuân ào vào khắp căn phòng giao ban khoa, những ly rượu được rót đầy, các bác sĩ phẫu thuật và gây mê hồi sức của hai kíp trực chúc tụng nhau, một năm mới bắt đầu. Và dường như, mùa xuân đến muộn ở nơi này...

PGS.TS.BS NGUYỄN HOÀI NAM

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/noi-mua-xuan-den-muon-n186688.html