'Nơi nào vui bằng đất Quảng Bình'

'Nơi nào vui bằng đất Quảng Bình/Kìa kìa non nước hữu tình/Khen con tạo khéo tạc hình như vẽ', những năm đầu thế kỷ XX, nhà nho Chu Mạnh Trinh đã dành những lời ưu ái như thế cho vùng đất Quảng Bình, dẫu khi ấy, dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, cuộc sống khó khăn đã làm lu mờ tiềm năng du lịch vùng đất này. Nhưng chính trong những chật vật của thời cuộc, vẻ đẹp của Quảng Bình tựa như viên ngọc thô, vẫn tỏa sáng bởi những hoang dã và nguyên sơ của núi non, sông suối và những giá trị văn hóa, lịch sử.

Những cuốn cẩm nang du lịch

Sẽ thật khó để hình dung ra được dung mạo của một vùng đất cách đây hơn một thế kỷ nếu không có những tài liệu nhuốm màu thời gian vẫn còn lưu giữ cho đến hôm nay. Trong kho tư liệu địa chí hiện đang lưu trữ tại Thư viện tỉnh, hàng chục cuốn sách được chép tay cẩn thận trên những trang giấy ố màu đã tái hiện lại dáng hình của vùng đất, ghi chép sống động vẻ đẹp của thiên nhiên Quảng Bình đầu thế kỷ XX. Qua những cuốn tư liệu còn sót lại, một Quảng Bình trong quá khứ hiện ra tươi đẹp bởi thiên nhiên hoang sơ và đầy kỳ bí, mặc cho những khó khăn, tủi cực vẫn đang bủa vây.

Cuốn “Du lịch Quảng Bình” do soạn giả Nguyễn Kinh Chi viết năm 1931, được xem là một trong những cuốn cẩm nang đầu tiên về du lịch Quảng Bình. Ngay ở thời điểm mà du lịch vẫn là khái niệm còn quá xa lạ thì ông đã viết về Quảng Bình với niềm đam mê và khát khao chia sẻ vẻ đẹp tiềm ẩn của vùng đất này.

Đến nay, đã có hàng nghìn du khách khám phá động Phong Nha mỗi năm.

Đến nay, đã có hàng nghìn du khách khám phá động Phong Nha mỗi năm.

Cuốn sách như một bức tranh sống động, ghi lại vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ của Quảng Bình, từ những hang động huyền bí cho đến những dòng sông xanh ngắt vắt ngang qua dải đất hẹp nhất xứ An Nam ngày ấy. Ông đã ghi chép tường tận 14 điểm đến dọc Quảng Bình, miêu tả rõ nét vẻ đẹp của từng địa danh, phương tiện di chuyển.

Trong những trang sách ấy, Quảng Bình hiện lên như một miền đất hứa, nơi con người có thể thả hồn mình giữa thiên nhiên rộng lớn, khám phá những điều kỳ diệu mà tạo hóa đã ban tặng. Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên, Quảng Bình còn ẩn chứa trong mình những câu chuyện lịch sử và văn hóa đậm đà, kết tinh qua nhiều thế kỷ. Đó là chợ Ba Đồn “tháng họp ba phiên nhằm ngày 6, 16, 26 Annam, khách du lịch muốn xem phiên chợ Ba Đồn phải chọn ba ngày ấy mà đi”. Đó là vùng Lý Hòa sầm uất, sát sông, gần biển. Nguyễn Kinh Chi cũng ghi lại những nét văn hóa độc đáo, phong tục tập quán của người dân nhiều miền quê, từ miền thượng-du Tuyên Hóa đến xứ rào Sen, từ phá Hạc Hải đến đèo Ngang, hang Minh Cầm.

Lời mời gọi khiến du khách không chỉ đến để ngắm cảnh mà còn để cảm nhận và hiểu hơn về linh hồn của vùng đất này. Hay trong nhiều tập của cuốn “Bài học địa lý Quảng Bình”, tác giả Lương Duy Tâm đã ghi chép tường tận từng tài nguyên thiên nhiên, rừng vàng, biển bạc của Quảng Bình. Ông dẫn dắt người đọc qua từng ngõ ngách của Quảng Bình, từ những bãi biển hoang sơ đến những cánh đồng bát ngát, từng con sông, ngọn suối.

Quảng Bình trong những trang sách của những “người muôn năm cũ” ấy không chỉ là thiên nhiên, mà còn là con người, là văn hóa và lịch sử. Mà như An Đình Trần Kinh miêu tả trong cuốn “Quảng Bình thắng-tích-lục” thì Quảng Bình “là nơi có rất nhiều sơn kỳ thủy tú, cùng lắm cổ tích danh thắng, đã làm cho bao nhiêu thi sĩ và du khách để ý đến”.

“Con tạo khéo tạc hình như vẽ”

Ở đây có những lỗ bóng tối mà hình như không có một thứ ánh sáng nào có thể lọt qua được. Trên thành động một màu nhợt nhạt, thạch nhũ lủng lẳng như những món tóc đổ xõa hoặc những chùm súng đầu lại với nhau thành khoét lỗ chỗ…”. Trong cuốn “Bài học địa lý Quảng Bình” xuất bản năm 1937 đã trích dẫn bài viết về động Phong Nha của tác giả J.Mery bằng những câu từ như thế. Đó là một hang động kỳ bí mà muốn vào đó, thì “mũi thuyền, mò mẫm, lui tới để tránh những sự đụng chạm ma quái… Dưới ánh đuốc, người ta khám phá ra ảo ảnh của những bóng trắng với những tảng đá như những chiếc áo dài khoác ngoài”.

Thời điểm ấy, Phong Nha vẫn là một bí ẩn. Việc khám phá nơi này vẫn đầy khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro với các con thuyền gỗ đơn sơ lướt qua dòng nước ngầm mát lạnh bên trong động. Ánh sáng mờ ảo từ những ngọn đuốc nhỏ không đủ sức soi rọi hết mọi góc tối trong hang.

Theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái, các nhà khoa học Pháp là những người đầu tiên khám phá ra giá trị của du lịch Quảng Bình. Họ đã khẳng định không có nơi nào có khối karst liên hoàn tạo ra sinh cảnh độc đáo như ở đây. Mặc dù thời kỳ đó chưa có điều kiện thiết bị khoa học để khám phá hang động nhưng những hang động mà người Pháp tiếp cận như Phong Nha đã đủ để phát triển loại hình du lịch thưởng ngoạn và mạo hiểm. Soạn giả Nguyễn Kinh Chi trong cuốn “Du lịch Quảng Bình” cũng cho rằng hang Phong Nha là một cảnh thiên tạo đẹp nhất ở Quảng Bình thời kỳ ấy và có “cái đẹp kì hiểm chưa bao giờ ta từng thấy”.

Cuốn “Du lịch Quảng Bình” của tác giả Nguyễn Kinh Chi.

Cuốn “Du lịch Quảng Bình” của tác giả Nguyễn Kinh Chi.

Ngoài hang động, Quảng Bình còn giàu rừng, giàu biển và có một đô thị Đồng Hới xinh đẹp, hiền hòa bên bờ Nhật Lệ, đó là một phố thị với “mươi lăm phố khách vài chục phố ta, ở rải rác trên mấy con đường chật hẹp”, nổi tiếng với nghề nước mắm, chạm gỗ. Nơi đây còn có di tích lũy Nhật Lệ, “một cái lũy mà ngày xưa đã nổi tiếng vững vàng như núi, ở giữa hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài.” Rừng vàng, biển bạc, những con sông, ngọn suối đã tạc nên dáng hình của một vùng đất mà nói như Chu Mạnh Trinh thì “con tạo khéo tạc hình như vẽ”.

Viết tiếp giấc mơ dang dở

Theo những tác giả xưa, phía sâu thẳm trong lòng đất của Quảng Bình đang cất giữ một kho báu vô giá mà cho đến nhiều thập kỷ sau, khi ánh sáng hiện đại bắt đầu soi rọi, kho báu ấy mới thực sự lộ diện. Trong “Du lịch Quảng Bình”, soạn giả Nguyễn Kinh Chi vừa thể hiện sự trăn trở, vừa ấp ủ hy vọng về một tương lai rạng rỡ cho du lịch nơi đây. Giấc mơ về du lịch từng dang dở bởi bom đạn chiến tranh suốt nhiều thập kỷ, giờ đây đã được nối tiếp và phát triển mạnh mẽ.

Nếu như đầu thế kỷ XX, động Phong Nha vẫn là một bí ẩn, thì nay, vẻ đẹp nguyên sơ và bất tận được nuôi dưỡng trong hàng triệu năm ấy đã được khám phá bởi hàng ngàn du khách mỗi năm. Đến nay, bên trong lòng hang vẫn còn tồn tại gần 100 ký tự cổ cùng nhiều bí ẩn bất tận khác. Cùng với các tour truyền thống khám phá động Phong Nha, động Tiên Sơn, Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng cũng đã đưa vào chương trình du lịch trải nghiệm mới là “Khám phá chiều sâu bí ẩn động Phong Nha về đêm” cho những du khách quan tâm đến việc khám phá những bí ẩn sâu trong lòng động.

Cùng với Phong Nha, phía bên trong lòng đất đầy kỳ bí là hơn 400 hang động lớn, nhỏ đã được phát hiện. Sơn Đoòng, hang Én, hang Va… và hàng chục hang động khác đã chinh phục trái tim của những người yêu khám phá, trân trọng vẻ đẹp hoang sơ trên khắp thế giới. Những sản phẩm trải nghiệm thiên nhiên trong suốt nhiều năm qua đã từng bước “đánh thức” một vùng đất còn nhiều kỳ bí, “càng tìm hiểu, càng bất ngờ, càng khám phá, càng bất tận”.

Thời gian đã lướt qua cùng những đổi thay thời cuộc. Cảnh sắc thiên nhiên dường như không đổi thay, chỉ có con người đã biết cách tận dụng những tài nguyên vô giá để phát triển vùng đất hoang sơ ngày ấy thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam. Những đổi thay ấy không chỉ khẳng định vẻ đẹp của tạo hóa mà còn là minh chứng cho sự bền bỉ của thiên nhiên và ý chí, khát vọng vươn lên của con người trước sức mạnh của thời gian, sự tàn phá của chiến tranh và bão tố.

Theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái, các nhà nghiên cứu đầu thế kỷ XX phát hiện ra rằng, ngoài việc sở hữu tài nguyên thiên nhiên, Quảng Bình còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Tất cả điều đó đã cho thấy, ngay từ thế kỷ XX, vùng đất Quảng Bình đã xuất lộ các loại hình du lịch, như: Khảo cứu, khám phá tự nhiên, mạo hiểm, văn hóa và cộng đồng... Mặc dù thời kỳ đó yếu tố cộng đồng vẫn đang mờ nhạt nhưng đã có dấu hiệu của sự tham gia của người bản địa trong các hoạt động này.

Diệu Hương

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/202409/noi-nao-vui-bang-dat-quang-binh-2220692/