Nơi này, Bác đã về thăm

PTĐT - Tháng 3 năm 1947, trong hành trình từ Hà Nội lên Việt Bắc lãnh đạo toàn dân kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân tại Cổ Tiết (huyện Tam Nông), Chu Hóa (huyện Lâm Thao, nay thuộc TP Việt Trì) và Yên Kiện (huyện Đoan Hùng). Từ lần dừng chân đầu tiên đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Thọ còn được đón Bác thêm nhiều lần về thăm. 72 năm qua, mỗi địa danh nơi Người đặt chân đến đều trở thành những địa chỉ đỏ cách mạng, minh chứng lịch sử để mỗi người dân Đất Tổ qua các thế hệ trân trọng và giữ gìn.

Tỉnh đoàn tổ chức chương trình báo công dâng Bác tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng

Tỉnh đoàn tổ chức chương trình báo công dâng Bác tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng

Chúng tôi về từng nơi Bác đã đến thăm để được trò chuyện với những nhân chứng đã được gặp Bác và nhận thấy ở mỗi địa phương đều có những việc làm hay mà cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc đã học tập và làm theo lời Bác dạy.Năm 1947, khi Bác cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ đi từ Trung Hà (Sơn Tây) lên đồn điền Ba Triệu thuộc xóm Ghềnh (thôn Ba Triệu, xã Cổ Tiết). Sau khi ở một đêm tại xóm Ghềnh, Bác cùng các đồng chí phục vụ chuyển lên xóm Đồi. Khu vực này thưa nhà, vườn cây rậm, khuất nẻo, chủ nhà là ông Hoàng Văn Nguyện. Ngôi nhà lợp lá cọ, 5 gian rộng rãi, nền cao vườn rộng, nhiều cây cổ thụ và lối vào kín đáo. Trải qua thời gian, cảnh vật giờ đã đổi thay, nay xóm Đồi là khu 2 xã Cổ Tiết. Ngôi nhà 5 gian khi xưa đã thay bằng khu nhà lưu niệm được xây dựng từ năm 1994.Dưới tán thị xanh um giữa mùi thoang thoảng hương thị ông Hoàng Văn Vinh, khu 2, xã Cổ Tiết (cháu nội cụ Hoàng Văn Nguyện) nhớ lại: “Toàn bộ diện tích hơn một mẫu đất xây dựng khu nhà lưu niệm là do gia đình tôi hiến tặng. Năm 1994, sau khi khởi công xây dựng, tôn tạo lại khu nhà lưu niệm, gia đình tôi tình nguyện cắt cử người trông coi, chăm sóc, gìn giữ toàn bộ công trình. Cũng vinh dự cho tôi là được làm hướng dẫn viên cho các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan”.

Nhân dân đến tham quan Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông

Nhân dân đến tham quan Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông

Lúc này trong sân có một đoàn khách chừng hơn chục người, chúng tôi được biết các cô, các bác là thành viên của một gia đình đến từ thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn. Một bác cho biết: “Từ nhiều năm trước theo chân bà ngoại, chúng tôi đã đến Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Cổ Tiết để thắp hương tưởng nhớ Người. Giờ bà mất, mọi người trong gia đình vẫn giữ nếp cũ như một truyền thống tốt đẹp của gia đình”.

Từ Cổ Tiết chúng tôi ngược trở về Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, nơi cách đây đúng 65 năm, Người đã về thăm, viếng mộ Tổ và gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn 308 Quân Tiên phong để giao nhiệm vụ trước khi về tiếp quản Thủ đô. 65 năm đã qua đi nhưng những lời căn dặn của Người vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí người chiến sĩ năm xưa. Trong những cuộc trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Nguyễn Hiền luôn nhắc đến kỷ niệm những lần được gặp Bác: “Tôi vinh dự được gặp Người 6 lần và sâu sắc nhất là lần được gặp Bác tại Đền Hùng. Bác đã nói chuyện, căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong khi vào thành phố phải giữ gìn quân phong, giữ nghiêm kỷ luật, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân, tránh sa ngã, cám dỗ trước những “viên đạn bọc đường”. 65 năm sau, ngay tại bậc thềm đá Đền Giếng, những thanh niên chủ nhân tương lai của quê hương đất Tổ đã nguyện một lòng phấn đấu thực hiện tốt những lời dạy của Bác, xứng đáng với niềm tin của Người dành cho lớp lớp thanh thiếu niên và nhi đồng: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".5 năm sau lời căn dặn tại Đền Hùng, ngày 13/4/1959, Bác Hồ về thăm công trường xây dựng Khu công nghiệp Việt Trì. Hơn nửa thế kỷ từ lần Bác về thăm, khu công nghiệp năm xưa đã khoác lên mình diện mạo mới, những công nhân đặt những viên gạch xây dựng khu công nghiệp đầu tiên của nước ta cũng đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng ký ức về lần gặp Bác, những lời thăm hỏi ấm tình người vẫn vẹn nguyên. Chúng tôi tìm gặp ông Trần Y, nguyên cán bộ Nhà máy xay thuộc Công ty xây dựng Việt Trì trong căn nhà ở phố Tiên Phú, phường Tiên Cát, TP Việt Trì. Ông nhớ lại: “Lần đầu tiên được gặp Bác là khi tôi tham gia lực lượng TNXP đi làm đường. Khi đó trên đường đi công tác Bác có đi qua đoạn đường chúng tôi đang thi công,ai cũng thấy phấn khởi. Cho đến năm 1959 khi được chọn là một trong số những cán bộ, công nhân được tập trung ở khu vực công trường để gặp lãnh đạo Trung ương về thăm tôi mới thực sự được gần Bác, nghe những lời dạy của Người”.Với ông Trần Y hình ảnh người cha già ấm áp ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe, đời sống của công nhân và những lời căn dặn “mỗi cán bộ, công nhân phải thi đua xây dựng sao cho các nhà máy được ra đời để hoạt động càng sớm càng tốt, để ta có thể được những sản phẩm tự lực cánh sinh mà xưa nay vẫn phải mua của nước ngoài”... đã trở thành hành trang theo suốt cuộc đời ông.60 năm kể từ ngày Bác về thăm khu công nghiệp đầu tiên của miền Bắc, đến nay, toàn tỉnh đã có 7 khu công nghiệp (KCN) tập trung, hơn 20 cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động. Những KCN của tỉnh ngày càng hiện đại với nhiều dự án đầu tư có dây chuyền công nghệ sản xuất tiên tiến. Các dự án đã đầu tư vào KCN, CCN đã sản xuất kinh doanh ổn định và hiệu quả, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước.

Ông Hoàng Văn Vinh là người trông coi, giữ gìn Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Hoàng Văn Vinh là người trông coi, giữ gìn Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong chuyến hành trình ngược quá khứ trở lại thăm những nơi Bác đã dừng chân, đứng trên đỉnh đồi Bạch Thạch, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy phóng tầm mắt ra xa, giữa điệp trùng cây cối tươi xanh, vùng đất Thanh Thủy đang chuyển mình. Năm 1964, xã Vinh Quang khi đó là đơn vị trồng cây điển hình của miền Bắc, được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Về thăm mảnh đất thực hiện tốt phong trào “Tết trồng cây” do Người phát động năm 1960, tận mắt chứng kiến thành tích trồng cây của xã, Bác rất hài lòng và mong muốn Vinh Quang phát huy tốt hơn nữa việc trồng cây. Người căn dặn cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn xã phải tiếp tục phấn đấu trên tất cả các mặt sản xuất, văn hóa để đời sống nhân dân ngày càng no ấm và văn minh hơn.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, cây đa khi xưa Bác trồng trên đồi Bạch Thạch đã không còn, nhưng thay vào đó là Vườn cây Bác Hồ với những hàng cây tươi tốt do nhân dân Đào Xá vun trồng. Vinh dự là nơi Bác Hồ về thăm, mỗi thế hệ cán bộ, lãnh đạo, nhân dân Đào Xá nói riêng, huyện Thanh Thủy nói chung luônphấn đấu thực hiện theo lời Bác dạy. Như lời khẳng định của đồng chí Nguyễn Văn Cường-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện: “Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Thanh Thủy luôn tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tạo chuyển biến tích cực, có chiều sâu trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn được cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc. Những năm trở lại đây, Thanh Thủy đã có những bước chuyển biến bứt phá mạnh mẽ. Từ một huyện thuộc nhóm nghèo nhất của tỉnh, đến năm 2018 đã đứng vào hàng các huyện phát triển khá trong tỉnh”.Gần nửa thế kỷ đã qua đi kể từ lần đầu tiên Người lưu dấu chân nơi vùng Đất Tổ, mỗi địa danh, mỗi công trình nơi Bác dừng chân, mỗi con người được gặp Bác đều đã đổi khác, nhưng những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn còn in đậm trong trái tim khối óc của mỗi người dân Phú Thọ trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Đinh Vũ-Thu Hà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/201908/noi-nay-bac-da-ve-tham-166488