Nơi ngời sáng tinh thần cách mạng

Nhà đày Buôn Ma Thuột là nơi từng giam giữ, đày ải, tra tấn dã man hàng nghìn chiến sĩ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Song với ý chí kiên cường, chính nơi đây cũng đã tôi rèn và nuôi dưỡng ý chí cách mạng sáng ngời của nhiều chiến sĩ cộng sản.

NƠI TÔI RÈN Ý CHÍ CÁCH MẠNG

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, hòa cùng dòng người đến thăm Di tích Quốc gia đặc biệt - Nhà đày Buôn Ma Thuột ở TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), chúng tôi lại trào dâng biết bao cảm xúc khi chứng kiến những chứng tích lịch sử minh chứng cho một thời kỳ đấu tranh cách mạng hào hùng, tinh thần bất khuất của những người cộng sản kiên trung.

Toàn cảnh Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: BÁO DÂN TRÍ.

Toàn cảnh Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: BÁO DÂN TRÍ.

Nhà đày Buôn Ma Thuột là một trong những Nhà đày lớn của thực dân Pháp ở Đông Dương, được xây dựng vào những năm 1930 - 1931 để giam cầm, đày ải và thủ tiêu tù chính trị - những chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước ở các tỉnh Trung Kỳ. Nhà đày có diện tích gần 2ha, xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ U khép kín, với bốn bức tường cao 4m, dày 40cm bao bọc xung quanh, bốn góc đều có vọng gác và có lính canh 24/24 giờ. Phía trong khuôn viên nhà đày có tất cả 6 nhà lao tập thể, được đánh số từ 1 đến 6.

Ngoài việc bị giam giữ trong không gian chật hẹp, mất vệ sinh, ăn uống thiếu thốn thì các tù nhân ở Nhà đày Buôn Ma Thuột thường xuyên bị đánh đập, tra tấn dã man.

Ngoài việc bị giam giữ trong không gian chật hẹp, mất vệ sinh, ăn uống thiếu thốn thì các tù nhân ở Nhà đày Buôn Ma Thuột thường xuyên bị đánh đập, tra tấn dã man.

Mỗi dãy lao có diện tích khoảng 180m2, có thể giam khoảng hơn 100 tù chính trị, cổng chính quay về phía nam. Các nhà lao đều xây trải dài, các cửa sổ xây cao, chắn song sắt cẩn thận, tường xây kiên cố, lợp mái ngói, trần nhà giăng lưới dây thép gai bịt bùng nhằm chống vượt ngục. Ngoài ra, còn có một số hạng mục phục vụ cho việc cai trị như nhà xưởng, bàn giấy, nhà kho và bếp ăn, nhà quản ngục....

Cùng với 6 nhà lao tập thể còn có khu xà lim là nơi giam giữ đặc biệt, dành cho tù chính trị có mức độ nguy hiểm cao. Tại đây các tù chính trị bị đày đọa khắc khổ hơn, bị giam trong không gian tầm 2m2, bị cùm chân 24/24 tiếng và mọi sinh hoạt đều diễn ra tại chỗ.

Các tù chính trị bị cùm chân bằng những tảng đá to và bị bắt ngồi nhiều giờ dưới thời tiết nắng nóng gay gắt.

Các tù chính trị bị cùm chân bằng những tảng đá to và bị bắt ngồi nhiều giờ dưới thời tiết nắng nóng gay gắt.

“Xây dựng giữa rừng núi hoang vu, hiểm trở, biệt lập, thực dân Pháp muốn tách rời mối quan hệ giữa tù chính trị với nhân dân. Mặt khác, chúng lợi dụng khí hậu khắc nghiệt của vùng Tây Nguyên, kết hợp với các biện pháp tra tấn dã man, tàn bạo để giết dần, giết mòn ý chí cách mạng của những người con yêu nước…”, thuyết minh viên trong chiếc áo dài màu tím, cất giọng trầm ấm khi giới thiệu về Nhà đày.

Trong Nhà đày Buôn Ma Thuột còn có những ghi chép về lời của tay quản ngục khét tiếng Mahomad Moshine: "Ngày nào không đánh đập, giết chết được phạm nhân thì tối về ăn không ngon cơm...".

Ngoài thời gian bị giam giữ, các tù nhân bị ép làm việc khổ cực trong các đồn điền, nhà xưởng.

Ngoài thời gian bị giam giữ, các tù nhân bị ép làm việc khổ cực trong các đồn điền, nhà xưởng.

“Mỗi ngày, mỗi người tù chỉ được ăn 700gr gạo, đi lao dịch trên công trường được nhỉnh hơn một chút (800gr gạo). Với chế độ nửa tháng ăn mặn và nửa tháng ăn lạt (không có muối) khiến nhiều người phát sinh bệnh, có bệnh nặng không thể chữa được. Mỗi buổi ăn, chúng chỉ cho tù nhân vài phút, ngay cả vệ sinh, tắm gội cũng vậy, nếu chậm trễ, sẽ bị đánh đập rất dã man”, người thuyết minh cho biết.

Từ năm 1930 đến 1954, thực dân Pháp đã bắt, đày ải, giam cầm hàng nghìn cán bộ, đảng viên cộng sản, tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Mặc dù bị giam giữ trong điều kiện khắc nghiệt, tra tấn dã man, chế độ ăn uống kham khổ, bệnh tật đe dọa... Thế nhưng, vượt lên trên tất cả sự tàn bạo dã man của kẻ thù là tinh thần và ý chí đấu tranh kiên cường những người tù cộng sản.

Sự gian khổ và áp bức tàn nhẫn không khuất phục được ý chí những người cộng sản, những nhà yêu nước. Những tù nhân cộng sản đã biến nhà tù thành trường học cách mạng.

Sự gian khổ và áp bức tàn nhẫn không khuất phục được ý chí những người cộng sản, những nhà yêu nước. Những tù nhân cộng sản đã biến nhà tù thành trường học cách mạng.

Các chiến sĩ đã biến nhà tù thành trường học, tổ chức cuộc sống và đấu tranh chống chế độ tù hà khắc. Tài liệu học tập được những người tù cộng sản ghi chép rất công phu và cất giấu vô cùng kín đáo trong các ống nước uống 2 đáy, trong guốc, dép...

Những phương tiện thông tin liên lạc giữa các tù chính trị như: Đôi dép gỗ có khe giấu thư mật, hòn đá, đôi đũa khoét lõi nhét tài liệu… còn được lưu giữ và trưng bày.

Những phương tiện thông tin liên lạc giữa các tù chính trị như: Đôi dép gỗ có khe giấu thư mật, hòn đá, đôi đũa khoét lõi nhét tài liệu… còn được lưu giữ và trưng bày.

Đặc biệt, cuối năm 1940 tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đã thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Đắk Lắk để lãnh đạo đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của thực dân Pháp. Sau khi ra tù, các đảng viên này tiếp tục gây dựng, phát triển được nhiều cơ sở cách mạng ở các đồn điền trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và lãnh đạo phong trào cách mạng tại địa phương.

Từ năm 1954 đến 1975, đế quốc Mỹ tiếp tục sử dụng Nhà đày Buôn Ma Thuột để biệt giam, đày ải, tra tấn tàn bạo các chiến sĩ yêu nước. Nhưng với niềm tin tất thắng, bằng nghị lực phi thường và lòng hy sinh quả cảm, vượt qua mọi gian lao, các chiến sĩ cộng sản bị giam cầm ở đây luôn đoàn kết, chống lại chế độ lao tù tàn bạo, tổ chức nhiều cuộc vượt ngục thoát khỏi nhà tù hoặc buộc địch trả tự do trở về với Đảng, với nhân dân, tiếp tục cống hiến, đấu tranh cho đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất.

Trong hàng nghìn tù chính trị giam cầm ở Nhà đày Buôn Ma Thuột, sau này có nhiều người giữ những chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và quân đội như: Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Võ Chí Công, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu...

KHƠI DẬY, BỒI ĐẮP TINH THẦN CÁCH MẠNG

Ai đã từng đặt chân đến Nhà đày Buôn Ma Thuột, được nhìn thấy những nhà lao, xà lim… được nghe kể về những tù chính trị hằng ngày phải đương đầu chống chọi với những đòn tra tấn dã man cả về thể xác lẫn tinh thần mới thấu hiểu sức chịu đựng và lòng can đảm của những người tù cộng sản biết nhường nào.

Những năm tháng đau thương, đen tối đã đi qua, từ một nơi như “địa ngục trần gian” trong quá khứ, giờ đây Nhà đày Buôn Ma Thuột là không gian yên bình nằm giữa lòng thành phố cao nguyên đầy nắng và gió, và là nơi minh chứng hùng hồn về tội ác của thực dân, đế quốc.

Du khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Du khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Với những giá trị và ý nghĩa đặc biệt đó, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt xếp hạng Nhà đày Buôn Ma Thuột là Di tích Quốc gia đặc biệt, nơi đã ghi dấu giai đoạn đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất, sự hy sinh lớn lao của các bậc tiền bối đã ngã xuống vì hai tiếng hòa bình cho dân tộc. Nơi đây là địa chỉ đỏ để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ thêm trân trọng, tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc. Mỗi năm, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột đã đón tiếp hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử…

Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột được trùng tu vào năm 1992, 2006 và được đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử của người dân.

Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột được trùng tu vào năm 1992, 2006 và được đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử của người dân.

Những ngày tháng 4, Nhà đày Buôn Ma Thuột luôn tấp nập bước chân của nhiều đoàn khách du lịch, đặc biệt là thế hệ trẻ đến tìm hiểu về lịch sử truyền thống của cha ông. Mỗi hình ảnh, câu chuyện về tinh thần đấu tranh quả cảm của những người tù cộng sản ở đây là những bài học sâu sắc. Đến nơi này, mỗi người sẽ ý thức hơn về việc sống, làm việc, học tập, rèn luyện sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ cha ông, mỗi người sẽ biết trân trọng những gì mình có được ngày hôm nay và nỗ lực hơn nữa vì một nước Việt Nam hùng cường. Bởi, hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc hôm nay phải đổi bằng tuổi xuân, xương máu của bao lớp cha ông đi trước.

Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột là một biểu tượng, khẳng định ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam, là nguồn sức mạnh tinh thần không bao giờ vơi cạn, tiếp sức cho các thế hệ trên con đường đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh.

Bài, ảnh: LINH ĐAN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202404/noi-ngoi-sang-tinh-than-cach-mang-e9f2af2/