Nỗi nhớ mang tên chợ du lịch Bến Thành

Chợ Bến Thành, khu chợ nổi tiếng nhất, sầm uất nhất tại TPHCM được cả thế giới biết đến giờ đây sau hơn 3 tháng chịu ảnh hưởng vì đại dịch trở nên vắng vẻ chưa từng thấy. Một chợ Bến Thành 'sống chậm' với chỉ lác đác dăm bảy người lượn vào, đi ra mà không thấy mua sắm gì.

Chợ Bến Thành đìu hiu, vắng khách Ảnh: Trần Nguyên Anh

Chợ Bến Thành đìu hiu, vắng khách Ảnh: Trần Nguyên Anh

“Chưa bao giờ vắng như thế này”

Cô Tư, một người dân sống ở cạnh chợ Bến Thành, năm nay gần 70 tuổi, nói rằng: “Từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa bao giờ thấy chợ Bến Thành vắng vẻ như thế này”. Thường thì nếu chợ có đóng cửa đi nữa, các phố phường xung quanh vẫn đông đúc người lại qua, nhưng nay, không chỉ trong đình chợ 80% gian hàng đã đắp chăn phủ chiếu mà các cửa hàng cửa hiệu xung quanh chợ cũng cửa đóng then cài.

Nói đến chợ Bến Thành, đầu tiên người ta nghĩ đến những món khoái khẩu rất đặc trưng tại các quầy bán đồ ăn trong chợ. Những món ăn của miền Nam, của Sài Gòn và của các vùng khác nữa,bao năm vẫn được bán trong chợ, với một khẩu vị không hề lai tạp. Tạp chí ẩm thực Food and Wine đã vinh danh là chợ Bến Thành là 1 trong 10 điểm đến có những món ăn đường phố hấp dẫn nhất hành tinh.

Giờ đây, kể từ Tết Nguyên đán, sau gần 100 ngày hứng chịu cơn bão đại dịch COVID-19, những gian hàng ẩm thực trong chợ đã hoàn toàn đóng cửa. Bóng tối bao phủ và chỉ có thể thấy chút ánh sáng le lói từ phía cửa xa xa. Không một bóng người lai vãng trong khu ẩm thực.

Một cửa hàng bán thực phẩm sạch ở bên hông chợ, nơi thường cung cấp nguyên liệu cho các tiểu thương chế biến món ăn, mọi người cho biết: “Trước kia mỗi ngày chúng tôi bán khoảng 40 -50 triệu đồng. Nay chợ gần như ngưng hoạt động, nên mỗi ngày chúng tôi chỉ bán được khoảng 700.000 đồng”. Mười nhân viên bán hàng, giờ cứ một người làm thì một người nghỉ để giảm lương.

Bên trong chợ Bến Thành vắng lặng vì dịch COVID-19 Ảnh: Trần Nguyên Anh

Bên trong chợ Bến Thành vắng lặng vì dịch COVID-19 Ảnh: Trần Nguyên Anh

Khắc khoải những sắc màu

Ngày thường, khi vào chợ Bến Thành, người ta sẽ choáng ngợp vì một vẻ đẹp lộng lẫy Á Đông không ngôi chợ nào trên thế giới so sánh được. Đó là vì trong khoảng 1.500 gian hàng tại chợ Bến Thành có khoảng 80% trong số đó bán hàng tơ lụa, quần áo, đồ trang sức, mỹ nghệ.

Nếu như chợ Đồng Xuân hay khu chợ cổ nổi tiếng của Singapore chủ yếu bán hàng sỉ, thì ngược lại chợ Bến Thành các quầy đều chưng hàng đẹp đẽ như các siêu thị hiện đại vậy để bán lẻ. Hàng ngàn nhân viên bán hàng, phần lớn đều là các cô gái trẻ đẹp tuổi từ mười chín đôi mươi được tuyển mộ từ các tỉnh miền Tây, từ Huế và cả các tỉnh phía Bắc.

Năm 2013, chợ Bến Thành được xếp vào danh sách 5 chợ tốt nhất thế giới do báo USA Today bình chọn.

Chợ Bến Thành có một bản sắc rất khó diễn tả và gọi tên bởi chợ Bến Thành cũng là một tụ điểm du lịch của thành phố. Bao quanh chợ là hệ thống các khách sạn, tụ điểm vui chơi, phố Tây… tất cả đều lấy chợ Bến Thành làm trung tâm.

Năm 2019, TPHCM đón khoảng hơn 8,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 14% so với 2018, chiếm xấp xỉ 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Phần lớn du khách đều ghé qua khu vực chợ Bến Thành. Thậm chí, ngay cả buổi tối chợ Bến Thành vẫn mở một khu chợ đêm. Bình quân, mỗi ngày chợ Bến Thành tiếp đón 10.000 lượt khách tới tham quan, mua bán.

Nhưng, ngôi chợ nổi tiếng này cũng có một vài điểm yếu chí tử. Chị Điệp, có 40 năm bán hàng tại chợ Bến Thành nói với phóng viên: “Khi dịch bệnh xảy ra, một số chợ vẫn mở cửa buôn bán được, vì họ có lượng khách là người địa phương. Còn chợ Bến Thành chúng tôi, xưa nay đa số phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Các đường bay quốc tế ngưng lại, xe tuyến đưa khách các tỉnh lên cũng hạn chế, chợ Bến Thành hoàn toàn mất khách!”.

Quầy hàng chị Điệp bán là một trong số 20% các quầy hàng còn mở cửa. Chị bán hoa quả. Ngày nào đông thì có được hai khách, đa số cả ngày không thấy khách nào.

Người trông xe xin cơm từ thiện

Người “đếm” được khách tới chợ rõ nhất chính là anh Hải, người trông xe bên hông chợ. Anh này nói: “Ngày thường, chúng tôi giữ cả ngàn lượt xe máy. Bây giờ, ngày đông nhất giữ được 15 lượt, còn thường chỉ có khoảng 5 lượt xe máy được gửi”.

Chợ Bến Thành vốn tạo công ăn việc làm không chỉ cho người trong chợ mà cho cả những người chạy xe ôm, bán giải khát, tạp hóa quanh các cổng chợ. Giờ thì khác. Người chạy xe ôm ngồi trên xe máy ngủ ngay ở cổng chính và có lẽ anh đang mơ về những người khách của mình. Một người chạy xe ôm trên đường Phan Chu Trinh ngán ngẩm: “Suốt cả ngày, tôi không đón được bất kỳ một khách nào”.

Chị Hứa Tư Muội là người Hoa sinh ra lớn lên ở tòa nhà chung cư sát bên hông chợ Bến Thành nói: “Gia đình chúng tôi thuê nhà ở đây từ lúc còn chú Hỏa (thời Pháp thuộc). Từ đó đến nay chưa bao giờ thấy chợ Bến Thành vắng người như bây giờ”.

Chị Tư Muội năm ngay hơn 60 tuổi, bán cà phê vỉa hè nuôi bố mẹ già và người chồng lớn tuổi. Mẹ của chị có tiền trợ cấp của chính quyền. Chị nói: “Ngày hôm qua tôi bán được 2 ly cà phê. Ngày hôm nay, đã cuối buổi chiều tôi bán cho chú là ly đầu tiên. Chúng tôi sống sẽ ra sao nếu dịch bệnh cứ kéo dài?”.

Chờ ngày “bão tan”

Dù 80% gian hàng đóng cửa phủ bạt nhưng những người bảo vệ chợ vẫn làm việc ngày đêm vì nhiều hàng hóa được cất trong các quầy. Khi phóng viên bước vào chợ, lập tức một bảo vệ dùng máy đo thân nhiệt kiểm tra và nói: “Không sốt”.

Nhìn quanh, mãi chẳng có ai ra vào nữa. Người bảo vệ tâm sự: “Không hiểu tiểu thương chợ Bến Thành sẽ sống ra sao? Giá thuê mặt bằng từ hơn chục triệu tới cả trăm triệu đồng mà chợ cứ đắp chiếu dài dài!”.

Sau Tết, buôn bán tại chợ đã ế ẩm, tiểu thương chợ Bến Thành và các chợ lớn khác trong thành phố có đơn tập thể xin miễn giảm thuế. Nhưng thời điểm ấy nhiều chợ vẫn còn mở bán nhiều gian hàng. Thực hiện chủ trương cách ly xã hội từ 1/4/2020, tuyệt đại đa số các sạp nghỉ bán. Giờ đây không khí vắng lặng như tờ bao trùm chợ Bến Thành. “Thậm chí bọn em còn chẳng biết người buôn bán tại đây đang đi đâu, làm gì vào lúc này. Từ hôm cách ly xã hội đến giờ không gặp lại ai” - Thư, một chủ sạp nói.

Thư có hai sạp bán bánh kẹo tại chợ Bến Thành, cô nói: “Em đóng một sạp, chỉ còn bán một sạp. Mở cửa cho thông thoáng, giảm nấm mốc, chứ mỗi ngày chỉ bán được khoảng 200.000 đồng thôi”.

4/2020

Một anh chàng trông xe trạc 30 tuổi nói: “Giờ em thất nghiệp, một mình nuôi bố mẹ già và hai con nhỏ, vợ thì bỏ đi rồi. Quanh chợ Bến Thành không có chỗ phát cơm từ thiện. Hàng ngày, em đi tìm các chỗ phát cơm từ thiện ở quận khác, đem về cho bố mẹ và các con ăn khỏi đứt bữa”.

Chợ Bến Thành chúng tôi, xưa nay đa số phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Các đường bay quốc tế ngưng lại, xe tuyến đưa khách các tỉnh lên cũng hạn chế, chợ Bến Thành hoàn toàn mất khách!”chị Điệp thông tin

Trần Nguyên Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/noi-nho-mang-ten-cho-du-lich-ben-thanh-1649426.tpo