Nỗi nhớ tỏa hương

ĐBP - Dịch Covid 19 hoành hành, mấy tháng rồi tôi không được về quê. Mở thùng hàng tiếp tế bố mẹ gửi, một thứ hương thơm cổ tích len lỏi vào lòng. Chợt nhận ra mùa ổi đã về. Đúng rồi, đúng những trái ổi của bà ngoại đây rồi. Quả ổi thóc chỉ to bằng ngón chân cái người lớn, da nhẵn bóng, vàng ruộm như nắng. Cắn một miếng, vị mềm ngọt vừa chạm vào đầu lưỡi đã đánh thức cả miền ký ức mênh mang. Hương ổi ấm áp, chân phương như lời ru của bà, khiến tâm hồn mình như bé lại, thèm được bao bọc, vỗ về. Mùi ổi chín không nồng nàn như thị nhưng lại thơm rất lâu và bay rất xa.

Ngày bé, tôi được lũ bạn trong xóm gọi với biệt danh là Ổi. Thậm chí có đứa còn chẳng nhớ tên thật của tôi. Đó là bởi tôi tha thẩn cả ngày trong vườn ổi của bà đến nỗi đôi dép tổ ong rách mũi, quần áo lấm lem đất cát, mớ tóc cháy nắng vàng hoe cũng ướp hương ổi ngào ngạt. Đến tận bây giờ, khi gặp lại, đám bạn vẫn cứ nhắc mãi về cái tên ấy cùng những vui buồn thuở ấu thơ.

Tôi rất giỏi leo trèo, hai bàn chân trần nhỏ thó quắp chặt lấy thân ổi thẳng tắp, nhẵn thín, nháy mắt đã vắt vẻo trên chạc cây. Cả lũ ở dưới gốc nhốn nháo giơ vạt áo ra hứng: “Tao… Tao này… Cho tao quả”. Mùa ổi chín, không chỉ đám trẻ quê nghèo chúng tôi háo hức mà đàn chào mào cũng từ đâu kéo về xôn xao cả khu vườn nhỏ. Chúng khôn lanh chọn những quả ổi chín thơm ngon nhất, đã thế còn xấu tính mổ vài miếng rồi quăng xuống đất chỏng chơ. Dáng bà gầy xọp, bần thần cúi nhặt những trái ổi dập nát cứ nhưng nhức trong ký ức tuổi thơ tôi.

Tôi nằm vắt chân chữ ngũ trên chõng tre. Hương ổi theo gió đưa vào, thơm câu đồng dao tôi hát, thơm ánh trăng mượt như nhung. Bà ngồi khâu áo cho tôi, những ngón tay chai sần, nứt nẻ cũng vấn vương hương ổi. Tôi thiu thiu ngủ. Trong giấc mơ, tôi hóa thành chàng hiệp sĩ, cưỡi chú chó mực, tay lăm lăm thanh kiếm là cành củi khô đánh đuổi lũ chào mào.

Ngày họp chợ phiên, bà thức dậy từ khi vườn ổi còn đang cuộn tròn trong tấm chăn sương. Bà chọn hái những trái ổi chín vàng còn nguyên cuống lá xanh xếp vào thúng có chút rơm khô lót ở dưới và úp chiếc nón mê lên trên, đem ra chợ bán. Khi nắng lồng vào miệng giếng lấp loáng, hai anh em tôi ngấp nghển ở cổng trông bóng bà. Thế nào trong chiếc thúng bà cắp bên hông cũng có mấy cái bánh rán đường ngọt lịm, chiếc bánh đa vừng thơm bùi hay cốc chè đậu xanh nước cốt dừa béo ngậy. Bà ngồi ở bậc thềm, lẩm nhẩm đếm mấy tờ tiền lẻ. Bà bảo bán dăm quả ổi chẳng được là bao nhưng cũng đủ đồng rau, đồng muối.

Có lần giận dỗi, tôi leo tót lên ngọn ổi trốn, mặc bà gọi khản giọng, mướt mồ hôi đi tìm. Đến tận bữa cơm chiều mới chịu tụt xuống. Ngày bà mất, tôi cũng trèo lên cây ổi khóc. Thế nhưng đợi mãi mà chẳng thấy tiếng gậy khua lộc cộc, chẳng nghe giọng mờ đục của bà. Xa quê đã lâu, dẫu cho khói bụi thị thành có ken dày với những lo toan cũng chẳng thể khiến mùi hương cổ tích ấy mờ đi trong tâm tưởng. Nâng trái ổi trên tay, khẽ gọi tên nỗi nhớ. Một nỗi nhớ tỏa hương…

Đào Mạnh Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/van-hoa/191680/noi-nho-toa-huong