Nỗi niềm cán bộ, công chức xin nghỉ để sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Hải Dương

Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, toàn tỉnh Hải Dương có khoảng 200 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách xin nghỉ công tác. Nhiều cán bộ chuẩn bị nghỉ công tác vẫn còn tâm huyết, trăn trở với nhiệm vụ chung.

Sau khi có chủ trương sáp nhập, xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) vẫn duy trì các hoạt động ổn định để phục vụ nhân dân

Sau khi có chủ trương sáp nhập, xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) vẫn duy trì các hoạt động ổn định để phục vụ nhân dân

Không bê trễ công việc

Thực hiện sáp nhập, xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) có 2 cán bộ chủ chốt nghỉ công tác. Các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND và Phó Chủ tịch HĐND xã đã làm đơn tự nguyện xin nghỉ trước tuổi. Xã còn có 1 công chức kế toán sinh năm 1970 cũng đã có đơn xin nghỉ theo diện tinh giản biên chế. Dù vậy, các cán bộ vẫn nghiêm túc, không bê trễ công việc. Mọi hoạt động của xã vẫn duy trì ổn định để phục vụ nhân dân. Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2025 – 2030, xã Quảng Nghiệp đã sớm triển khai, thực hiện hướng dẫn của Huyện ủy Tứ Kỳ về xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội Đảng các cấp. Hiện xã đã xây dựng kế hoạch tổng kết các chương trình, đề án của nhiệm kỳ 2020 - 2025; thành lập các tiểu ban phục vụ đại hội…

Sau khi Phòng Nội vụ, Ban Tổ chức Huyện ủy Nam Sách làm việc với Đảng ủy, cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách xã Nam Hồng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nam Hồng đã có đơn xin nghỉ công tác để hưởng chế độ theo quy định. Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nam Hồng cho biết dù chỉ còn 1 ngày công tác ông cũng vẫn đến trụ sở làm việc. Tháng 7 vừa qua, ông đã tham mưu, đề xuất MTTQ cấp trên hỗ trợ xây dựng “Nhà tình nghĩa” cho một hộ nghèo ở thôn Đồn Bối. Ông cũng kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm, cá nhân trong xã hỗ trợ thêm gia đình mua sắm các vật dụng thiết yếu.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hải Dương, hầu hết các đơn vị cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 trong tỉnh đều có cán bộ, công chức tự nguyện xin nghỉ công tác. Ở các địa phương này, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, cán bộ, công chức không có tâm lý né tránh, đùn việc. Bộ phận "một cửa", tiếp dân, các hội, đoàn thể... duy trì nghiêm giờ giấc làm việc.

Lo việc chung

Dù đã có đơn xin nghỉ công tác sau khi sáp nhập xã nhưng ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nam Hồng vẫn không bê trễ công việc

Dù đã có đơn xin nghỉ công tác sau khi sáp nhập xã nhưng ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nam Hồng vẫn không bê trễ công việc

Trước việc có nhiều cán bộ, công chức sẽ nghỉ công tác, không ít người lo ngại đội ngũ cán bộ xã sau sáp nhập có thể thiếu đi những cán bộ kinh nghiệm, am hiểu địa bàn, sâu sát địa phương. Một số lãnh đạo xã băn khoăn khi sáp nhập sẽ có khoảng cách, không đồng đều về chất lượng giữa đội ngũ cán bộ, công chức ở các xã cũ. Ông Vũ Văn Quảng, Bí thư Đảng ủy xã Nam Hồng (Nam Sách) băn khoăn khi sáp nhập xã Nam Hồng và thị trấn Nam Sách thì cán bộ, công chức xã Nam Hồng phải về trụ sở thị trấn Nam Sách làm việc, đi xa hơn, mất nhiều thời gian để làm quen địa bàn mới. Bên cạnh đó, môi trường làm việc ở xã lâu nay là môi trường nông thôn, về thị trấn là đô thị sẽ có nhiều bỡ ngỡ. "Sau sáp nhập, chúng tôi mong đơn vị mới sớm đi vào hoạt động ổn định. Cán bộ, công chức phát huy được kinh nghiệm, tập thể đơn vị mới tiếp tục đoàn kết, xây dựng đơn vị mới vững mạnh", ông Vũ Văn Quảng nói.

Băn khoăn sau khi xin nghỉ công tác trước tuổi, ông Nguyễn Thế Thọ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tái Sơn (Tứ Kỳ) cho biết hiện xã còn nợ hơn 13 tỷ đồng xây dựng cơ bản. Sau khi sáp nhập, khoản nợ này được chuyển cho xã mới sẽ tạo gánh nặng cho đội ngũ cán bộ ở đơn vị mới. Mặc dù địa phương đã nỗ lực khai thác, tìm kiếm các nguồn nhưng địa phương đang rất khó khăn. "Điều này khiến chúng tôi rất trăn trở vì trước khi nghỉ công tác mà chưa hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ với địa phương", ông Thọ nói.

Tuyến đường từ xã Liên Hòa sang xã Bình Dân (Kim Thành) lâu nay chật hẹp, xuống cấp. Xã Liên Hòa và huyện Kim Thành cũng đã có kế hoạch cải tạo, nâng cấp để nhân dân đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, do hai xã thuộc diện sáp nhập nên việc đầu tư chưa được triển khai. Ông Đồng Văn Thoại, Chủ tịch UBND xã Liên Hòa cho biết: "Tới đây, trụ sở xã mới sẽ đặt tại Bình Dân. Chúng tôi mong muốn tập thể lãnh đạo xã mới cũng như huyện sẽ sớm quan tâm đầu tư, cải tạo tuyến đường để việc đi lại của nhân dân trong xã được thuận lợi".

Hiện nay, việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong tỉnh bị chậm so với kế hoạch do Trung ương ban hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023 - 2025. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của cán bộ, công chức. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm cũng là thời điểm cấp xã thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, trọng tâm là chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp. Vì vậy để các xã diện sắp xếp bảo đảm mọi hoạt động, các cấp, ngành cần tăng cường hơn nữa các biện pháp đôn đốc, hỗ trợ cán bộ, công chức ở các xã thuộc diện sáp nhập.

TRƯƠNG HÀ

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/noi-niem-can-bo-cong-chuc-xin-nghi-de-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-o-hai-duong-392100.html