Nỗi niềm con nước nổi

Mùa lũ (mùa nước nổi) năm nay đã xuất hiện, ngập một số cánh đồng giáp biên giới Tây Nam nhưng khá lạ thường. Trong khi một số cánh đồng ven biên giới ở tỉnh An Giang nước ngập cả thước (mét), ngư dân đánh bắt cá tôm kha khá, thì vùng đầu nguồn biên giới tỉnh Đồng Tháp lại đang 'đói nước', cạn khô, ít cá.

Cánh đồng biên giới Bình Hòa Hạ, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nước chỉ mới tràn đồng.

Cánh đồng biên giới Bình Hòa Hạ, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nước chỉ mới tràn đồng.

Dòng nước đỏ từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về Đồng bằng châu thổ Cửu Long khá sớm. Nước dâng lên, len lỏi vào các cánh đồng biên giới được một thời gian thì chựng lại, rồi bất ngờ giựt xuống. Hàng chục nghìn người mưu sinh theo con nước cứ ngóng trông với tâm trạng buồn, vui lẫn lộn.

Các chuyên gia cho rằng, một số đập thủy điện thượng nguồn sông Mê Công đang tích nước, hiện tượng La Nina đến trễ vài tháng nên mưa ít. Điều này kéo theo mùa nước nổi miền Tây Nam Bộ năm nay về muộn hoặc cực đoan hơn là sẽ không có...

“Đỏ mắt” tìm con nước nổi

“Tháng bảy, nước nhảy khỏi bờ”, đó là kinh nghiệm dân gian được đúc kết qua bao thế hệ về tính quy luật của mùa lũ hay còn gọi là mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Kể từ sau Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5 âm lịch) hằng năm, nước trên các dòng sông ở Tây Nam Bộ bắt đầu chuyển từ mầu xanh sang mầu đỏ gạch, chảy xiết và dâng cao. Đặc điểm mùa lũ miền Tây Nam Bộ là nước dâng lên theo từng ngày nên phải tận hai tháng sau, tức đến tháng 7 âm lịch thì nước mới “nhảy” khỏi bờ.

“Lúc này, nước trên sông, rạch tràn qua bờ kênh, ngập lênh láng những cánh đồng ven biên giới. Vậy mà, tháng 7 năm nay, nước không thể “nhảy” khỏi bờ, chỉ len lỏi theo các con rạch, vàm kênh nối với các dòng sông biên giới để “chui” vào nội đồng”, ngư dân Trần Văn Lâm (Bảy Lâm), 63 tuổi ở xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang nói.

Cầm lái chiếc máy đuôi tôm, rồ ga, lão ngư Bảy Lâm lao chiếc vỏ lãi vun vút trên dòng sông Tắc Trúc, ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội, huyện An Phú. Theo ông Bảy Lâm, nước trên sông khá thấp so với thời điểm này năm trước. Vạt đất ven bờ sông vẫn còn cao, chứ như năm trước, nước đã ngập lút, xuồng ghe chạy thẳng từ sông vào đồng. Giờ, con đường chính để xuồng ghe, vỏ lãi của ngư dân vào đồng chính là vàm Xẻo Tre rộng chừng 3m, nối từ sông Tắc Trúc.

Ông Bảy Lâm giải thích: “Vì đây là đồng trũng nên ngập khá sớm và sâu hơn các cánh đồng biên giới khác, nước trên đồng cỡ một thước (1m). Hồi đầu mùa (khoảng tháng 6 âm lịch), nước nổi về sớm, lên nhanh rồi theo các vàm kênh tràn ngập các cánh đồng tiếp giáp nước bạn Campuchia. Thấy vậy, ngư dân cũng đưa dớn lưới, ngư cụ lên đồng đánh bắt cá linh non. Rồi nước bất ngờ chựng lại, thậm chí hôm vừa rồi còn giựt gần hai tấc (20 cm)”.

Vừa nói, ông Bảy Lâm vừa chỉ tay về phía chiếc ghe tam bản với cà rèm phủ kín neo đậu giữa đồng. Đó là “ngôi nhà nổi” mà vợ chồng ông trú ngụ, mưu sinh suốt năm, sáu tháng ròng trong mùa nước nổi. Chung quanh là những đường dớn lưới dọc ngang, kéo dài hàng cây số. Vợ chồng ngư dân Bảy Lâm có đường dớn lưới dài với 10 bụng dớn và 20 túi cá (mỗi bụng dớn có hai túi lưới chứa cá). Kế đến là hai đường dớn lưới của con ông.

“Tháng trước cá chạy lai rai, mỗi ngày chừng mười mấy, hai chục ký. Từ sau rằm tháng 7 tới nay, cá chạy khá hơn, cỡ 100 kg cá linh/ngày. Đổ dớn về, bà nhà tui với mấy đứa con tranh thủ lựa cá linh non còn sống được cỡ 20 kg để bán cho bạn hàng ở chợ, còn lại 80 kg bán cá mồi. Một ngày kiếm được khoảng 800 nghìn đến 1 triệu đồng”, ngư dân Bảy Lâm tâm sự...

Trong khi đó, ngư dân dọc các cánh đồng biên giới xã Thường Thới Tiền, Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp những ngày này đang “đỏ mắt” tìm con nước nổi. Chiếc xe máy chở chúng tôi đi dọc Quốc lộ 30, rồi rẽ vào một tuyến đường kênh, xuyên qua đồng ruộng. Một cán bộ thuộc lực lượng an ninh cơ sở, Công an xã Thường Lạc, cầm lái, giải thích: “Năm ngoái, thời điểm này nước ngập lút, tuyến đường kênh này phải chạy xuồng. Vậy mà năm nay nước chỉ mới chớm chân gốc rạ. Cánh đồng lúa thu hoạch đã lâu, đến lúc xả lũ mà vẫn cạn khô”.

Kênh Tứ Thường lấy nước từ dòng sông biên giới Sở Thượng, tiếp giáp nước bạn Campuchia cung cấp nước cho hai cánh đồng ven biên giới Bình Hòa Hạ và ấp Thị, xã Thường Lạc. Nước trên kênh hờ hững trôi xuôi, chứ không chảy xiết như bao nhiêu mùa lũ trước. Hàng chục miệng cống lớn, nhỏ dọc hai bên bờ kênh Tứ Thường “há hốc miệng” để đưa nước vào cánh đồng đang “đói nước”. Vợ chồng anh Đoàn Thanh Tuấn và chị Lê Thị Loan vẫn đang vá lưới, chưa vội vàng gì.

“Đồng còn “đói nước”, chưa lút gốc rạ thì cá đâu mà chạy. Tất cả các cống đều đã mở cửa cho nước vô đồng mà trên kênh lại không có bao nhiêu nước. Theo tôi, chắc cỡ 10 bữa, nửa tháng nữa thì nước mới tràn đồng”, anh Tuấn nói...

... vẫn mong chờ mùa lũ “đẹp”

Nằm bên kia kênh Tứ Thường, cánh đồng biên giới Bình Hòa Hạ được xả lũ sớm hơn ba ngày nhưng nước lên đồng cũng chỉ được chừng ba, bốn tấc (30-40 cm). Nhiều người tranh thủ xuống dớn để đón những luồng cá đầu tiên theo con nước từ các sông, kênh, rạch vào đồng ruộng.

Ngư dân già Đặng Văn Đổi buồn rười rượi khi nói về con nước nổi: “Tui sống 70 năm ở đây rồi mới thấy cảnh này. Nước nổi về muộn, lại thấp như vậy nên những người mưu sinh theo con nước rất lo. Tui vay mượn mấy chục triệu đồng sắm sửa lại dớn lưới với hy vọng nước lũ nhiều, đánh bắt khá để trang trải cuộc sống. Năm nay, nước ít, nguy cơ lỗ vốn”.

Dứt câu nói, ông Đổi vứt điếu thuốc đang phì phà nhả khói, rồi cùng những người khác trong gia đình tiếp tục căng lưới để hoàn thành đường dớn cuối cùng. Chiếc ghe tam bản chở đầy lưới, ngư cụ của lão ngư này cứ thế xa dần bờ đê, tiến sâu về phía nội đồng. “Dẫu có về muộn, có thấp hơn những năm trước thì người làm nghề hạ bạc như tui vẫn mong lũ sẽ về. Cư dân vùng biên giới này, sáu tháng mùa khô làm ruộng lúa, rồi sáu tháng đánh bắt cá mưu sinh trong mùa lũ. Cho nên, ai cũng mong chờ, hy vọng có một mùa lũ đẹp”, ông Đổi nói vọng lại với chúng tôi trước khi chống chiếc ghe tam bản đi sâu vào phía đồng...

Chúng tôi đã trao đổi, thông tin về những gì chứng kiến và nỗi niềm, tâm trạng của người dân vùng đầu nguồn lũ ở biên giới Tây Nam trước những chuyện lạ thường của con nước năm nay với các chuyên gia về hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và tác động rõ ràng hơn.

Lý giải về việc nước lũ đầu nguồn lên nhanh rồi chựng lại, chuyên gia này chia sẻ, đó là nguồn nước do đợt mưa bão ở vùng hạ nguồn sông Mê Công thuộc địa phận Lào. Nguồn nước này chỉ nhất thời dâng lên, chứ không bền vững. Rồi nước đẩy theo ít cá tôm trôi dạt về đến hạ nguồn Mê Công, tức là đầu nguồn sông Cửu Long, nên có đợt cá linh non, giờ thì trở nên khan hiếm.

“Bên cạnh việc một số đập thủy điện mới ở thượng nguồn sông Mê Công đang tích nước gây ra tình trạng thiếu nước, thì hiện tượng La Nina đến muộn vài tháng nên thiếu mưa, sẽ có thể làm cho mùa nước nổi miền Tây Nam Bộ đến muộn hơn năm trước”, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện phân tích.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, chuyên gia về sông Mê Công, Chủ tịch Hội đồng MCF kiêm Giám đốc mạng lưới các Trường đại học Đất ngập nước (bao gồm 24 trường đại học của bảy quốc gia trong khu vực sông Mê Công), giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường đại học Cần Thơ, cung cấp thêm nhiều thông tin quý giá.

Ông nói rằng, lượng nước đóng góp cho sông Mê Công qua địa phận Trung Quốc chỉ 16-18%. Đóng góp lớn cho nguồn nước sông Mê Công phải tính từ Lào, một phần của Thái Lan, Campuchia và các con sông thuộc dãy Trường Sơn của Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Dương Văn Ni, mùa lũ miền Tây Nam Bộ năm nay thấp không chỉ do các đập thủy điện thượng nguồn tích nước, mà còn do vùng hạ Lào, Campuchia và ở Việt Nam lượng mưa thấp. Mùa mưa năm nay đến muộn hơn hằng năm gần hai tháng là do biến đổi khí hậu.

Chắc chắn không thể trông chờ lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về. Mùa lũ, tức mùa nước nổi miền Tây Nam Bộ phụ thuộc vào khoảng thời gian từ nay đến tháng 11. Theo dự báo, thì khoảng thời gian này Việt Nam đón 8 đến 10 cơn bão.

“Đây là nguồn nước chính đóng góp cho mùa lũ Đồng bằng châu thổ Cửu Long. Nếu đúng như dự báo thì mùa lũ miền Tây Nam Bộ sẽ muộn hơn, đỉnh lũ cũng sẽ có thể muộn theo, đến đầu tháng 10 âm lịch, thay vì rằm tháng 9 âm lịch hằng năm. Còn nếu không có mưa như dự báo thì khó mong chờ một mùa lũ “đẹp”, hay thậm chí sẽ không có mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ”, vị chuyên gia này phân tích...

Theo nhandan.vn

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202409/noi-niem-con-nuoc-noi-1019999/