Nỗi niềm công chức văn hóa-xã hội

Nhìn vào đời sống văn hóa cơ sở hiện nay có thể đánh giá được vai trò của đội ngũ làm công tác văn hóa ở địa phương. Họ phải đảm nhiệm công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên hiện nay, chính sách đãi ngộ lại chưa phù hợp.

“Nhiều sở gộp lại”

Dù có hẹn từ trước nhưng anh Siu Bích-công chức Văn hóa-Xã hội (VH-XH) xã Ia Khai (huyện Ia Grai) chỉ dành cho chúng tôi rất ít thời gian. Anh phân trần, thời điểm này đang thực hiện kiểm kê cồng chiêng, ngoài ra phải làm các loại báo cáo, nhất là tổng kết tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2017-2020, lĩnh vực mới được giao cho người làm công tác văn hóa cơ sở (năm 2019). Nghe có vẻ rất tréo ngoe nhưng thực tế công chức VH-XH phải thực hiện công việc của “nhiều sở gộp lại” như vậy. Anh Bích cho biết: “Hiện nay, công chức VH-XH không chỉ đảm nhiệm lĩnh vực văn hóa-thể thao và du lịch, mà còn có y tế, giáo dục, công tác gia đình, thương binh-xã hội, thông tin-truyền thông… Có rất nhiều việc phải làm, dù không liên quan đến chuyên môn”.

Hiện nay, ở mỗi xã thường có 2 công chức VH-XH. Một người phụ trách lĩnh vực thương binh-xã hội, người còn lại phụ trách văn hóa-thông tin cho tất cả những việc còn lại. Anh Bích tốt nghiệp Trung cấp Tài chính-Kế toán, làm việc ở lĩnh vực hoàn toàn không theo chuyên ngành đào tạo nên bản thân phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện nhiệm vụ được giao. Có những việc không khỏi lo lắng dù cố gắng thực hiện. “Trước kia, Trạm Y tế làm “lo” vệ sinh an toàn thực phẩm, Tư pháp xây dựng hương ước, quy ước… thì nay đã chuyển hết qua cho công chức VH-XH. Vì chưa được bồi dưỡng, tập huấn gì nên chúng tôi rất lúng túng, thường xuyên liên hệ trao đổi thông tin, cách thức thực hiện. Công việc đôi khi chậm trễ vì không thể làm nhanh, do sợ sai sót. Ngoài ra, tôi phải lên mạng tìm hiểu nhiều thứ khác để làm cho đúng, vừa làm vừa học. Chỉ riêng làm báo cáo hàng tháng, hàng quý các lĩnh vực phụ trách cũng rất mất thời gian”-anh Bích nói.

Anh Siu Bích-công chức VH-XH xã Ia Khai (huyện Ia Grai). Ảnh: Minh Châu

Anh Siu Bích-công chức VH-XH xã Ia Khai (huyện Ia Grai). Ảnh: Minh Châu

Cần chính sách đãi ngộ

Kinh nghiệm 17 năm làm công tác văn hóa ở cơ sở vẫn không giúp được anh Nay Phương-công chức VH-XH xã Ia Hdreh (huyện Krông Pa) thoát khỏi sự lúng túng trước áp lực của công việc. Anh học chuyên ngành Quản lý văn hóa tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai, là một trong số ít công chức VH-XH được học và làm việc đúng chuyên môn. Tuy nhiên, anh cho biết, một số việc trước đây chỉ tham gia làm thành viên thì nay lại là người trực tiếp thực hiện, có việc không phù hợp với chuyên môn nên gặp nhiều khó khăn. Nếu không nỗ lực, tâm huyết sẽ rất khó để hoàn thành nhiệm vụ, chưa nói đến hiệu quả cao. “Công việc nào cũng có những khó khăn riêng, nhưng thực tế công chức VH-XH đang phải đảm đương công việc ở nhiều lĩnh vực. Như đợt kiểm kê cồng chiêng này, chúng tôi hoàn toàn thực hiện ngoài giờ hành chính mà không có thêm đồng thù lao nào”-anh Phương bày tỏ.

Anh Phương cho biết thêm, nhiều năm nay, phong trào văn hóa-thể thao của xã Ia Hdreh luôn đứng vị trí cao trong huyện. Bóng đá, bóng chuyền, đi cà kheo, bắn nỏ, kéo co luôn được duy trì và người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Về văn hóa, hàng năm, xã tham gia trình diễn trang phục, ẩm thực truyền thống, các cuộc liên hoan... Ngoài ra, các hoạt động như: xây dựng gia đình, thôn, buôn văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; xóa bỏ hủ tục… cũng do cán bộ văn hóa cơ sở đi đầu trong việc tổ chức thực hiện. Như vậy, hiệu quả của công tác văn hóa cơ sở phụ thuộc rất nhiều vào cán bộ chuyên trách. Tuy nhiên, công chức VH-XH phải hoàn thành khối lượng công việc đảm trách như hiện nay là điều không thể.

Trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, những công chức VH-XH phải tự trang bị thêm kiến thức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện anh Phương đang theo học liên thông đại học ngành Quản lý văn hóa do Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương liên kết với Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai đào tạo. Còn anh Bích đã hoàn tất thủ tục chuẩn bị học liên thông đại học ngành Quản lý văn hóa để nâng cao kiến thức, năng lực công tác, phục vụ công việc.

Theo ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, đội ngũ công chức VH-XH cấp xã là nhân tố quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, quyết định sự phát triển của văn hóa dân tộc. Họ phải đảm nhiệm công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau đang là sự bất cập và cần có cơ chế phù hợp để phát huy vai trò của đội ngũ này trong xây dựng và phát triển văn hóa, đặc biệt là văn hóa thông tin ở cơ sở. Hàng năm, ngành tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, cập nhật các chính sách mới liên quan đến hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Nhưng đó chỉ là một phần trong kiến thức và kỹ năng để đảm nhiệm khối lượng công việc mà công chức VH-XH đang phải thực hiện. Phát huy vai trò đội ngũ công chức VH-XH đồng nghĩa với nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa thông tin cơ sở, nâng cao dân trí, tạo sự bình đẳng về hưởng thụ và tham gia vào các hoạt động văn hóa của đồng bào các dân tộc. Vì vậy, cần nhìn nhận lại để có chính sách và đãi ngộ phù hợp đối với lực lượng này.

MINH CHÂU

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12379/202008/noi-niem-cong-chuc-van-hoa-xa-hoi-5694634/