Nỗi niềm của trí thức trẻ đại học chính quy về xã 10 năm chưa được vào biên chế

Nhiều đội viên của Đề án 500 trí thức trẻ đến nay vẫn chỉ ký hợp đồng lao động có thời hạn, không được vào biên chế công chức. Họ lo lắng mình sẽ là đối tượng bị tinh giản đầu tiên khi thực hiện chủ trương sáp nhập xã, không tổ chức cấp huyện.

Lời Tòa soạn:

Hiện cả nước chuẩn bị các phương án thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã để tiến tới mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở (cấp xã).

Chính vì vậy, tổ chức bộ máy của cấp xã tới đây sẽ có nhiều thay đổi so với hiện nay:

- Dự kiến cả nước sẽ còn khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã thay vì 10.035 như hiện nay.

- Cấp xã sẽ đảm nhận thêm nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện nay; được trao nhiều quyền hạn hơn và sẽ có trung tâm hành chính công.

- Một số cán bộ công chức cấp huyện, cấp tỉnh sẽ về xã.

- Sẽ thực hiện chế độ công chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương, không phân biệt công chức cấp xã với cấp tỉnh.

Trước mắt, Bộ Nội vụ đề xuất giữ nguyên số lượng biên chế cấp xã nhưng trong vòng 5 năm sau khi sắp xếp sẽ thực hiện tinh giản cán bộ, công chức cấp xã không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

VietNamNet thực hiện loạt bài “Sáp nhập xã: Ai đi, ai ở?” ghi nhận những câu chuyện thực tế từ đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động đang làm việc ở cấp xã. Từ đó, đặt ra những vấn đề cần giải quyết trong quá trình sắp xếp lại các đơn vị hành chính thời gian tới.

Năm 2013, chị Đỗ Thanh Mai (23 tuổi, quê Quảng Bình) vừa tốt nghiệp một trường đại học chính quy ở Hà Nội. Nhận thấy chuyên ngành của mình phù hợp, với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ mong muốn được đóng góp sức mình để xây dựng quê hương, chị Mai đã nộp đơn đăng ký thi tuyển vào Đề án 500 thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020.

Cả tỉnh có khoảng 400 hồ sơ nhưng chỉ chọn ra 15 người trúng tuyển. Chị Mai là một trong số đó.

11 năm ký hợp đồng lao động

Sau 3 tháng đào tạo, tháng 3/2015, chị được phân công về một xã miền núi của tỉnh Quảng Bình, với nhiều hi vọng trong thời gian thực hiện đề án sẽ được sắp xếp vào biên chế công chức xã.

Đến năm 2020, khi đề án kết thúc, vì nhiều lý do, chị Mai vẫn chưa được bố trí để trở thành công chức xã. Chị vẫn trong diện kí hợp đồng lao động.

Do một số địa phương trên cả nước vẫn chưa hoàn thành việc sắp xếp, bố trí công tác cho các đội viên của đề án nên Chính phủ quyết định kéo dài thời gian thực hiện đề án đến hết tháng 12/2025.

Vì thế, chị Mai vẫn công tác tại địa phương này cho đến bây giờ. Nhưng trong suốt 5 năm từ khi đề án được tiếp tục, chị Mai và nhiều đội viên của đề án vẫn chưa có vị trí chính thức trong bộ máy.

Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Ảnh minh họa: Hoàng Hà

15 người trẻ trúng tuyển của tỉnh Quảng Bình theo diện đề án - người chuyển công tác, người đi xuất khẩu lao động, số còn lại 11 người chưa ai được bố trí trở thành công chức theo chủ trương của đề án.

Năm nay là năm thứ 11 chị ký hợp đồng lao động, cũng là 11 năm chị cống hiến, dành hết tuổi thanh xuân của mình cho công việc ở xã miền núi xa xôi.

Đứng trước chủ trương mới của Nhà nước về việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, chị Mai và những người cùng cảnh ngộ đang rất lo lắng về số phận của mình trong tương lai.

Mặc dù là người gần như duy nhất của xã có bằng đại học chính quy, năng lực làm việc tốt, nhưng chị lo lắng sẽ không thuộc diện được xem xét giữ lại sau khi các đơn vị hành chính cấp xã được thu gọn.

“Bây giờ chỉ tính cán bộ, công chức còn chưa hết thì làm sao đến lượt mình” - chị nói.

Tôi đã 35 tuổi, ở địa bàn xã biên giới rất khó tìm cơ hội mới

Không chỉ riêng tỉnh Quảng Bình, trên cả nước vẫn còn một số địa phương chưa hoàn thành việc sắp xếp cho các đội viên của Đề án 500 trong khi thời gian hợp đồng đã gần kết thúc.

Chị Mai, sau 11 năm làm việc ở xã biên giới, hiện đã lập gia đình, sinh con tại đây. Chị xác định cuộc sống của mình gần như sẽ gắn bó cả đời với mảnh đất này.

“Mọi người cứ bảo hết cơ hội này thì mình tìm cơ hội khác. Nhưng năm nay tôi đã 35 tuổi, ở địa bàn xã biên giới của tôi, thực sự rất khó để tìm được một cơ hội mới” - chị tâm sự.

Đến nay, công việc, nhiệm vụ, chính sách đãi ngộ của chị cũng giống như các công chức khác, chỉ riêng hợp đồng của chị là hợp đồng có thời hạn - đến hết tháng 12/2025, cũng là thời điểm kết thúc đề án.

“Tôi chỉ mong Đảng và Nhà nước có chính sách riêng dành cho các đội viên của đề án trong giai đoạn sáp nhập này. Các cán bộ, công chức được tạo điều kiện, còn chúng tôi bây giờ không thuộc diện đối tượng nào cả trong khi chúng tôi có bằng cấp, có kinh nghiệm và thời gian cống hiến.

Tôi mong sẽ có những quy định rõ ràng trong việc tuyển chọn cán bộ, công chức cho đơn vị hành chính mới để chúng tôi được cạnh tranh một cách công bằng. Còn nếu như thế này, chắc chúng tôi sẽ bị loại đầu tiên”.

Những lo lắng của chị Mai hoàn toàn có lý do khi dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính yêu cầu UBND cấp tỉnh vừa thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vừa đảm bảo tinh giản biên chế.

Hiện tại vẫn còn nhiều tranh cãi và góp ý về việc dựa trên những tiêu chí nào để tuyển chọn cán bộ, công chức xã cho đơn vị hành chính mới sau sáp nhập.

Theo Bộ Nội vụ, tính đến ngày 31/12/2024, số lượng cán bộ, công chức cấp xã là trên 212.600 người, trong đó có 92,4% tốt nghiệp đại học trở lên và 7,6% tốt nghiệp cao đẳng trở xuống.

Theo đó, số lượng cán bộ, công chức xã không đạt tiêu chuẩn chỉ chiếm tỷ lệ ít, sẽ được giải quyết theo chính sách, bảo đảm lợi ích chính đáng theo quy định của Chính phủ.

* Tên của nhân vật trong bài đã được thay đổi

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ve-vung-kho-lam-viec-10-nam-khong-bien-che-lo-lang-truoc-nguy-co-bi-tinh-gian-2388349.html