Nỗi niềm giáo viên dạy hòa nhập

Trong lớp có học sinh khuyết tật học hòa nhập, giáo viên sẽ vất vả hơn nhiều. Nếu không có tình thương và lòng kiên trì, họ sẽ không thể vượt qua khó khăn để giúp trẻ khuyết tật tiến bộ.

Thầy Ngô Bá, giáo viên Trường tiểu học Quang Trung (H.Xuân Lộc) hướng dẫn học sinh hòa nhập học bài. Ảnh: H.YẾN

Thầy Ngô Bá, giáo viên Trường tiểu học Quang Trung (H.Xuân Lộc) hướng dẫn học sinh hòa nhập học bài. Ảnh: H.YẾN

* Rào cản lớn nhất là… phụ huynh

58 tuổi đời, 37 tuổi nghề, hơn 10 năm dạy học sinh khuyết tật học hòa nhập, thầy Ngô Bá (Trường tiểu học Quang Trung, H.Xuân Lộc) hiểu rõ những khó khăn, vất vả của giáo viên trong lĩnh vực này.

Khó khăn dễ nhìn thấy nhất chính là vì học sinh tham gia học hòa nhập có nhiều loại khuyết tật khác nhau. Mỗi loại khuyết tật lại có những khó khăn riêng buộc giáo viên phải có phương pháp, kế hoạch dạy học cụ thể. Do vậy, nếu trong lớp có học sinh hòa nhập, thầy cô phải tìm hiểu thật kỹ về loại khuyết tật, biết rõ ưu điểm của học trò để có biện pháp riêng nhằm kích thích, giúp trẻ phát triển, phát huy được thế mạnh của mình. Nếu giáo viên bỏ qua bước này thì sẽ không thể quan tâm học sinh đúng cách. Từ đó, trẻ dễ bị chán nản, không thể phát triển được. Trong trường hợp này, trẻ sẽ bị coi như bị bỏ rơi ngoài lớp học dù vẫn hiện diện trong lớp.

Nhưng theo thầy Bá, rào cản lớn nhất không phải từ giáo viên mà lại đến từ phía phụ huynh. “Phần lớn phụ huynh vì mặc cảm với xã hội nên tâm lý không chấp nhận con mình bị bệnh. Họ cho rằng con mình bình thường, chỉ là chậm hơn bạn bè về một mặt nào đó thôi. Vì vậy, nhiệm vụ đầu tiên của giáo viên khi dạy lớp có học sinh khuyết tật là phải biết cách thuyết phục để phụ huynh hiểu về tình trạng của trẻ; giúp họ thấy được điểm mạnh của con để giúp trẻ phát huy, thấy được điểm yếu để chấp nhận và giúp trẻ khắc phục”- thầy Bá chia sẻ.

Muốn làm được điều đó, giáo viên phải có kinh nghiệm, có kiến thức cơ bản về giáo dục trẻ khuyết tật để “đả thông” tư tưởng cho phụ huynh; thuyết phục phụ huynh đưa trẻ đi khám, chữa bệnh để trẻ có cơ hội phát triển tốt hơn.

Thầy Bá kể: “Có lần, tôi được phân công dạy lớp có đến 5 em học sinh khuyết tật, mỗi em một loại khuyết tật khác nhau. Ban đầu tôi cũng nản lắm, nghĩ bụng dạy sao nổi. Sau đó, tôi bắt đầu tìm hiểu kỹ từng trường hợp. Ban đầu, tôi tiếp xúc và khuyên phụ huynh của trẻ chậm tiếp thu đi khám, bác sĩ kết luận trẻ bị não úng thủy. Tôi lên kế hoạch học tập riêng cho bé. Thấy có hiệu quả, tôi lại làm việc tiếp với một trường hợp thường xuyên ngủ trong lớp học. Vì gia đình bé khó khăn nên tôi trực tiếp đưa bé lên Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 để khám. Được bác sĩ kê đơn thuốc, bé uống khoảng 1 tháng thì có tiến triển. Cứ như vậy, cả 5 trẻ đều được đi khám để xác định rõ loại khuyết tật. Tôi có kế hoạch dạy phù hợp với từng em. Hiện nay, có bé đã học lên lớp 11 rồi”.

Cũng đã 35 năm đứng trên bục giảng, thầy Nguyễn Thiện Mỹ (Trường tiểu học Nguyễn Huệ, TT.Tân Phú, H.Tân Phú) từng không ít lần phải ra sức thuyết phục phụ huynh để họ hiểu rằng con của mình là học sinh khuyết tật. Tuy vậy, vẫn có những trường hợp mà thầy Mỹ đành chấp nhận “lực bất tòng tâm”.

Thầy Nguyễn Thiện Mỹ tâm sự: “Tôi có một đồng nghiệp, vợ chồng đều là giáo viên. Họ có con thuộc diện khuyết tật. Tôi dùng kinh nghiệm tích lũy được qua nhiều lớp tập huấn và nhiều năm dạy hòa nhập để thuyết phục họ đưa con đi khám nhưng họ không chịu. Kết quả là bé bị ở lại lớp nhiều năm liền, bởi giáo viên không thể áp dụng kế hoạch dạy học dành cho học sinh khuyết tật đối với bé khi bé chưa có giấy xác nhận loại khuyết tật. Rõ ràng là nhận thức của xã hội về học sinh khuyết tật học hòa nhập còn chưa đầy đủ. Điều này không chỉ gây khó khăn cho giáo viên trực tiếp đứng lớp mà còn gây thiệt thòi cho trẻ và ảnh hưởng chất lượng giáo dục chung”.

* Hạnh phúc giản đơn

Với những giáo viên dạy học sinh hòa nhập, hạnh phúc lớn nhất lại đến từ những tiến bộ nhỏ của học trò.

Là giáo viên dạy bộ môn, thầy Nguyễn Thiện Mỹ không có nhiều thời gian để theo dõi sát sao từng học sinh khuyết tật ở các lớp. Tuy vậy, với sự kiên nhẫn của mình, thầy luôn dành sự quan tâm nhiều hơn cho những học trò đặc biệt này.

Trong lớp có học sinh học hòa nhập thì giáo viên phải sắp xếp để có thời gian kèm riêng cho học sinh đó. Ví dụ, giáo viên có thể tranh thủ lúc cả lớp làm bài tập để lại làm việc riêng với học sinh hòa nhập. Đây cũng là cách mà thầy Mỹ thường làm.

Cô Nguyễn Thị Vinh Hương, Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh học bài

Cô Nguyễn Thị Vinh Hương, Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh học bài

“Ví dụ trong tiết học thủ công, tôi hướng dẫn học sinh gấp máy bay giấy. Các trò khác chỉ cần thầy hướng dẫn 1 lần là làm được ngay. Với học sinh khuyết tật, tôi phải làm từng bước một để em làm theo. Cứ kiên trì như thế, cuối cùng em cũng gấp được máy bay, dù không đẹp bằng các bạn. Khoảnh khắc mà em phóng chiếc máy bay lên, và nhảy cẫng lên sung sướng vì máy bay đã “bay” được khiến tôi cũng cảm thấy vui lây”.

Còn với cô Lưu Thị Quỳnh Hoa (Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, TP.Biên Hòa), điều mà cô quan tâm nhất khi dạy học sinh khuyết tật hòa nhập là luôn động viên, khích lệ tinh thần cho trẻ. Đồng thời, cô cũng chú ý dặn dò, giáo dục để các thành viên khác trong lớp xây dựng tình bạn tốt với học sinh hòa nhập. Cô chủ động tổ chức các hoạt động để trẻ có cơ hội giao lưu, hòa nhập với bạn bè… Tất cả những điều này đều hướng đến mục đích duy nhất: Không để trẻ cảm thấy lẻ loi, lạc loài.

“Trong lớp có học sinh hòa nhập, chắc chắn cô sẽ vất vả hơn. Nhưng chắc hẳn cảm xúc bao trùm của thầy cô vẫn là tình thương học sinh ấy, bởi lẽ các em phải chịu thiệt thòi hơn so với bạn bè” - cô Quỳnh Hoa nói.

Ngày hội Giao lưu giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật

Tại Trường tiểu học Nguyễn Khuyến (H.Xuân Lộc), Phòng GD-ĐT phối hợp với Phòng LĐ-TBXH huyện vừa tổ chức Ngày hội Giao lưu giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật. Theo đó, có 50 học sinh khuyết tật của 32 trường tiểu học trong huyện và hơn 300 học sinh của trường đăng cai tổ chức đã tham gia hoạt động này.

Tại ngày hội, các học sinh được tham gia những hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực; các trò chơi như: ghép hình, các trò chơi vận động…

Ban tổ chức ngày hội đã vận động các mạnh thường quân tặng học bổng cho 50 học sinh tham gia ngày hội, mỗi suất 300 ngàn đồng. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng gửi quà về cho 203 học sinh khuyết tật khác với số tiền 150 ngàn đồng/em.

Thầy Trần Ngọc Trác, chuyên viên Phòng GD-ĐT H.Xuân Lộc cho biết: “Ngày hội Giao lưu giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật đã được thực hiện thường niên trong 8 năm qua. Đây là sân chơi nhằm mang lại niềm vui cho học sinh khuyết tật; đồng thời, truyền thông để phụ huynh và cộng đồng xã hội hiểu rõ hơn về công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Qua 8 lần tổ chức, chương trình ngày càng được lan tỏa và có nhiều mạnh thường quân chung tay góp sức. Hy vọng, chúng tôi sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ để tổ chức hoạt động ý nghĩa này trong những năm sau”.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202011/noi-niem-giao-vien-day-hoa-nhap-3031615/