Nỗi niềm mang tên việc làm
Đại dịch đã làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của nhiều công nhân. Có người trở về nhà, tìm thấy một sự khởi đầu mới ở ngay chính quê hương mình. Nhưng cũng có không ít người vẫn trăn trở với câu hỏi: Liệu có nên một lần nữa ly nông, ly hương?
Tâm tư gửi lại đô thành
Những ngày đầu tháng 10, hàng chục nghìn lao động tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An trở lại quê nhà Đồng Tháp để tránh dịch và thăm nhà sau nhiều ngày sống chật vật nơi "đất khách". Sau một thời gian ở lại quê, nhiều lao động đã không tìm được những việc làm phù hợp, cuộc sống tiếp tục lâm cảnh khó khăn, thiếu thốn. Vậy là từng đoàn xe lại nối tiếp nhau, nhưng lần này những người lao động quay trở về các công ty vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ để xin làm trở lại, một số người quay trở lại khu công nghiệp, số khác chuyển nghề tự do. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng quyết định tiếp tục đi làm ăn xa hay ở lại quê nhà, đặc biệt là khi Tết đã cận kề.
Chị Đặng Thị Thùy Dung, sinh năm 1997, là một trong số đó. Cách đây hơn ba tháng, từ Bến Cát (Bình Dương), chị Dung cùng chồng con dắt díu trở lại quê nhà ở ấp Tân Bình Hạ, xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp. Ngày mà cả gia đình đặt chân trở lại mảnh đất gắn liền những năm tháng tảo tần mưa nắng ngoài ruộng đồng, vợ chồng chị mừng rơi nước mắt. Những ngày trở về cuộc sống bình thường mới, chồng của Dung là anh Võ Văn Minh vừa đi chở rau cải thuê, vừa chữa bệnh di chứng chấn thương sọ não sau một vụ tai nạn ở Bình Dương. Dung thì ở nhà chăm sóc con sáu tháng tuổi. Gần đây chị mua được dàn máy may trả góp để may đồ tại nhà. Tuy nhiên, khách đặt may đồ rất ít. Cả gia đình Dung giờ trông cậy vào đồng lương của anh Minh (4,5 triệu đồng/tháng), trong khi mỗi tháng anh phải trích ra hơn một triệu đồng để mua thuốc trị bệnh.
Tết sắp về, nhớ đến những ngày hai vợ chồng làm công nhân, rồi nghĩ về thu nhập, về tương lai của gia đình, nhất là cuộc sống hiện tại, chị Dung không khỏi xốn xang. "Hồi làm công nhân, mỗi tháng vợ chồng em lãnh lương được 15 triệu đồng. Trừ chi phí sinh hoạt các thứ, gia đình dành mỗi tháng được năm triệu đồng. Giờ em sắp hết thời gian nghỉ hộ sản. Công ty và đồng nghiệp điện rủ lên Bình Dương đi làm lại. Em giờ đi làm trở lại vẫn được, nhưng lên Bình Dương sợ dịch tiếp tục bùng phát mạnh, mắc kẹt giống như đợt dịch trước thì khốn khó, đi lại mua thuốc cho chồng em không được, ảnh hưởng đến bệnh tình của anh ấy. Cái nữa là nếu đi làm thì không ai giữ con em. Vợ chồng em cũng quyết tâm ở lại quê, nhưng cuộc sống, thu nhập ở quê khó khăn quá", chị Dung tâm tư.
Cơ hội ngay chốn quê nhà
Khác với chị Dung, một số người đã tìm được việc làm mới, tốt hơn. Tính đến cuối năm 2021, Nguyễn Thành Công đã liên tục làm việc tại La’s Farmsaty (thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh) của cậu ruột mình trọn năm. Với mức lương bảy triệu đồng/tháng bao ăn, ở, Công nghĩ đây là dịp may, cũng là cơ hội để anh gắn bó với nghề làm du lịch, lại có cơ hội ở gần mẹ, gần gia đình tại nơi chôn nhau cắt rốn.
Nguyễn Thành Công (bên trái) tìm thấy cơ hội việc làm phù hợp ngay tại quê nhà.
Công kể trước dịch, anh làm công nhân ở Khu công nghiệp Phước Đông (huyện Gò Dầu, Tây Ninh), lương năm cũng khoảng bảy triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau khi trừ hết chi phí ăn uống, nhà trọ thì chẳng còn lại được bao nhiêu. Đầu năm 2021, nghỉ việc ở khu công nghiệp, Công được cậu nhận vào trang trại du lịch sinh thái. Công chia sẻ: "Ở đây làm việc phục vụ du khách nên em cảm thấy vui. Khi khách chơi vui, ăn ngon, em thấy niềm vui trong công việc. Thêm nữa làm trang trại du lịch sinh thái khiến mình gần gũi thiên nhiên, khác xa với công việc công nhân làm theo ca kíp. Có lẽ em cũng học thêm nghề nấu ăn, tiếp tân để gắn bó lâu hơn với trang trại".
Một ngày ở La’s Farmsaty rất nhẹ nhàng. Ngoài chăm lo cắt tỉa cây cối, hoa cỏ, Công còn đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn du khách bơi thuyền cao-su trên kênh Đông, nướng gà, trồng lúa, tráng bánh, đào khoai (sắn) phục vụ các bữa ăn theo yêu cầu. Hướng dẫn một nhóm khách tập bắn cung, Công tận tụy và chân thành như hỗ trợ chính người thân của mình, điều đó cũng làm gia tăng thêm giá trị của khu du lịch này. Ông La Quốc Phong, cậu của Công là chủ trang trại La’s Farmsaty cao hứng: "Qua mùa dịch, tuy du lịch có ảnh hưởng nhiều nhưng cũng cho chúng tôi cơ hội giải quyết việc làm cho bảy người, trong đó có nhiều người thân của tôi làm công nhân ở các tỉnh, thành phố lớn. Với Công, vừa là nhân viên, vừa là cháu, tôi đang tính chuyện cho cháu học nâng cao để có thêm kiến thức, phục vụ du lịch quê hương. Từ ngày "bỏ phố về làng", cháu biết tráng bánh tráng phơi sương, giăng lưới bắt cá, trồng trọt như cha ông, tôi thấy vui!".
Khi được hỏi "liệu có quay lại làm công nhân nữa hay không", Công trả lời gọn gàng: "Không". Theo anh, tuy dịch bệnh có làm ảnh hưởng nhưng nếu biết bám làng quê, bám đất sống, thì chắc chắn sẽ không đói kém. Bản thân anh vẫn sống an lạc giữa mùa dịch bão táp vừa qua, chuyên tâm nướng cá, hái rau phục vụ du khách trong an lành, giữa quê hương Trảng Bàng xinh đẹp!
Có một công việc tốt, ổn định thu nhập là mong ước của hàng triệu công nhân, người lao động. Với các công nhân đang và từng làm việc tại các khu công nghiệp, trong những ngày Tết cận kề, thật lắm nỗi niềm.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-de-cuoi-tuan/noi-niem-mang-ten-viec-lam-682294/