Nỗi niềm phóng viên thường trú

Trong thời buổi cạnh tranh thông tin như hiện nay, các nhà báo, phóng viên tỉnh lẻ luôn phải sáng tạo, đổi mới chính mình để có thể tồn tại và phát triển.

Theo số liệu từ Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa, hiện trên địa bàn có 27 Văn phòng đại diện, 23 phóng viên thường trú, 11 phóng viên báo chí trung ương, tỉnh, thành giới thiệu về hoạt động tại tỉnh Thanh Hóa. Là địa phương có dân số đông, diện tích rộng, các sự kiện về chính trị, kinh tế, xã hội diễn ra nhiều, thường xuyên; dù ở đồng bằng hay miền núi xa xôi đều được các nhà báo, phóng viên thường trú đưa tin, bài nhanh, đầy đủ, chính xác trên các báo.

Phóng viên Báo Công Thương tác nghiệp tại huyện Hậu Lộc

Phóng viên Báo Công Thương tác nghiệp tại huyện Hậu Lộc

Cánh nhà báo, phóng viên thường trú thường tác nghiệp độc lập, nhưng về tính nhanh nhạy, tính phát hiện và độ “hót”- thì cánh “chính thống” có lúc không nhanh chân bằng cánh phóng viên “phóng viên lưu vong”, tức là các phóng viên phóng viên thử việc và phóng viên chính thức của các báo chưa “đăng ký hộ khẩu”, chưa có trụ sở làm việc (nên thường chạy rông, không có chỗ ngồi). Cánh này toàn trai trẻ, đi khỏe, viết khỏe, lại không ngại vất vả, va chạm. Ở đâu có thông tin là họ lập tức lên đường ngay. Tùy theo tính chất từng vụ việc, họ sẽ thông tin cho nhau cùng phối hợp tác nghiệp, hoặc giữ bí mật, làm xong chờ cho báo mình chạy rồi mới chuyển cho đồng nghiệp… Đó là vài câu chuyện trong cả trăm chuyện mà phóng viên thường trú tỉnh lẻ gặp thường ngày.

Khoác trên mình cái “mác” là báo trung ương, nghe có vẻ “oai”, nhưng các nhà báo, phóng viên đều khá vất vả. Bởi lẽ, ngoài việc phải lo hoàn thành chỉ tiêu định mức tin, bài, họ còn lo làm tuyên truyền, chuyên trang, quảng cáo, thậm chí có báo phải làm cả phát hành.

Nói cánh nhà báo, phóng viên thường trú ở tỉnh lẻ “sướng” cũng đúng, “khổ” chẳng sai chút nào. “Khổ” của họ là phải lo trụ sở làm việc, lo hoàn thành định mức tin, bài, và nhất là lo làm chuyên trang, quảng cáo, phát hành. Thường để “xin” được tuyên truyền, quảng cáo phải có những mối quan hệ thân tình mới dễ, không thì hơi khó. Chuyện vài, ba nhà báo, phóng viên “đụng hàng” ở một cơ sở không phải là hiếm …, Còn nói về sướng thì nhà báo, phóng viên thường trú tỉnh lẻ xa cơ quan tất nhiên là không bị quản về thời gian, không phải họp hành, không bị “thúc” mỗi khi báo thiếu tin, bài… nên cũng có phần rảnh chân hơn.

Cái duyên gắn với nghề báo đã hơn 13 năm, nay lại được công tác tại Báo Công Thương, tôi thấy mình thật may mắn!. Có những câu chuyện vui, buồn trong tác nghiệp, lúc đi cơ sở cũng là chuyện thường tình. Hãy xem đó là những trải nghiệm để mỗi nhà báo, phóng viên phải tự phấn đấu, đổi mới chính mình để phù hợp với tôn chỉ của mỗi tờ báo; phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu của thời đại. Nghề báo thì không thiếu hiểm nguy, gian khổ, nhưng có lúc cũng đầy vinh quang. Đã là nhà báo, phóng viên thì phải dấn thân, chấp nhận hiểm nguy, gian khổ vì một xã hội ngày càng công bằng, tốt đẹp hơn.

Để động viên các nhà báo, phóng viên thường trú, nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, động viên, tạo mọi điều kiện để họ tác nghiệp. Thông qua nguồn tin từ cơ quan báo chí thường trú, tỉnh Thanh Hóa đã nắm bắt, kịp thời chấn chỉnh, xử lý dứt điểm những vấn đề mà báo chí phản ánh - đó là điều mà lâu nay lãnh đạo xứ Thanh luôn trân trọng công lao của cánh nhà báo, phóng viên thường trú.

Hoàng Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/noi-niem-phong-vien-thuong-tru-258828.html