Nỗi niềm sân khấu xã hội hóa ở TP.HCM: Bấp bênh điểm diễn

Nhiều địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được điều kiện cần và đủ cho hoạt động biểu diễn của các nghệ sỹ.

Trích đoạn vở cải lương Giấc mộng đêm xuân. (Ảnh: Gia Thuận/TTXVN)

Trích đoạn vở cải lương Giấc mộng đêm xuân. (Ảnh: Gia Thuận/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh được xem là “cái nôi” của mô hình sân khấu xã hội hóa, thế nhưng mô hình này lại đang trong tình trạng “ngoi ngóp” do những khó khăn từ khách quan lẫn chủ quan.

Bên cạnh sự phát triển của các loại hình giải trí mới với công nghệ ngày càng hiện đại, nguyên nhân dẫn đến sự "đi xuống" của các sân khấu kịch xã hội hóa còn do những vấn đề còn tồn tại, kéo dài dai dẳng như thiếu đội ngũ sáng tác trẻ chuyên nghiệp, đặc biệt là sự thiếu thốn về các thiết chế văn hóa phục vụ hoạt động biểu diễn của các sân khấu.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có hoạt động sân khấu khá sôi động, tuy nhiên nhiều địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật tại thành phố đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được điều kiện cần và đủ cho hoạt động biểu diễn của các nghệ sỹ, diễn viên cũng như nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân.

Cơ sở vật chất xuống cấp

Có được một sân khấu, điểm diễn nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu tổ chức biểu diễn nghệ thuật luôn là niềm khát khao của các sân khấu kịch nói xã hội hóa.

Nhiều năm nay, những người làm trong nghề này luôn phải "ôm" nhiều nỗi lo như từ tác phẩm, kịch bản, đội ngũ làm nghề, kinh phí hoạt động đến vấn đề điểm diễn. Một sàn diễn tốt đáp ứng đầy đủ các yếu tố cơ bản của sân khấu sẽ luôn tạo được hiệu ứng, sự tương tác phù hợp, góp phần kích thích tư duy sáng tạo của người làm nghệ thuật.

Tuy nhiên, với nhiều người làm nghệ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, đây lại đang là điều rất “xa xỉ.”

Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ nằm ở lầu 3, địa chỉ số 5B Võ Văn Tần (Quận 3), là mô hình sân khấu xã hội hóa điển hình hoạt động tiêu biểu của Thành phố trong suốt 22 năm qua. Thế nhưng, sân khấu này đang phải “kêu cứu” khi cơ sở vật chất đã cũ kỹ, ghế ngồi bằng sắt hoen rỉ, khán phòng nhỏ và nóng. Do không có kinh phí, những người quản lý Nhà hát này chỉ có thể sửa chữa, chắp vá tạm thời để sân khấu tiếp tục "sáng đèn."

Tương tự, nhiều năm qua, sân khấu kịch Phú Nhuận tại Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận của nghệ sỹ ưu tú Hồng Vân cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Trong một đợt mưa lớn, sân khấu này đã bị dột và ngập nước nên có thời gian phải ngưng hoạt động 2 tháng để sửa chữa nhiều hạng mục.

Sân khấu kịch Sài Gòn đóng cửa im lìm suốt từ Tết Nguyên đán 2020 đến nay do điểm diễn tại Rạp Đại Đồng (Quận 3) đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, mái dột nhiều nơi từ sàn diễn đến bên dưới khán phòng, ghế ngồi cũng hư hỏng nhiều. Hiện, đơn vị quản lý rạp đã lấy lại điểm diễn để lên kế hoạch tu bổ.

Theo Trưởng ban Ái hữu nghệ sỹ Thành phố Hồ Chí Minh - Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, cơ sở vật chất dành cho sân khấu vẫn luôn là vấn đề trăn trở, nhức nhối nhiều năm nay không chỉ ở các đơn vị xã hội hóa mà ngay cả ở các đơn vị công lập; phần lớn cơ sở vật chất xuống cấp, không đủ bảo đảm để tổ chức suất diễn.

Bên cạnh đó, các đơn vị sân khấu thời gian qua phải “ăn nhờ ở đậu,” thuê mướn mặt bằng bấp bênh tại các trung tâm văn hóa, vì vậy họ không dám đầu tư vở diễn cho đàng hoàng, công phu.

Đồng quan điểm, nghệ sỹ Mỹ Uyên, Giám đốc sân khấu kịch 5B, chia sẻ: Vấn đề về cơ sở vật chất luôn là nỗi khó khăn, niềm trăn trở của các “bầu” sân khấu xã hội hóa.

Nhìn vào mặt bằng sân khấu cho thuê làm điểm diễn, tổ chức biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại Thành phố hiện nay gần như không có sàn diễn nào đẹp, đạt chuẩn, có vị thế tốt, nằm ở khu vực trung tâm có thể đáp ứng cho hoạt động tổ chức biểu diễn.

Việc không có điểm diễn, các ý tưởng nghệ thuật, những mong muốn biểu diễn sẽ không thể phát huy, nghệ sĩ không có nhiều cơ hội rèn nghề… Từ đây, các tác phẩm sân khấu nghệ thuật sẽ không có cơ hội đến với công chúng.

Không chỉ vậy, việc đóng cửa, "tắt đèn" sàn diễn kéo dài sẽ khiến lượng người xem của các sân khấu kịch dần giảm xuống. Theo dòng chảy của thời gian, loại hình sân khấu kịch nói cứ thế mai một, “èo uột” dần.

Thiếu sân khấu phù hợp

Bên cạnh vấn đề cơ sở vật chất xuống cấp, tình trạng thiếu sân khấu phù hợp để biểu diễn từng loại hình còn phổ biến, điều kiện tập luyện tạm bợ, trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu cũng là nỗi niềm của nhiều nghệ sĩ và các đơn vị biểu diễn nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

 Một cảnh của vở diễn Dạ cổ cầm thi. *Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Một cảnh của vở diễn Dạ cổ cầm thi. *Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Nhìn lại tổng thể các sân khấu của Thành phố, một số nhà hát lớn của Thành phố như Nhà hát Giao hưởng-Nhạc-Vũ kịch (HBSO), Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát Nghệ thuật hát bội, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang… vừa “sập xệ” vừa hạn chế không gian nghệ thuật.

Đầu tiên phải kể đến là Nhà hát Giao hưởng-Nhạc-Vũ kịch, sau hơn 20 năm thành lập và không ngừng cho ra đời những sản phẩm tinh thần đặc sắc phục vụ khán giả thành phố, từ năm 1993 tới nay, HBSO vẫn trong hoàn cảnh “một chốn ba nơi”: phòng tập múa phải thuê ở số 81 đường Trần Quốc Thảo; dàn nhạc tập luyện ở rạp Thanh Vân, cũng là kho của nhà hát; phòng làm việc được đặt dưới tầng hầm Nhà hát Thành phố.

Trung bình mỗi năm, HBSO phải chi gần 1 tỷ đồng cho việc thuê mướn điểm diễn và tập luyện.

Cùng cảnh ngộ, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen có văn phòng nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, rạp hát Kim Châu nằm ở khu trung tâm Quận 1, cả hai nơi này đều chỉ có thể sử dụng làm nơi tập luyện bởi lẽ cơ sở vật chất hạ tầng đã quá xuống cấp, cũ kỹ, không đáp ứng được yêu cầu tổ chức biểu diễn.

Với Nhà hát Nghệ thuật hát bội, hơn 10 năm nay, nhà hát này luân chuyển từ nơi tạm bợ này đến nơi xập xệ khác. Đến nay, Nhà hát Nghệ thuật hát bội từng "lay lắt" ở rạp Long Phụng nay chuyển về rạp Thủ Đô (có lịch sử hơn 70 năm) cũng đã “mối mọt” theo thời gian.

Điển hình của sự không phù hợp là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, khởi công xây dựng mới vào năm 2013 do Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư với nguồn kinh phí hơn 130 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố.

Đây là công trình thiết kế kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, được kỳ vọng trở thành “thánh đường” của cải lương khi khánh thành. Tuy nhiên kết cấu xây dựng, cơ sở hạ tầng của nhà hát này sau khi hoàn thành đều không đảm bảo để tổ chức biểu diễn nghệ thuật: sàn diễn của nhà hát mới quá nhỏ, trần thấp không thể dựng vở, thiếu kho chứa đồ, dàn đèn bị bố trí sai kỹ thuật, không có chỗ ngồi cho dàn nhạc...

Theo Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - Đạo diễn Phan Quốc Kiệt, vì đặc thù nhà hát sử dụng lại toàn bộ quỹ đất từ Rạp Hưng Đạo cũ nên sau khi được xây mới lại, năm 2019, Đạo diễn Phan Quốc Kiệt tiếp quản rạp, vận hành, tổ chức biểu diễn, ông mới phát hiện và thấy được những điều chưa tốt, cần hoàn thiện thêm.

Ông và các nghệ sỹ đặt nhiều kỳ vọng về điều kiện vật chất, âm thanh, sân khấu, một không gian đẹp.

Ở góc độ chuyên môn, Đạo diễn Phan Quốc Kiệt cho rằng, đối với cải lương, đặc thù là những vở diễn cần đại cảnh, trần sân khấu thấp thì khi dàn dựng phải tính toán để cân bằng với kích thước của sân khấu hiện tại.

Với mái gầm thấp ở hai bên sân khấu, cần phải làm những tạo cảnh thấp lại, chuyển cảnh sao cho phù hợp. Phòng hóa trang ở trên lầu, diễn viên cũng gặp khó khăn khi di chuyển xuống sân khấu, họ cần chủ động phân bố thời gian để xuống cho kịp phân cảnh diễn.

Vị trí của dàn nhạc ngồi chưa phù hợp, đành phải gỡ bớt hàng ghế khán giả để có chỗ ngồi. Vị trí của bộ phận âm thanh ánh sáng được bố trí trên lầu giờ phải chuyển xuống dưới để phù hợp hơn.

Đại diện nhiều nhà hát cũng cho biết, tình trạng thiếu hụt sân khấu, rạp hát chưa thực sự đáp ứng yêu cầu không chỉ khiến đơn vị gặp khó khăn trong tổ chức biểu diễn mà còn không thể mạnh tay đầu tư thực hiện những chương trình quy mô, có chiều sâu và sức lan tỏa rộng khắp.

Điều này vô hình chung làm giảm cơ hội cho các chương trình dàn dựng công phu, chất lượng nhằm phục vụ khán giả. Vì điều kiện hoạt động nghệ thuật nghèo nàn, tạm bợ, không ít nghệ sĩ trẻ đã nản chí với nghệ thuật truyền thống và dần chuyển hướng sang các hoạt động biểu diễn hiện đại./.

Thu Hương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/noi-niem-san-khau-xa-hoi-hoa-o-tphcm-bap-benh-diem-dien/664271.vnp