Nỗi niềm suy tư, chiêm cảm trong thơ Trần Vũ Long

'Đời thì đau nhiều mà thơ mãi không hay lên được'. Anh muốn in tập thơ để lưu giữ 'một quãng thời gian nhiều yêu thương, nhiều mất mát, nhiều đau đớn, nhiều cô đơn, nhiều hoang hoải... và cả nhiều sự điên rồ. Đời cứ thế và mình cứ thế'. Đọc những lời chia sẻ của nhà thơ Trần Vũ Long càng thấy rõ cá tính, sự khiêm tốn lẫn ý thức sâu sắc của anh về thơ và đời.

Có lẽ chính điều này đã làm nên một hồn thơ Trần Vũ Long đằm sâu, chắt lắng với nhiều nỗi niềm suy tư, trăn trở, thấm đẫm nỗi nhân tình thế thái. Ở đó là những chiêm cảm, sự tự thức sâu sắc của bản thân trên hành trình cuộc đời. Và trên hành trình ấy, người thơ luôn cảm thấy bất an; thậm chí đôi lúc chênh vênh, hụt hẫng không biết nương tựa và bám víu vào đâu.
Chén cuối cùng anh uống mình anh/ Em không tới rượu thành màu lửa cháy/ Bình dốc cạn mắt người hoang lạnh đáy/ Hoa lá đổi màu, cỏ úa quá tầm tay (Say).
Thơ Trần Vũ Long kết nối được những thế giới khác nhau nên có lúc vừa mơ hồ, hư ảo bởi nó là tiếng nói của tiềm thức nhưng có lúc là trực giác nên rất chân thật. Với lối tư duy đa chiều đã làm cho thơ trở nên giàu hàm lượng nghĩa, mở ra những chiều kích, suy tưởng; biểu đạt một thế giới tâm thức sâu xa.

Nhà thơ Trần Vũ Long.

Nhà thơ Trần Vũ Long.

Buổi chiều ngồi nghĩ về ngôi đền cổ là một bài thơ tạo được những ám ảnh nhất định đối với người đọc.
Ngôi đền ấy là nước mắt/ Ngôi đền ấy là tình yêu/ Bao hỉ nội ái ố/ Nhận và cho đã nhiều.
Nhà thơ Trần Vũ Long đã tạo nên những trạng thái đối cực. Chính từ phức cảm đó đã tạo nên màu sắc huyền diệu, có sức rung cảm sâu xa trong tâm hồn bạn đọc.
Ngôn ngữ trong thơ Trần Vũ Long là thứ ngôn ngữ mang tính biểu tượng, giàu sức gợi tạo nên nỗi ám ảnh trong lòng bạn đọc. Đó cũng là cách để anh giãi bày và đi vào khám phá sự bí ẩn của lòng người và của thế giới xung quanh.
Bài thơ Với Tướng Giáp, Trần Vũ Long đã cho người đọc thấy một thực tế đang hiện hữu. Đằng sau đó là một chân lý sâu xa, có lẽ ai cũng nghe, cũng biết. Nhưng để hiểu đúng, hiểu đầy đủ và vận dụng vào thực tiễn thì chưa hẳn! Một con người như Đại tướng Võ Nguyên Giáp xung quanh với bao “vùng cấm” nhưng được Nhân dân tin yêu, mến mộ thì sẽ luôn bất tử với thời gian. Điều chắc chắn là sẽ không thể có “vùng cấm” nào cản ngăn niềm tin bất diệt, sự kính trọng, tôn thờ từ phía nhân dân.
Xung quanh ông/ Bao vùng cấm/ Nhưng chẳng vùng cấm nào/ Từ phía Nhân dân.
Khi rơi vào đau khổ, khó khăn, tổn thương, nghịch lý... nhà thơ Trần Vũ Long tìm về khám phá những vùng khuất, tìm đến với giấc mơ để nâng đỡ, bám víu, để tìm ra giải pháp tối ưu cho mình, cho người. Nhưng dường như trong cuộc “hành hương” đến với giấc mơ, cái nhận về vẫn là những hiện thực bộn bề, phức tạp, hoang hoải và đầy bất trắc. Bài thơ Mơ hoang là minh chứng rõ nét cho điều vừa nói:
Đêm qua anh đã bay trên cánh đồng/ chỉ gió đưa anh đi/ Mẹ đã bỏ anh trong hoang hoải mùi lúa/ Cha cũng bỏ anh sau những vết găm phận người/ Ánh mắt em nhìn anh không nói/ như giọt máu loang đỏ giấc mơ
Đêm qua anh đã bay trên vũng lầy/ Hành trình đơn độc/ chẳng mang gì ngoài giấc mơ/ Những giấc mơ lấm láp tội nghiệp/ Đã neo anh với đất này
Biểu tượng “đêm” cùng với việc sử dụng các biện pháp tu từ đã dồn chứa biết bao tâm tư sâu lắng. Ở đó dường như có thoáng hồ nghi, sự thảng thốt vọng vào giữa hai miền thực - ảo. Do vậy, thi nhân như lặn sâu vào nỗi buồn, tự độc thoại, đối thoại với chính mình. Trần Vũ Long có nhiều bài thơ như thế. Sự cô đơn thường trực và nó đã trở thành mối quan tâm lớn, cứ trở đi trở lại, xuất hiện dày đặc trong thơ anh.
Trước bước đi của thời gian, nhất là vào thời khắc cuối cùng của năm cũ chuẩn bị bước sang năm mới, Trần Vũ Long ý thức về thời gian sâu sắc hơn bao giờ hết. Ý thức về thời gian đồng nghĩa với việc ý thức về sự tồn tại, hiện hữu của mình trong đời sống. Cho dù thế nào đi chăng nữa cũng phải sống và sống đúng giá trị của con người! Vì thế, vào ngày cuối cùng của năm cũ (31/12/2022), cảm xúc trào dâng, nhà thơ làm ngay bài thơ Trước thời gian:
Mình với mình như khói/ Mình với mình như sương/ Ngày cuối cùng chật chội/ Mình thấy mình trong gương// Thời gian như cuốn sổ/ Lật trang đời miên man/ Buồn vui thời hữu hạn/ Vô thường trùm nhân gian// Một ngày hay một tháng/ Một năm hay một đời/ Ước một lần như cỏ/ Vươn mềm đọng sương rơi.
Cái bản thể cô đơn, trực diện như đang tự sự với chính mình, với bao ngổn ngang của đời sống: từ khắc khoải đến đau đớn; từ day dứt, nhức nhối đến việc tìm đến những giấc mơ...
Cái tôi trữ tình được đặt trong mối quan hệ đa dạng của cuộc sống để cắt nghĩa, lý giải những sự vật, sự việc xảy ra trong đời sống và cả những diễn biến trong chiều sâu tâm hồn con người.
Vào đêm ngày 5/3/2024 lỗi Facebook toàn cầu, tất cả các tài khoản bất ngờ bị đăng xuất khỏi ứng dụng. Đến 22h50 cùng ngày, Meta mới cập nhật trạng thái gặp lỗi của hệ thống ở phần đăng nhập. Người dùng trở nên hoang mang, bởi Facebook chính là sân chơi nơi để họ giãi bày, gửi gắm, giải tỏa bao nỗi buồn vui; thậm chí ở đó còn là nơi để người ta khoe khoang, nhờ cậy, diễn trò... Trước thực tế đó, Trần Vũ Long đã viết ngay bài thơ Sập toàn cầu. Nhà thơ có chút giọng châm biếm hơn là tâm trạng lo lắng, trong đó có cả châm biếm chính mình. Khi con người ta bị lệ thuộc vào một thứ mạng xã hội để trình diễn, để khoe khoang, để diễn trò trong khi đánh mất đi đời sống thực của mình. Và giá giá trị căn bản quan trọng nhất để gắn kết các mối quan hệ xã hội là sự chân thành dường như mờ nhạt.
Phây búc lỗi toàn cầu em ạ/ Hoang mang không biết biểu hiện nơi nào/ Mấy tỉ người khoe khoang cậy nhờ, diễn trò chốn ấy/ Bỗng một ngày như điện cắt cầu dao/ Câu thơ anh viết ra/ Hỡi ôi ai đọc/ Khi toàn cầu phây búc báo lỗi em ơi/ Ta như kẻ đui mù thất lạc cả yêu thương/ Khi phây búc lỗi toàn cầu em ạ/ Tin nhắn cuối cùng chẳng gửi được cho nhau/ Ban công trước nhà cỏ vẫn đẫm sương đêm.
23g-5-3-2024
Không khó để bạn đọc tìm thấy những bài thơ, câu thơ của Trần Vũ Long với ý tự châm biếm bản thân mình như một kẻ tào lao, huyễn hoặc, đầy tham - sân - si.
Mặt mình trong toa lét/ Vui là chính ừ thì vui là chính/ Toa lét hôm nay bốn phía vẫn mặt mình/ Mặt bên trái hai mươi năm ngày trước/ Rất non tơ và hung hăng xá gì đời/ Mặt bên phải u sầu đến thế/ Sao quá ưu tư quá khứ xa vời/ Mặt me mé cái nhìn không thẳng thớm/ Phóng chiếu tương lai, bao toan tính cuộc đời/ Mặt trong gương nhìn mình không nói/ Vui đang đánh răng với trọc lốc đầu/ Chút gỉ mắt, chút quầng thâm khóe mắt/ Hứng nước đi và tự vuốt mặt mình/ Vui là chính ừ thì vui là chính/ Bước ra toa lét kia liệu có đúng mặt mình/ Vui là chính ừ thì vui là chính.
Thơ Trần Vũ Long thường thiên về kiểu kết cấu tự sự. Vì thế, mỗi bài thơ giống như một câu chuyện kể nhưng nhà thơ đã biến hóa, đã ảo diệu thông qua cách tổ chức nội dung tự sự, các thủ pháp nghệ thuật để tạo nên dấu ấn trong thơ.
Dẫu không là cánh cung/ Chim trời đà mệt mỏi/ Đậu oằn cành cây khô/ Người ơi xin đừng nói// Đừng làm cho lá reo/ Khi trời đang lặng gió/ Một ngôi nhà bỏ ngỏ/ Giữa mênh mông phố buồn// Đừng gửi mây cho gió/ Đừng gửi nắng cho mưa/ Gửi bao nhiêu cho vừa/ Tình người mùa khan hiếm// Suối nói lời của biển/ Đá nói lời núi non/ Diều hâu thành sáo sậu/ Hót những lời véo von// Tính toán bao thiệt hơn/ Bàn cân vừa sai số/ Thôi làm hạt bụi nhỏ/ Mà bay giữa phố người (Biến tấu lời).
Trần Vũ Long nhìn đời, nhìn người trong tâm thế cảnh tỉnh. Và ẩn sâu bên trong vẫn luôn dằn vặt, lo âu trước bao phức tạp khó lường của thế sự.
Giọng điệu da diết, trăn trở với nỗi lo âu thường trực về những điều bất công, ngang trái vẫn cứ mặc nhiên tồn tại và đang diễn ra trong cuộc sống này. Những người có lương tri, có trách nhiệm, có ý thức, sự tự tôn, tự hào về đất nước, về dân tộc... thì sẽ không thể nào dửng dưng, im lặng trước những bất cập đó. Vì thế những bài thơ viết về quê hương, nguồn cội, về sự quả cảm của các thế hệ cha anh... có sức lay động trong tâm khảm bạn đọc.
Tổ quốc ơi con biết nói gì/ Khi tình yêu dành cho người lại trở thành phạm tội/ Chúng con đi bằng đôi chân không biết mỏi/ Bằng trái tim tha thiết với giống nòi/ Có lá cờ in trên má em thơ/ Có cánh tay già nua giơ cao đòi đánh đuổi loài xâm lược/ Tổ quốc là đây trong những tấm lòng yêu nước/ Khí thế bừng bừng trên những nét mặt thanh niên/ Dẫu dùi cui và những hàng rào trơ lạnh/ Cứ vênh vang đòi dạy dỗ về tình yêu/ Chúng con cứ đi không hề chùn bước/ Vì đã có người trong mỗi con tim. (Tổ quốc trong mỗi trái tim yêu).
Nhà thơ rất nhạy cảm với những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc. Ở đó, thể hiện rõ ý thức cá nhân, khẳng định quan điểm, thái độ trước những gì đã, đang và sẽ xảy ra. Anh luôn tỏ thái độ hoài nghi, thể hiện rõ nét cá tính riêng để tự khẳng định mình.
Thơ Trần Vũ Long thường biểu lộ nỗi niềm lo âu, khắc khoải; nhà thơ mãi day dứt trong niềm suy tưởng, dự cảm, chiêm nghiệm, triết lý về cuộc đời.
Trên phố/ Tôi gặp/ Bóng tôi hôm nay/ Với bóng tôi hôm qua/ Sẻ chia kinh nghiệm/ Của một kiếp làm cái bóng./ Chúng mỏi mệt khi bám theo hình hài thô kệch/ Lúc đổi hướng cùng mặt trời/ Nắng xiên - bóng dài/ bóng tròn - nắng xối đỉnh đầu/ Mặt trời in tôi thành cái bóng đen/ đôi khi buộc tôi dẫm lên nó./ Tôi thương bóng tôi/ biến dạng theo từng góc chiếu/ Thương kiếp bóng/ Và/ Thương chính mình.
Cái bóng là bài thơ hay, biểu tượng cái bóng ẩn chứa nhiều điều đáng để mỗi chúng ta suy ngẫm về chính mình, về cái thực tế lẫn cái hư ảo, về đời sống của bản thân và cả những người xung quanh. Cái bóng hiện hữu cả trong thực tại lẫn trong tầm sâu vô thức, chuyên chở những suy tư về thân phận, sự tồn tại, mất đi và cả những cái nghịch lý, bất an... của kiếp người. Trần Vũ Long trăn trở, đối thoại, chiêm cảm, lý giải về sự hiện hữu của chính mình trong hỗn loạn các giá trị, niềm tin trong đời sống xã hội hôm nay.
Trong bài Nhà thơ ơi anh là ai - đó là sự giằng xé, soi chiếu, thức nhận “can đảm”, đầy trách nhiệm.

Thi sĩ dám công khai tự thú chính mình, đồng thời cũng là lời chất vấn với những nhà thơ trước thực tế đáng buồn. Một sự thật đầy mâu thuẫn vẫn đang tồn tại - chỉ toàn nói lời hay, ý đẹp, nhân văn, lòng nhân ái... nhưng hãy tự xem lại mình đã làm được gì, có đúng như những điều mình nói không?
Nhà thơ ơi/ Anh ca ngợi sự tử tế/ Thế giới đầy thêm vô vọng/ Khi những ngôn từ chỉ là sáo rỗng/ Giả dối lấp đầy// Nhà thơ ơi/ Anh là phù thủy chữ nghĩa/ Hủy diệt thế gian này/ Khi trong anh còn quỷ ám/ Vẫn làm thơ ngợi ca sự tử tế mỗi ngày// Anh là ai/ Nhà thơ ơi.
Cái tôi - hình ảnh thi nhân nói riêng và cũng là hình ảnh của người làm thơ nói chung có sự xung đột giữa bản thân thực tế ngoài đời với lời phát ngôn trong thơ. Bài thơ đã đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm và sứ mệnh của người cầm bút, nhất là những người làm văn chương, thơ phú. Một cái tôi trong nhiều mối ràng buộc, trách nhiệm với những biến động của tâm hồn ở nhiều trạng thái, cung bậc khác nhau.
Sau hàng loạt những sự thật không hay xảy ra, nhà thơ tự thức: “Thôi làm hạt bụi nhỏ/ Mà bay giữa phố người”.
Bên cạnh những bài thơ được viết theo hướng mới, Trần Vũ Long vẫn có những bài thơ trung thành với lối viết truyền thống. Đặc biệt những bài thơ viết về mẹ, về cha rất đỗi da diết, mộc mạc và chân thành:
Mười năm mẹ như mây trắng/ Cho con ngờ vực chính mình/ Mười năm mẹ thành hoa nắng/ Con buồn trong kiếp nhân sinh (Mẹ).
Hay ở bài Mẹ tập đi, sự đau đáu, xót xa khi chủ thể trữ tình chứng kiến cảnh mẹ ốm đau, bệnh tật. Một đời nhọc nhằn, gian khó vì gia đình, chồng con. Lẽ ra đến tuổi xế chiều phải được hưởng an yên, khỏe mạnh để sống vui bên con cháu. Thế nhưng điều ấy lại không diễn ra như ý muốn. Để rồi tận trong sâu thẳm con tim mình, đứa con khấn vái bốn phương với mong ước: Mong chân mẹ bước bình thường như xưa.
Một đời tần tảo âu lo/ Giờ mẹ ốm yếu lò dò tập đi/ Nghẹn lòng con lệ tràn mi/ Con đau từng bước mẹ đi nhọc nhằn// Trong nhà nào phải xa gần/ Mà chia từng đoạn nghỉ chân cho đều/ Bàn tay gầy guộc nhăn nheo/ Nuôi con bồng bế chống chèo tháng năm// Lo đi lo đứng lo nằm/ Nhường cơm sẻ áo âm thầm cho con/ Lo cho con ngủ giấc tròn/ Lời ru thuở ấy vẫn còn trong veo// Cuộc đời biết mấy gieo neo/ Giờ bàn tay ấy lần theo vách tường/ Lòng con khấn vái bốn phương/ Mong chân mẹ bước bình thường như xưa.
Hiểu và cảm thông cho đấng sinh thành, giờ đây chính Trần Vũ Long cũng đã làm cha nên nỗi niềm suy ngẫm về tình cha, tình mẹ lại càng sâu sắc và thấm thía hơn.
Đến bao giờ bố ơi/ Trên đường về nhà con mới không bật khóc/ Cháu nội sau mỗi giờ tan học/ Thôi ngơ ngác trong phòng lặng ngắt vắng ông rồi? (Nhớ bố).
Viết cho đứa con trai của mình, trong bài Cánh sen tháng sáu, nhà thơ đã dùng những hình ảnh so sánh ví von, những liên tưởng trùng phức để bộc lộ tâm tư, tình cảm, thái độ, quan điểm của mình về thiên nhiên, con người, xã hội. Những sự vật đem ví von vốn là những thứ gần gũi, quen thuộc trong đời sống thường nhật. Và rồi chính từ những hình ảnh đó nhà thơ tư duy, khám phá những điều mới mẻ, nhận ra cái chân lý sâu xa trong những cái giản đơn, bình thường của cuộc sống.
Như con thuyền trôi trên dòng sông nhà mình/ Là những cánh sen tháng sáu/ dòng sông yêu thương tỏa sáng nụ cười con// Cánh sen trong câu thơ viết dở/ chập chờn kí ức/ Buồn vui hoang hoải phận người// Cánh sen đi vào giấc mơ/ Hồng như giọt máu/ Tinh khiết niềm đau/ vui buồn cổ tích// Cánh sen từ bi/ thắp lời nguyện cầu// Sáng nay những cánh sen tháng sáu/ Trong mắt con/ Tỏa như nắng mai.
Có lúc Trần Vũ Long lại dùng những lời thơ rất nhẹ nhàng, hóm hỉnh. Mặt trời của bố (Viết cho Na - đứa con gái yêu của nhà thơ) là một minh chứng.
Dậy đi nào “con chó con xấu xí”/ Ông mặt trời đợi con trước hiên nhà// Dậy đi nào thiên thần bé nhỏ/ Mắt long lanh cho tia nắng mỉm cười// Dậy đi nào đôi bàn tay nhỏ xíu/ Ngón tay bố con cầm rồi cất tiếng ê a// Dậy đi nào cái ngủ thơ ngây/ cho quần hoa xúng xính/ Cho miệng xinh thơm sữa khắp nhà// Dậy đi nào con gái yêu ơi/ Cho hoa bưởi đưa hương đầu ngõ/ Cho quả Na mở mắt giữa vòm xanh/ Cho đàn cá vàng quay tròn trên cũi/ Cho con mèo lười lên tiếng ở trong sân// Ơi “con chó con xấu xí”/ Mãi là như thế của bố thôi/ Dậy đi cho thế gian hạnh phúc tràn đầy.
Thơ Trần Vũ Long chủ đạo vẫn là giọng trầm buồn với nhiều suy tư, trăn trở. Đó là tiếng nói của những thao thức trước hiện thực và cả những dự cảm về tương lai. Đôi khi nhà thơ lại thả hồn mình bay bổng trong những cơn mơ, giấc ngủ, trong những tiếng vọng tâm linh, vô thức... Và rồi, đằng sau những xô bồ, những bộn bề, phức tạp của đời sống nhà thơ lại đối diện và tự vấn với bản thân mình.
Trần Vũ Long nghẹn ngào, xót thương cho người quá cố nhưng dường như anh cũng đang khóc thương cho số phận chính mình.
Mỗi sáng trên tờ lịch đỏ chẳng bao giờ bóc/ Nụ cười ấy nhắc con về thân phận mình/ trong dáng hình và con tim này/ Cả những giọt nước mắt người trao lại (Gia tài người để lại).
Đọc thơ Trần Vũ Long, bạn đọc hiểu rõ hơn về tính cách, tâm sự, con người của anh. Những suy tư, trăn trở của thi nhân không bó hẹp trong một phạm vi nào mà nó được mở rộng biên độ, độc đáo, linh hoạt trong cách thể hiện. Trần Vũ Long đã góp vào thơ Việt Nam đương đại khúc nhạc lòng với nhiều cung bậc, thanh âm của một con người không chỉ biết day dứt, suy tư cho riêng mình mà còn cho cả với đời, với người!
Những người làm thơ hôm nay, luôn hướng đến và chú ý vào việc khai thác tâm trạng cá nhân. Nhiều nhà thơ rất tinh tế, nhạy bén với những cảm xúc riêng tư, nhưng từ những cảm xúc riêng tư ấy lại hướng đến các vấn đề lớn của thế sự.

Trần Vũ Long là một trong số những tác giả của thế hệ 7X, 8X tiên phong trong việc thể nghiệm thơ của thế hệ mình, thời đại mình trên hành trình phát triển của thơ ca dân tộc theo hướng hiện đại.
Ngôn ngữ là ký hiệu được mã hóa, ở đó nó chứa đựng những tín hiệu của cộng đồng. Đến lượt nhà thơ, ngôn ngữ được nhà thơ mã hóa lần nữa. “Muốn hiểu được thơ thì phải bóc lớp vỏ ngôn ngữ ấy ra, hãy tận hưởng mùi hương vani hay mùi xạ hương trong tầng sâu của nó” (A.Puskin).

Thơ Trần Vũ Long với những tìm tòi, sáng tạo theo tinh thần hậu hiện đại qua nhiều những ẩn dụ, liên tưởng đa chiều. Ở đó, mỗi chi tiết, hình ảnh đều hàm chứa những giá trị tinh thần nhân văn sâu sắc. Với Trần Vũ Long, thơ không chỉ là nơi để anh bộc bạch, ký gửi những vui buồn của đời tư, thế sự, những điều chân thực, bình dị, gần gũi với con người mà còn hướng đến cái đẹp, sự an yên, niềm tin yêu cuộc sống!

Nguyễn Văn Hòa

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/noi-niem-suy-tu-chiem-cam-trong-tho-tran-vu-long-a25424.html