Nỗi niềm trong những căn nhà siêu nhỏ, cả đời không nấu nướng

Không ít người dân sống chật chội trong căn nhà siêu nhỏ ở những khu phố cổ của Hà Nội. Có căn chỉ hơn 10 m² nhưng là nơi cư trú, sinh hoạt của nhiều thế hệ gia đình…

Nhà không có bếp, khách thăm phải chân trong chân ngoài...

Nằm sâu trong con ngõ số 63 phố Thuốc Bắc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), trên gác hai, một căn nhà liêu xiêu, tăm tối. Căn nhà ấy có chiều rộng 1m, dài 2,5m và cao vỏn vẹn 1,4m. "Chiếc hộp" ấy thuộc quyền sở hữu của ông Chu Văn Cao (74 tuổi). Ông Cao đã sống cùng con trai tại đây được gần 30 năm.

Trái với vẻ ngoài hào nhoáng của những con phố sầm uất, không khó để có thể tìm thấy những căn nhà chỉ rộng chừng 10 - 20m² nằm sâu trong các ngõ ngách Hà Nội. Đó là những ngôi nhà siêu nhỏ ở giữa phố cổ Hà Nội hoa lệ đã tồn tại qua vài chục năm qua.

 Ngõ 63 phố Thuốc Bắc, lối đi vào căn nhà của ông Cao. Ảnh: Đặng Long

Ngõ 63 phố Thuốc Bắc, lối đi vào căn nhà của ông Cao. Ảnh: Đặng Long

Con ngách đi vào nhà ông Cao rất hẹp, chỉ đủ một người đi vào. Nếu có người đi theo hướng ngược lại, bắt buộc một trong hai phải nép vào một góc để nhường đường. Men theo theo con ngách, đến gần cuối ngõ là cầu thang gỗ dẫn lên căn nhà.

Như lời ông Cao tâm sự, khi mới về căn nhà này, việc sinh hoạt của ông và con trai vô cùng khó khăn. Với chiều cao 1,6m, ông không thể đứng thẳng, mà phải đứng khom lưng, hoặc chỉ có thể nằm hoặc ngồi, di chuyển trong căn nhà ông cũng chỉ có thể quỳ hoặc bò.

Khi có khách đến thăm, một người ngồi trong, thì một người phải cho chân ra ngoài. Ông Cao buồn bã khẳng định căn nhà của mình có diện tích nhỏ nhất Hà Nội.

 Toàn cảnh ngôi nhà “siêu nhỏ” của ông Cao. Ảnh: Đặng Long

Toàn cảnh ngôi nhà “siêu nhỏ” của ông Cao. Ảnh: Đặng Long

Trong căn nhà nhỏ của ông Cao không có quá nhiều đồ đạc do diện tích quá nhỏ. Chỉ có vỏn vẹn những quạt điện, quần áo, chăn gối…

Việc tắm rửa, giặt giũ của ông đều phải thực hiện dưới sân sinh hoạt chung. Khó khăn nhất là lúc ngủ, hai bố con phải nằm nghiêng để có đủ chỗ. Hai bố con ông Cao phải ra ngoài ăn, vì căn nhà quá chật, không có đủ chỗ để nấu nướng.

 Trong căn nhà, ông Cao chỉ sử dụng 5-7 vật dụng thực sự cần thiết. Ảnh: Đặng Long

Trong căn nhà, ông Cao chỉ sử dụng 5-7 vật dụng thực sự cần thiết. Ảnh: Đặng Long

Căn nhà này của ông Cao ban đầu là gác xép của căn nhà ở dưới tầng 1. Làm ăn thua lỗ, ông phải bán toàn bộ tầng 1 để trả nợ. Ông ngăn tầng 2 để làm chỗ sinh hoạt cho cả nhà. Ban đầu sống trong cảnh chật chội khiến sinh hoạt có nhiều khó khăn, tuy nhiên đến bây giờ thì ông Cao cũng đã cảm thấy bằng lòng. Với ông, việc sống hơn 30 năm trong căn nhà này đã biến mọi thứ trở thành một thói quen, bước vào nhà là tự động biết cúi đầu…

Không được lạc quan như ông Cao, ông Trinh, một người dân sống ở phố Mã Mây lại cảm thấy vô cùng khó chịu trong căn nhà rộng chưa tới 10m vuông của mình.

 Con ngõ 103 phố Mã Mây, nơi có căn nhà siêu nhỏ của ông Trinh. Ảnh: Đặng Long

Con ngõ 103 phố Mã Mây, nơi có căn nhà siêu nhỏ của ông Trinh. Ảnh: Đặng Long

Căn nhà của ông Trinh nằm sâu bên trong ngõ 103 phố Mã Mây, đường vào vừa sâu vừa tối, thậm chí có một bậc thềm, nếu không phải là người sống ở trong ngõ thì rất dễ bị vấp ngã.

 Cầu thang lên nhà của ông Trinh. Ảnh: Đặng Long

Cầu thang lên nhà của ông Trinh. Ảnh: Đặng Long

Những bậc thang xập xệ là lối lên căn nhà của của ba hộ gia đình nhà ông Trinh, gồm có cả nhà người em dâu và vợ chồng con trai. Cả ba căn nhà này đều có diện tích chưa tới 10m². Ba hộ gia đình phải ngăn căn nhà ra làm ba phần bằng những khung nhôm kính, nhưng vẫn phải vệ sinh, tắm rửa sinh hoạt trong không gian chung ở phía sau ngôi nhà.

 Căn nhà sau nhiều năm đã có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Đặng Long

Căn nhà sau nhiều năm đã có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Đặng Long

Chẳng dễ để rời đi

“Căn nhà này là vốn là nơi gia đình tôi sinh sống từ khi tôi còn bé. Sau khi mỗi người có gia đình, những ai có điều kiện đều đã chuyển ra ngoài sống, chỉ còn em dâu và hai vợ chồng con trai tôi ở. Bây giờ tôi chỉ chạy xe ôm ở đây, còn tối tôi về căn nhà thuê ở bên Long Biên, căn nhà này chỉ nơi hương khói cho ông bà tiên tổ và để chứa đổ đạc bán hàng nước vỉa hè”, ông Trinh kể.

“Còn nhớ năm ngoái bố tôi lên cơn đau tim. Gọi xe cấp cứu mà xe phải đỗ tận ngoài ngõ to, tôi muốn bế ông ra mà ông đau, không di chuyển nổi. Nhà nhỏ quá, lại tối tăm, xa xe cấp cứu, tôi đã đặt ông lên tấm nệm nhỏ rồi vác ra đầu ngõ. Tấm nệm không thể đi qua cả con ngõ nữa. Thế nhưng biết làm sao giờ, hai bố con lại nén đau cùng mấy người hàng xóm cõng bế nhau ra đầu ngõ. Tôi lúc ấy vừa bất lực, vừa sợ, nghĩ khổ. Giờ có cố gắng làm ăn để đưa ông ra khỏi cái chỗ này, chứ những lúc như thế, tôi chỉ biết kêu trời. Mình nghèo quá, muốn chuyển ra khỏi đây mà chẳng biết đến bao giờ”, con trai ông Cao buồn rầu kể.

 Xà nhà đã có dấu hiệu võng xuống, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Ảnh: Đặng Long

Xà nhà đã có dấu hiệu võng xuống, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Ảnh: Đặng Long

Còn đối với ông Cao, mọi sự bất tiện trong sinh hoạt ở căn nhà nhà đã trở thành một thói quen. Nhưng khi nhắc đến tương lai của người con trai, giọng ông Cao trầm buồn hẳn. Ông tâm sự, nhiều lúc cũng cảm thấy mình có lỗi vì không lo được cho con cuộc sống tốt như mọi người. Có lẽ vì sống trong cảnh thiếu thốn mà con trai ông cũng tự ti, ít nói và ngại giao tiếp với người khác. Và sau này nếu con trai ông lấy vợ, ông không biết tự xoay xở trong căn nhà này như thế nào.

“Nghĩ thế thôi chứ cũng phải lạc quan để vui sống. Cuộc đời không thể chu toàn và lúc nào cũng theo ý mình. Tôi luôn nói và động viên con cố gắng. Chẳng ai nghèo hèn mãi được, cứ chăm chỉ làm ăn, ắt có lúc trời thương, cuộc sống cũng sẽ tốt lên cả thôi. Hơn nữa, ai cũng có cuộc đời của riêng mình. Bản thân phải có trách nhiệm để quyết định lấy số phận của chính mình. Tôi cũng không thể lo con trai mình cả đời được”, ông Cao nói.

Ông Trinh thì chia sẻ rằng căn nhà ông đang ở là của bố ông được Nhà nước cấp năm 1950. Căn nhà này vốn là nơi sinh hoạt của 8 anh chị em và hai vợ chồng ông. Gia đình ông đều được chính quyền địa phương hỗ trợ, tặng quà mỗi dịp lễ Tết.

“Có lần nấu nướng trong nhà, vợ chồng con trai thế nào lại làm cháy thịt, lửa bốc ngay lên trên trần, cháy một góc. Mà nhà cũng chỉ một góc thế thôi, phải hô hoán lên để dập chứ không là cháy cả cụm. Ấy thế nước cũng phải chạy xuống sân lấy chứ không ở trên đấy, thế là cả nhà cứ thi nhau chạy lên chạy xuống, mấy lần thằng cu con vấp vào cái bậc, ngã gãy 2 cái răng cửa”, ông Trinh kể. “Sau đợt đấy tôi quyết định viết nhiều đơn lên cơ quan chức năng, chỉ mong chính quyền xuống sửa sang lại căn nhà”.

Vợ ông Trinh rơm rớm nước mắt kể lúc sinh con trai: “Hồi đấy không có tiền đi bệnh viện, phải đẻ luôn ở trong cái nhà mà tôi đang đứng này. Có mỗi bà nội ở nhà, kêu giời kêu đất lên, nhưng gấp quá, nhà lại cứ chênh vênh trên này, không tài nào tôi bước xuống được, hai ba người khiêng xuống cũng không xong. Lúc nào nghĩ về cái ngày ấy cũng thấy tủi thân, nghèo quá, đến cả đẻ cũng không thể thoát ra khỏi cái nhà này, bao nhiêu đời cũng không thoát ra khỏi cái nhà này…”.

Trước tình trạng căn nhà có dấu hiệu xuống cấp, ông Trinh đã nhiều lần làm đơn lên các cơ quan chức năng, mong được hỗ trợ sửa sang lại căn nhà. Tuy nhiên, tất cả những gì ông được nhận chỉ là những cái lắc đầu.

Từ những căn nhà siêu nhỏ này đã dấy lên những tia hi vọng thay đổi cuộc đời. Nhưng với ông Cao, ông Trinh, một căn nhà rộng rãi thoáng đãng luôn là ước mơ xa vời.

Đặng Long

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/noi-niem-trong-nhung-can-nha-sieu-nho-ca-doi-khong-nau-nuong-d3591.html