Nỗi niềm trước năm học mới của cô trò bản vùng biên Hà Tĩnh
Năm học mới sắp bắt đầu, nhìn trường lớp xuống cấp mà thương học sinh rơi nước mắt. Đó là nỗi niềm của các cô giáo ở Trường Mầm non Phú Gia, Hương Khê (Hà Tĩnh) khi nói đến điểm trường ở bản vùng biên Phú Lâm - nơi có gần 44% số hộ là đồng bào các dân tộc Lào, Nùng, Tày.
“Trăn trở và đề xuất rất nhiều nhưng đến nay, trước thềm năm học mới, chúng tôi cũng không thể huy động được kinh phí để cải tạo cơ sở vật chất cho điểm trường Phú Lâm. Lên khảo sát hiện trạng chuẩn bị cho năm học, nhìn điều kiện dạy, học quá xuống cấp, thiếu thốn của cô trò nơi đây mà rơi nước mắt”- Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Gia Lê Thị Quyên chia sẻ.
Điểm trường được xây dựng từ hơn 20 năm trước, trên cơ sở cải tạo, cơi nới hội quán thôn thành 2 phòng làm lớp học và nơi ăn, ngủ của học sinh. Thời gian sử dụng đã rất dài, lại thiếu kinh phí để đầu tư sửa chữa nên các hạng mục đồng loạt xuống cấp nghiêm trọng.
Chưa nói đến không gian vui chơi, phát triển mà ngay cả những điều kiện cơ bản để dạy học, chăm sóc cháu cũng hết sức tạm bợ. Toàn bộ cơ ngơi điểm trường là 2 căn phòng ẩm thấp, nền nhà xi xăng đã bong tróc nham nhở, hệ thống cửa đã gần mục nát.
Vài tuần nay, 2 cô giáo bám bản phụ trách điểm trường là Lê Thị Hữu và Lê Thị Thắm đã đến dọn dẹp, vệ sinh các phòng học, chuẩn bị đón trẻ vào năm học mới.
Cô Hữu cho biết, năm học này, theo đăng ký của phụ huynh, điểm trường sẽ đón 30 cháu từ 3- 5 tuổi. Hơn 25 năm gắn bó cùng điểm trường vùng biên giới, các cô chẳng ngại gì gian khó, thiếu thốn.
Nhưng nhìn điều kiện học tập miền xuôi được cải thiện rất nhiều, lại thấy thương cháu, thương người dân bản đang chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn.
“Năm học mới, chúng tôi chỉ ước có tiền sửa lại mấy cánh cửa, lát gạch hoa cho 2 phòng học và phòng ngủ, làm một mái che trước cửa phòng học để không lo nắng rát, mưa tạt vào trong lớp.
Dự trù kinh phí cần khoảng 50 triệu đồng là cũng tạm đủ để lo những hạng mục thiết yếu đó. Nhưng cấp trên thì không phân bổ, còn để huy động xã hội hóa tại chỗ rất khó vì các gia đình trong bản cuộc sống còn rất nhiều khó khăn”- cô Lê Thị Hữu trăn trở.
Theo chân các cô giáo cắm bản, chúng tôi đến thăm một số gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn trước năm học mới. Trong ngôi nhà thưng gỗ tạm, vắng tiếng người ở đầu bản, anh Phan Văn Tú đang lúi húi sắm sửa những vật dụng cho con vào năm học mới.
Anh kể: "Tôi ốm đau mấy năm nay không làm được việc nặng nên kinh tế gia đình khó khăn. Mẹ cháu đưa đứa em nhỏ vào làm ăn trong miền Nam để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Năm học mới, mẹ có gửi về cho cháu cặp sách, còn áo quần thì dùng lại đồ cũ là được rồi”.
Còn chị Lê Thị Hoài, một hộ cận nghèo trong thôn chia sẻ: "Vợ chồng tôi khăn gói từ miền Nam về quê. Không có đất rừng, đất ruộng sản xuất nên cả gia đình chỉ biết trông chờ vào những ngày đi làm thuê vác keo của bố.
Năm học mới này cháu đầu và lớp 1, cháu thứ 3 vào mẫu giáo 3 tuổi, tôi mong sao các nhà trường hỗ trợ, giảm tiền đóng góp giúp các cháu. Trường lớp dẫu có tạm bợ nhưng với điều kiện cuộc sống hiện nay, chúng tôi cũng không mong gì hơn."
Được biết, bản Phú Lâm cách trung tâm xã Phú Gia hơn 15km đường đèo dốc hiểm trở. Bản có 118 hộ thì 53 hộ dân tộc, 31 hộ nghèo và cận nghèo. Trong số đó có khoảng 50% số hộ có diện tích đất rừng; bản có 10 ha đất lúa nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước trời nên mùa làm, mùa nghỉ. Những hộ không có đất sản xuất sống chủ yếu dựa vào nghề làm thuê, thu nhập bấp bênh.
Bản có 2 điểm trường đều xây dựng từ rất lâu, trong đó, điểm trường tiểu học năm ngoái đã được sửa chữa, nâng cấp nên các hạng mục phục vụ dạy học đã được cải thiện, chỉ còn thiếu những phần công trình phụ. Còn điểm trường mầm non nhiều năm không có kinh phí sửa chữa nên ngày càng xuống cấp, điều kiện dạy học vô cùng khó khăn.
Duy nhất là vào năm 2017, huyện Hương Khê và mạnh thường quân tổ chức Tết Trung thu ở bản và tặng một số suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Còn lại, mỗi năm học mới, học sinh dân tộc, các điểm trường vùng biên nơi đây ít khi nhận được sự quan tâm, động viên từ các cấp ngành, tổ chức, cá nhân, các đoàn thiện nguyện.
Ông Ngô Xuân Kim - Trưởng thôn Phú Lâm
Mai Thủy