Nơi nông dân Hà Tĩnh xem rơm là vật liệu quý...
Người dân xã Vượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) gom rơm rạ dư thừa sau vụ thu hoạch chất thành những đống lớn trên cánh đồng, chờ khi gieo hành tăm xuống sẽ phủ lên để giữ độ ẩm cho đất.
Những ngày này, nhiều nông dân ở xã Vượng Lộc đang ra đồng làm đất, chuẩn bị trồng hành tăm cho vụ mới.
Trên những cánh đồng trồng hành tăm, những ụ rơm khô nhấp nhô, tạo nên hình ảnh thú vị.
Bà Bùi Thị Mạo (70 tuổi, trú thôn Làng Lau, xã Vượng Lộc) cho hay, ở nhiều địa phương thì rơm rạ không có giá trị sử dụng, thường được đốt ngay tại ruộng sau mỗi vụ gặt, tuy nhiên với người trồng hành Vượng Lộc, nó là vật liệu quý, được nhiều gia đình thu gom, đi xin hoặc thậm chí mua về.
“Phủ rơm rạ trên ruộng hành tăm nhằm giữ độ ẩm, làm tơi xốp đất và giúp hạn chế cỏ dại khi cây hành phát triển. Bên cạnh đó, khi rơm phân hủy sẽ tạo thành phân hữu cơ khiến củ hành tăm to và mập hơn”, bà Mạo cho biết. Trong ảnh: Bà Mạo bên mẹt hành tăm giống sắp sửa được đem gieo trong vụ mới.
Bà Mạo chia sẻ thêm, mỗi vụ, gia đình bà thường để lại khoảng 6 yến hành làm giống. Khi gieo xong, phủ phân bón, nông dân sẽ tấp rơm rạ lên. Thường khoảng cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 dương lịch là lúc người dân gieo hành.
Ngoài trữ rơm rạ ngay tại ruộng, người dân Vượng Lộc còn trữ cây cỏ lác trong nhà để tận dụng khoảng vườn nhỏ gieo trồng một ít hành tăm.
“Hành tăm là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian sinh trưởng chỉ 6 tháng, trong khi chi phí giống và chăm sóc ít. Một sào hành có thể đạt năng suất 5 tạ, trung bình có giá 30.000 đồng/kg, người trồng thu về 15 triệu đồng/sào/vụ. Trừ chi phí phân bón khoảng 1 triệu đồng, còn lại là lợi nhuận. Mức thu nhập này cao gấp 3 đến 4 đến lần trồng lúa, ngô”, ông Tôn Đức Khai (70 tuổi, trú xã Vượng Lộc) nói.
Ông Khai cho biết, gia đình ông có 2 sào ruộng. Vụ mùa năm nay, ông chia một nửa diện tích ruộng trồng hành tăm, phần còn lại trồng lạc.
Phân bón được phủ rơm lên bên cạnh ruộng hành tăm sắp sửa được gieo trỉa tại xã Vượng Lộc.
Vượng Lộc là xã có diện tích trồng hành lớn tại Hà Tĩnh với khoảng 30 ha. Từ năm 2015 đến nay, hành tăm là cây trồng chủ lực của địa phương này.