Nơi nướng cá lóc cháy đen, chỗ chọn cách phóng sinh ngày vía Thần Tài

Nhóm phật tử ở TP.HCM cùng nhau mua cá lóc tại các khu chợ để phóng sinh ngày vía Thần Tài.

4h ngày 10/2, bà Ngân dậy sớm, đi cùng sư thầy Thích Thông Tuệ đến các chợ ở quận 4 (TP.HCM) tìm mua cá lóc để phóng sinh ngày vía Thần Tài.

"10 tháng Giêng hàng năm được người Việt xem là ngày vía Thần Tài. Ngày này, lượng lớn cá lóc bị nướng để làm vật cúng; vì vậy chúng tôi đặc biệt muốn phóng sinh cá lóc hôm nay", sư thầy Thích Thông Tuệ nói.

Hồi sinh sự sống

Gần 8h, chiếc xe ba gác chở hơn 800 kg cá lóc đỗ tại chân cầu Phú Mỹ (quận 7). Hơn 40 phật tử đã có mặt, sẵn sàng tham gia buổi phóng sinh.

Thầy Thích Thông Tuệ cho biết thông thường người dân phóng sinh cá ở gần các khu vực chân cầu sẽ thu hút các ghe vớt cá, vì vậy hôm nay cá sẽ được đưa ra ngã ba sông Sài Gòn - Đồng Nai để thả.

"Đi xa một chút, hơi tốn công nhưng chắc chắn những con cá được thả về với tự nhiên", thầy Thích Thông Tuệ nói.

 Hơn 800 kg cá lóc được sư thầy Thích Thông Tuệ mua từ các chợ cá rồi đưa ra ngã ba sông Sài Gòn - Đồng Nai để phóng sinh. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Hơn 800 kg cá lóc được sư thầy Thích Thông Tuệ mua từ các chợ cá rồi đưa ra ngã ba sông Sài Gòn - Đồng Nai để phóng sinh. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Bà Nguyễn Ngân, phật tử tham gia phóng sinh, cho rằng nếu đặt cá ở các trại thì rất thuận tiện. Phía trại cá sẽ vận chuyển đến tận bờ sông cho người phóng sinh, nhưng theo bà việc làm đó không mang lại ý nghĩa.

"Thay vào đó, chúng tôi chịu khó dậy sớm, ghé từng khu chợ, mua cá từ các sạp", bà Ngân chia sẻ.

Thầy Thích Thông Tuệ ước tính số cá mua được từ các khu chợ cùng với số cá phật tử mang đến là gần 1.000 con. Đến 8h30, sau khi thực hiện nghi thức cầu nguyện, các thùng chứa cá lóc được đưa xuống 4 chiếc thuyền để chạy ra ngã ba sông.

"Cảm thấy hạnh phúc"

Chiếc thuyền ngừng ở ngã ba sông, giữa mênh mông nước, các thành viên trong đoàn thay phiên nhau thả từng con cá xuống sông.

Ông Đoàn Trí (65 tuổi) bày tỏ niềm vui khi được cùng mọi người làm một việc ý nghĩa ngày đầu năm mới. Ông cho biết trước đây gia đình thường xuyên mua cá từ các khu chợ để phóng sinh với mong muốn mang lại sự sống cho các con vật.

 Các phật tử thay phiên nhau thả cá xuống sông. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Các phật tử thay phiên nhau thả cá xuống sông. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Lần đầu tiên được tham gia lễ phóng sinh cá ngày vía Thần Tài, bà Thảo (53 tuổi) cho biết bản thân rất hạnh phúc khi cảm nhận một sự sống vừa được cứu.

"Mỗi người sẽ có cách riêng để cầu may mắn dịp đầu năm mới. Tôi thì nghĩ khi mình cảm thấy hạnh phúc, đó là điều may mắn", bà Thảo nói.

Hơn 9h, các chiếc thuyền cập bến tại chân cầu Phú Mỹ, mọi người tạm biệt và chúc nhau một năm mới bình an. Sư thầy Thích Thông Tuệ cho biết năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hoạt động phóng sinh không được tổ chức, năm nay hoạt động ý nghĩa này được tổ chức định kỳ hàng tháng cho mọi người cùng tham gia.

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, mùng 10 tháng Giêng vốn không phải ngày vía Thần Tài, vì theo quan niệm của người Việt xưa thì "mùng 9 vía trời, mùng 10 vía đất", tức là mùng 10 tháng Giêng là ngày cúng thổ địa.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế hàng hóa, thương nghiệp vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Thần Tài trở thành vị thần mới chuyên trách cho việc phát tài, được thờ cúng và là một gia thần phổ biến với các gia đình người Việt.

Việc thờ cúng Thần Tài diễn ra tự do theo quan niệm dân gian, phong tục của từng vùng miền.Tại nhiều tỉnh, thành phía nam, người dân còn cúng thêm cá lóc nướng. Theo chuyên gia phong thủy Mai Văn Sinh, người dân Nam Bộ có quan niệm cúng cá lóc nướng sẽ đem đến nhiều may mắn, tài lộc cho gia chủ.

Toàn Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-nuong-ca-loc-chay-den-cho-chon-cach-phong-sinh-ngay-via-than-tai-post1295115.html