Nơi ở tốt cho công nhân
Các mô hình tự quản do Công đoàn và Công an TPHCM triển khai đã thu hút rất đông công nhân tham gia, góp phần tích cực trong chuyển hóa địa bàn phức tạp, kéo giảm các loại tội phạm
Sau giờ làm việc, từng tốp công nhân (CN) Công ty May Kim Đô (quận Gò Vấp - TPHCM) thong dong thả bộ về khu nhà ở tập thể nằm cách xưởng chưa đầy 100 m. Tiếp chúng tôi trong căn phòng còn thơm mùi vôi mới, vợ chồng nữ CN Sơn Thị Bạch Nha vui mừng: “Từ hồi có nhà tập thể miễn phí, anh em CN rất phấn khởi vì vừa tiết kiệm được chi tiêu mà còn bảo đảm sức khỏe, an tâm làm việc”. Gia đình chị Nha là một trong 21 gia đình CN được ở trọ miễn phí tại khu lưu trú.
Nhiều mô hình hiệu quả
Với mong muốn chia sẻ khó khăn, giúp CN an cư lạc nghiệp, Ban Giám đốc Công ty May Kim Đô đã đầu tư hơn 1,7 tỉ đồng xây nhà cho CN. Khu nhà có 34 phòng (diện tích 20,4 m2/phòng), giải quyết chỗ ở cho 120 CN được xây dựng khá kiên cố, thoáng mát với nhiều tiện ích, an ninh trật tự được bảo đảm. Mới đây, công trình được LĐLĐ TP công nhận là khu lưu trú văn hóa - một mô hình thí điểm về phòng chống tệ nạn xã hội.
Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM (bìa phải),
thăm hỏi công nhân khu lưu trú văn hóa Công ty May Kim Đô (quận Gò Vấp - TPHCM)
Nhờ được Công đoàn (CĐ) cơ sở vận động, CN luôn nhắc nhau giữ gìn vệ sinh, tuân thủ nội quy kỷ luật, chia sẻ khó khăn lúc hữu sự. Bà Bùi Nguyễn Anh Thư, Phó Chủ tịch CĐ công ty, cho biết: “Từ khi có nhà lưu trú, không còn hiện tượng CN đi sớm về trễ, thức đêm bù khú; sức khỏe được bảo đảm”.
Không khí ấy cũng được bắt gặp ở khu lưu trú văn hóa khu phố 15, phường 12, quận Gò Vấp của bà Nguyễn Thị Hạnh. Bước vào cổng khu lưu trú có 12 phòng trọ này, mọi người sẽ nhận ra ngay sự thoải mái của CN sau giờ làm việc. Ở một góc sân, nhiều nữ CN đang đọc sách trong khi các nam CN chơi cờ tướng.
Làm trong sạch địa bàn
Ngoài khu lưu trú văn hóa ở quận Gò Vấp, tại quận Bình Tân và Thủ Đức - TPHCM, hàng trăm khu nhà trọ “Văn minh - nghĩa tình”, khu nhà trọ “Xanh - sạch - đẹp” cũng được LĐLĐ quận và các đoàn thể hình thành, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh cho CN nhập cư.
Phường 9, quận Phú Nhuận - TPHCM với 485 hộ, 1.557 nhân khẩu nhiều năm qua được xem là điểm nóng về tệ nạn xã hội. Để chuyển hóa địa bàn, phối hợp cùng CĐ cơ quan UBND phường, trung tá Đậu Văn Tiến, cảnh sát khu vực, đã tích cực đeo bám địa bàn, thường xuyên gặp gỡ, động viên các đối tượng lầm lỡ vươn lên hòa nhập cộng đồng. Với sự hỗ trợ của ông Tiến, ông Lê Hoài Đức được vay vốn mở tiệm hớt tóc để ổn định cuộc sống; ông Phạm Hoàng Tuấn được tạo điều kiện vừa học vừa làm tại một tiệm sửa xe máy.
Cũng trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm ấy, nhiều năm qua, đại úy Phan Văn Gieo, cảnh sát khu vực phường 7, quận 6 - TPHCM, đã làm tốt việc quản lý địa bàn, cảm hóa thành công những người lầm lỡ. Kết hợp với CĐ và Hội Phụ nữ phường, ông Gieo còn giúp một số người vay vốn làm ăn.
Hiệu quả chương trình còn lan tỏa ở mô hình các tổ CN tự quản do CĐ cấp trên và lực lượng công an các địa phương triển khai. Tại quận 9 - TPHCM, hoạt động nề nếp của 478 tổ CN tự quản đã giúp CN nâng cao ý thức phòng chống tội phạm, làm trong sạch địa bàn. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2011, từ 231 nguồn tin có giá trị do CN tổ tự quản cung cấp, lực lượng công an đã giải quyết kịp thời 27 vụ việc, làm rõ 7 vụ phạm pháp hình sự, bắt và xử lý 10 đối tượng...
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM:
Ngăn ngừa tội phạm hiệu quả
Mười năm qua, bên cạnh phối hợp với lực lượng công an và các đoàn thể tuyên truyền, vận động CNVC-LĐ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, các cấp CĐ còn triển khai mô hình tập hợp CN hiệu quả, góp phần ngăn ngừa tội phạm. Thực tế, các mô hình nhà trọ văn minh, nhà trọ nghĩa tình hoặc các khu lưu trú văn hóa do tổ chức CĐ khởi xướng đã góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống cho CN nhập cư, góp phần tích cực vào phong trào 3 giảm.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20111024084224415p0c1010/noi-o-tot-cho-cong-nhan.htm