Nỗi oan mang tên 'trả bài cũ'

Mới đây, trong chỉ đạo chuyên môn đầu năm học, sở GD -ĐT Thành phố Hồ Chí Minh đã lưu ý giáo viên hạn chế áp dụng kiểm tra miệng đầu giờ học. Thông tin này khiến dư luận xã hội dậy lên một cuộc tranh luận sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều.

Người đồng tình thì cho rằng, để xây dựng trường học hạnh phúc, để mỗi học sinh thực sự cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, đã đến lúc thầy cô giáo thay đổi cách thức kiểm tra đánh giá học sinh, không nên tạo thêm áp lực cho các con. Chính lãnh đạo Sở GD-ĐT Thành phố Hồ Chí Minh cũng khẳng định “việc kiểm tra miệng đầu giờ khiến học sinh mang tâm lý sợ sệt, nặng nề khi đến lớp”.

Phía phản đối cũng quyết liệt không kém. Họ cho rằng giáo viên trong xã hội hiện đại đã và đang bị tước hết quyền trong công việc dạy học của mình. Nếu không có hoạt động kiểm tra bài cũ đầu giờ, đa phần học sinh sẽ không tự giác học bài cũ ở nhà. Mặt khác, áp lực học tập không phải lúc nào cũng có tác động tiêu cực. Trong môi trường học đường, các con cần được rèn luyện kĩ năng đối phó và vượt qua áp lực để khi bước ra xã hội sẽ vững vàng hơn.

HS giới thiệu về tầng ozon trong bài "Phục hồi tầng ô zôn- thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu" trong tiết văn học. Ảnh: Nguyễn Thị Hà

HS giới thiệu về tầng ozon trong bài "Phục hồi tầng ô zôn- thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu" trong tiết văn học. Ảnh: Nguyễn Thị Hà

Bản thân tôi là một giáo viên có 16 năm đứng trên bục giảng. Trước khi là giáo viên, tôi cũng có 16 năm ngồi trên ghế nhà trường. Và hiện tại, các con của tôi đang học cấp 2 và cấp 1.

Từ góc nhìn của một người từng là học sinh và hiện tại là giáo viên, phụ huynh, tôi nhận thấy việc kiểm tra bài cũ là cần thiết. Trước hết, cần phải thấy rằng kiến thức trong chương trình bao giờ cũng có sự kết nối theo hệ thống lo gíc chặt chẽ chứ không bao giờ là từng đơn vị rời rạc, nếu không nắm vững bài đã học rất khó để hiểu kiến thức mới và càng không thể vận dụng kiến thức vào các bài tập thực hành hay giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Thông thường, việc hỏi bài cũ đầu giờ học sẽ được thực hiện bằng hình thức vấn đáp, giáo viên hỏi một câu về kiến thức cũ và học sinh sẽ trả lời trước cả lớp. Nội dung kiến thức chủ yếu là ở mức độ cơ bản, nếu câu hỏi ở mức nâng cao hơn thì giáo viên sẽ lựa chọn đối tượng học sinh và có tiêu chí đánh giá khác.

Trong quá trình hỏi đáp một học sinh, cả lớp sẽ theo dõi và nhận xét cho bạn. Như vậy, kiểm tra miệng đầu giờ trở thành hoạt động ôn lại kiến thức cũ cho cả lớp, giúp củng cố khắc sâu kiến thức cũ chuẩn bị cho bài mới. Đây cũng là dịp để học sinh rèn luyện kỹ năng nói trước tập thể- một kĩ năng mà trong một lớp học thông thường hơn bốn chục học sinh, nhiều em ít có cơ hội được rèn luyện.

Mặt khác, khi việc hỏi bài cũ trở thành hoạt động thường xuyên, học sinh sẽ phải tự giác hơn trong học tập để có thể nắm vững kiến thức. Tất nhiên, nếu một học sinh có tinh thần tự giác cao thì không cần thầy cô kiểm tra bài cũ thì các em vẫn tích cực, chủ động trong học tập. Tuy nhiên, học sinh thời nào cũng vậy, nếu giáo viên buông lỏng việc hỏi bài, đa phần các em cũng sẽ lơ là việc học, nhất là trong xã hội hiện đại, có rất nhiều thứ thu hút sự chú ý của các em. Nỗi lo bị hỏi bài cũ, sợ bị bạn bè chê cười khi chưa thuộc bài buộc các em phải tập trung khi học trên lớp và ôn lại bài ở nhà.

Khi tôi hỏi: theo con, có nên bỏ việc hỏi bài cũ đầu giờ không? Con gái hiện đang học lớp 5 nói rằng: "Con không biết hỏi bài cũ là gì nhưng mà đầu giờ lớp con luôn có kiểm tra phần làm bài ở nhà của các bạn". Còn cháu lớp 9 thì bảo: "Không nên đâu mẹ ạ! Cũng có áp lực một chút nhưng mà có thế thì bọn con mới lo học".

Tôi cho rằng, hoạt động kiểm tra bài cũ hoàn toàn không phải là nguyên nhân tạo ra áp lực trong học tập. Cần tìm nguyên nhân gây ra áp lực này từ những góc độ khác, bởi lẽ nếu bắt bệnh không đúng, e rằng kê đơn không những không giúp cải thiện tình hình mà còn khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, phát sinh những hệ lụy khác. Nếu học sinh, và đặc biệt là phụ huynh cảm thấy việc học ở trường quá áp lực, thì rất có thể là bởi nghiệp vụ sư phạm của một số giáo viên còn hạn chế.

Câu hỏi khó, yêu cầu cao, đặt câu hỏi theo kiểu “hỏi xoáy- đáp xoay”, thậm chí có giáo viên dành cả tiết học để kiểm tra bài cũ. Nội dung kiểm tra mang tính chất học thuộc máy móc làm khó học sinh. Khi một vài học sinh trả lời chưa đạt yêu cầu, giáo viên bức xúc phạt cả tập thể khiến không khí lớp học căng thẳng. Từ góc độ này, bản thân giáo viên cần thay đổi để nâng cao kĩ năng nghiệp vụ chứ không phải bỏ hoạt động hỏi bài cũ.

Một nguyên nhân khác khiến học sinh bị áp lực khi kiếm tra bài cũ là do các em chưa phương pháp học tập phù hợp. Nếu trong giờ học các em không tập trung, không hiểu bài thì khi học bài cũ, thay vì nắm chắc kiến thức và trình bày nó theo cách của mình, bằng lời văn của mình, học sinh sẽ chỉ còn cách ghi nhớ máy móc kiến thức theo lối học vẹt. Lúc đó, việc giáo viên hỏi bài bằng câu hỏi vấn đáp sẽ trở thành một cực hình.

Lúc này, cách giải tỏa áp lực không phải là bỏ việc hỏi bài cũ đầu giờ mà là cần định hướng phương pháp học tập khoa học cho học sinh. Ngoài ra, chương trình học thiên về kiến thức lý thuyết, chưa tạo được nhiều cơ hội cho học sinh thực hành, chủ động khám phá tri thức cũng góp phần khiến việc học bớt hấp dẫn với các em.

Mặt khác, với một số học sinh, lịch học của các em quá dày khiến quỹ thời gian dành cho tự học bị rút ngắn. Sau một ngày học ở trường, nhiều em còn học thêm ở trung tâm, học với gia sư tại nhà,... nên không còn thời gian dành cho việc ôn lại bài và ngấm kiến thức. Hình ảnh "Sáng sớm, học sinh ngồi trên xe ba mẹ chở đi học, vừa ăn vừa cầm cuốn vở học vì sợ thầy cô kêu trả bài" trong câu nói của giám đốc Sở GD-ĐT Thành phố Hồ Chí Minh chính là minh chứng cho thấy trẻ con thời nay bận rộn đến như thế nào. Các em không có cả thời gian để ăn, huống hồ là thời gian tự học! Và như vậy, làm sao học sinh có thể thoải mái tự tin để đứng trước giáo viên và cả lớp để trình này những kiến thức mình đã thu nhận được trong bài học trước?

Trong bối cảnh đó, bỏ kiểm tra bài cũ đầu giờ chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Việc Sở GD-ĐT Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý giáo viên không kiểm tra miệng đầu giờ không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn giá trị của việc kiểm tra bài cũ đầu giờ học.

Sở không “cấm hỏi bài cũ” mà chỉ đang định hướng giáo viên thay đổi hoạt động này theo hướng linh hoạt, sáng tạo hơn nhằm tạo hứng thú cho học sinh. Tuy nhiên, nếu truyền thông đưa tin theo kiểu “Giáo viên TP HCM không được kiểm tra bài cũ học sinh theo kiểu bất chợt” (theo baophapluat.vn), rất có thể học sinh, phụ huynh sẽ nhìn nhận vấn đề từ phía tiêu cực, và bản thân giáo viên cũng không tránh khỏi cảm giác bị trói buộc trong công việc của mình.

Nên chăng, cách nêu vấn đề của lãnh đạo ngành giáo dục ở TP Hồ Chí Minh nên là “khuyến khích giáo viên đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh” để tạo thêm động lực cho giáo viên vào đầu năm học mới?

Cô NGUYỄN THỊ HÀ, Giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 4, Nghệ An

Nguồn PLO: https://plo.vn/noi-oan-mang-ten-tra-bai-cu-post752273.html