Nỗi sợ 'quá khổ', 'quá tải'
BP - Hôm nay ngày 23-12, một số khối lớp của bậc tiểu học tại thành phố Đồng Xoài cũng như nhiều khối ở bậc học khác, địa phương khác bắt đầu thi hết học kỳ 1 năm học 2019-2020. Và tuần qua là một tuần học sinh phải ôn luyện không khác gì võ sĩ luyện tập trước khi lâm trận hay các cầu thủ bóng đá đá tập trước khi ra sân đấu chính thức. Hàng loạt đề thi thử được giáo viên giao cho học sinh về nhà làm, lên lớp kiểm tra lại. Làm đi làm lại nhiều dạng bài, sao cho không bỏ sót loại bài tập nào. Không chỉ thầy cô giáo, học sinh, mà cả phụ huynh cũng bị cuốn vào vòng xoáy ấy. Nhiều bậc cha mẹ xù tóc lên vì chuyện học hành của con, bởi không chỉ đề thi thử, bài tập con được giao nhiều mà còn khó, thậm chí nhiều đề bài không chỉ khó với học sinh, còn khó với cả phụ huynh.
Ngày 17-12 vừa qua, tại tọa đàm giới thiệu bộ sách giáo khoa “Cánh diều” (bộ sách giáo khoa lớp 1, là một trong 5 bộ sách được Bộ GD-ĐT phê duyệt để lựa chọn sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2020), GS.TS Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên môn Toán lớp 1 cho biết, một trong những lý do sách Toán lớp 1 phải viết lại là bởi sách của chương trình hiện hành quá khó. “Khó đến độ phải là những giáo sư toán học có trình độ tốt mới hiểu hết được” - GS.TS Đỗ Đức Thái khẳng định.
Nếu đúng như thế, 20 năm qua, từ khi bộ sách Toán lớp 1 hiện nay chính thức đưa vào sử dụng năm 2000, nhiều thế hệ đã có hàng triệu học sinh của nước ta cực giỏi. Thậm chí, giáo viên lớp 1 của Việt Nam trong 20 năm qua giỏi hơn cả những giáo sư bình thường, ít nhất cũng tương đương giáo sư có trình độ tốt. Bởi không hiểu hết thì không dạy được, không dạy được học trò sẽ không học được, không học được sẽ không lên lớp được, nhưng bao nhiêu năm qua tìm được học sinh lớp 1 không lên được lớp 2 khó như tìm kim đáy biển.
Đó là với Toán lớp 1. Nhiều môn khác cũng tương tự. Ví dụ như Địa lý lớp 4, lớp 5 đã có khối kiến thức về cả nước Việt Nam và toàn thế giới. Chương trình tiếng Việt lớp 1 đã có bài tập xem hình để viết từ, và hình là một bối bùi nhùi đen trắng, đáp án là cụm từ “con le le”. Hóa ra nhìn thật kỹ thì thấy bối bùi nhùi kia là hình vẽ một con le le đang ngóc đầu lên trong đám lá cây. Kiến thức lịch sử và địa lý ở cấp tiểu học ngay cả đến người lớn cũng không hiểu hết, không thể nhớ nổi. Từ cấp 2 học sinh đã học hàng loạt thơ Đường luật của các nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc và Việt Nam mà ngay cả những người hiểu biết về thơ chưa chắc đã thẩm thấu hết...
Những khối kiến thức khủng khiếp ấy đã làm cho khắp đất nước tràn ngập dạy thêm - học thêm và bao vấn đề nảy sinh, như bạo lực học đường, thương mại hóa mối quan hệ thầy - trò, đạo đức nhà giáo xuống cấp... Các vấn đề đó đều có mối quan hệ mật thiết, ảnh hưởng lẫn nhau.
Một điều rất khó lý giải là tại sao những điều đó không khó hiểu, truyền thông phản ánh nhiều, chuyên gia giáo dục, nhà giáo có uy tín lên tiếng cũng không ít, song nó lại tồn tại được lâu đến thế, cải tiến cải lui như thế nào cũng vẫn còn một điều - kiến thức quá nặng và luôn làm cho ai liên quan cũng cảm thấy “quá khổ”, “quá tải”. Thế nhưng, điều khó lý giải hơn, nhiều người tham gia biên soạn chương trình cũ lại... tiếp tục tham gia chương trình mới. Có người chủ biên chương trình cũ tiếp tục chủ biên chương trình mới khiến nhiều bậc phụ huynh, giáo viên, nhìn thấy tên tác giả đã... sợ và lo lắng.
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/noi-so-qua-kho-qua-tai-37210