Nội soi dạ dày, đại tràng có nên gây mê?
Các chuyên gia khẳng định nên soi dạ dày, đại tràng kiểm tra đường tiêu hóa ít nhất 1 lần/năm. Nhưng nên nội soi 'sống' truyền thống hay nên gây mê?
Nên nội soi dạ dày, đại tràng ít nhất 1 lần/năm
ThS Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Việt Đức) cho hay, việc nội soi dạ dày và đại tràng là rất quan trọng và cần thực hiện.
Vị bác sĩ này cho biết, khi bước vào tuổi trưởng thành, quyết định soi dạ dày và đại tràng kiểm tra đường tiêu hóa của mình ít nhất 1 lần/năm là điều rất cần thiết.
Đặc biệt, với những người có tiền sử bệnh lý về dạ dày, đại tràng như đa polyp đại tràng, viêm loét dạ dày đại tràng mạn tính… cần nội soi kiểm tra đường tiêu hóa theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Hiện nay hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí tại một số bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện khu vực đều có dịch vụ soi dạ dày-đại tràng.
Tuy nhiên theo bác sĩ Khánh, việc soi kiểm tra và thực hiện một số thủ thuật trong lúc soi như cắt polyp, sinh thiết... đòi hỏi bác sĩ chuyên khoa được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm, vì nguy cơ làm thủng đường tiêu hóa, chảy máu sau sinh thiết, sinh thiết không đúng vị trí, để sót các tổn thương trên đường tiêu hóa luôn có nguy cơ xảy ra.
Bên cạnh đó, nguy cơ tổn thương với tất cả các khu vực trong đường tiêu hóa là như nhau nên BS Khánh khuyên người dân nên đi nội soi không chỉ dạ dày mà nên kiểm tra toàn bộ đường tiêu hóa, trong đó có đại tràng.
Nội soi dạ dày gây mê là gì?
Hiện nay tại những trung tâm và bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt Đức, 108, TW Huế, các bệnh viện lớn khu vực phía Nam đều có dịch vụ soi kiểm tra đường tiêu hóa có gây mê hỗ trợ.
Nội soi gây mê được sử dụng để thăm khám đường tiêu hóa bao gồm thực quản, dạ dày – tá tràng và đại tràng. Thông qua thiết bị nội soi, bác sĩ có thể phát hiện các vấn đề bất thường trong hệ tiêu hóa của bệnh nhân như: Dị vật, các tổn thương niêm mạc, sinh thiết khi nghi ngờ ung thư, lấy mẫu xét nghiệm vi khuẩn HP, phát hiện xuất huyết tiêu hóa,…
Nếu như nội soi truyền thống bệnh nhân có thể gặp tình trạng khó chịu, buồn nôn, nhu động ruột bị kích thích,… gây khó khăn cho bác sĩ trong thao tác, thậm chí một số trường hợp bệnh nhân thấy đau họng sau nội soi thì nội soi gây mê khắc phục được nhược điểm trên.
Phương pháp này được đánh giá là an toàn và ít biến chứng. Thuốc an thần dùng trong gây mê được tiêm tĩnh mạch theo một lượng đã được tính toán phù hợp. Người bệnh tỉnh ngay sau 15 phút và không ảnh hưởng tới sức khỏe. Thời gian gây mê ngắn, lượng thuốc mê ít nên không gây hại cho sức khỏe.
Gây mê trong nội soi tiêu hóa ngoài việc giúp làm giảm cảm giác đau, cảm giác sợ hãi cho bệnh nhân, hơn nữa, còn làm cho bệnh nhân đỡ kích thích hơn, giúp quá trình thực hiện thủ thuật được thuận lợi, áp dụng được nhiều kỹ thuật đem lại sự chính xác cao: cắt polyps, cắt hớt niêm mạc, chẩn đoán ung thư sớm bằng nhuộm màu, tiêm xơ tĩnh mạch phình vị, thắt tĩnh mạch thực quản, tiêm cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa..
Tuy nhiên việc gây mê đối với từng người cần theo chỉ định của bác sĩ. Một số người có tiền sử bệnh kèm theo không có chỉ định gây mê có thể áp dụng các biện pháp nội soi khác như nội soi thường, nội soi đường mũi.
Theo BS Khánh, nếu người bệnh không quá già (dưới 75 tuổi), thể lực tốt, không có tiền sử bệnh lý hô hấp, dị ứng thì lựa chọn nội soi có gây mê nên được ưu tiên.
Sau khi được tiêm một lượng thuốc mê phù hợp với bệnh nhân, người bệnh sẽ chìm vào giấc ngủ sinh lý, các bác sĩ và kỹ thuật viên gây mê hồi sức đồng thời theo dõi các dấu hiệu sinh tồn trong toàn bộ cuộc mê cũng như sau gây mê nội soi như: mạch, nhiệt độ, huyết áp, nồng độ oxy trong máu.
Thời gian gây mê phụ thuộc vào thời gian nội soi, thông thường là 25-30 phút cho nội soi siêu âm đường tiêu hóa trên, lượng thuốc mê rất ít nên không hại đến sức khỏe. Bệnh nhân sẽ tỉnh ngay sau khi kết thúc nội soi siêu âm.
Cần chuẩn bị gì cho nội soi dạ dày gây mê?
Theo khuyến cáo của ThS Đào Trường Giang, Khoa Nội Tiêu hóa (Bệnh viện 103), trước khi tiến hành nội soi dạ dày gây mê, bệnh nhân cần nhịn ăn trước 6 giờ để thuận lợi hơn trong quan sát dạ dày. Cùng đó, bệnh nhân không uống các thức uống có màu. Đặc biệt, đối với nội soi gây mê tuyệt đối không uống nước để tránh trào ngược vào phổi trong quá trình gây mê.
Ngoài ra, bệnh nhân không uống các thuốc có tác dụng bọc niêm mạc dạ dày trước khi nội soi. Hạn chế nội soi gây mê đối với bệnh nhân dưới 10 tuổi trừ những trường hợp khẩn cấp. Người dị ứng với thuốc mê cũng tuyệt đối không gây mê nội soi đường tiêu hóa.
Một điều rất quan trọng là khi nội soi gây mê đường tiêu hóa, bệnh nhân cần có người nhà đi cùng. Khi hoàn thành nội soi, người bệnh sẽ được chuyển ra theo dõi và sẽ tỉnh lại trong thời gian rất nhanh, tỉnh táo và hầu như không có cảm giác khó chịu gì sau nội soi.
"Cần lưu ý ngay khi cảm thấy đã tỉnh táo, thuốc an thần vẫn có thể tồn tại trong máu 24 giờ và nhiều trường hợp sẽ vẫn cảm thấy buồn ngủ. Vì thế tốt nhất không nên điều khiển xe cộ, vận hành máy móc hạng nặng hay uống rượu trong thời gian này" - ThS Giang cho biết.
Kết quả nội soi sẽ được các bác sĩ kiểm tra, đánh giá để đưa ra chẩn đoán hay tư vấn về chăm sóc sức khỏe. Bệnh nhân nội soi cũng cần thông báo ngay cho bác sĩ nếu phát hiện có những dấu hiệu bất thường như: đau ngực hoặc đau bụng càng ngày càng trở nên nghiêm trọng; phân tối màu; nôn mửa kéo dài hoặc nôn ra máu; khó thở; sốt 38 độ C hoặc cao hơn.