'Nội soi' lợi nhuận ngân hàng
Đóng góp vào biên lợi nhuận ngân hàng vẫn chủ yếu đến từ tín dụng, bởi nguồn thu từ hoạt động dịch vụ giảm mạnh, nhất là mảng kinh doanh bảo hiểm chưa phục hồi sau cuộc khủng hoảng niềm tin. Do đó, bên cạnh những ngân hàng đạt lợi nhuận cao, không ít nhà băng vẫn hụt chỉ tiêu kinh doanh.
Tính đến ngày 22/1 mới có 4 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 là TPBank, PGBank, BacABank và LPBank. Trước đó có 7 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh sơ bộ (hoặc ước tính) cả năm 2023 là Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB, Agribank, VIB, Sacombank.
Xuất hiện ngân hàng báo lỗ đầu tiên
Theo kết quả sơ bộ, trong năm 2023, MB ghi nhận lợi nhuận đạt 24.688 tỷ đồng, tăng 22% - cao hơn VietinBank (hơn 24.000 tỷ đồng) nhưng thấp hơn Agribank (25.300 - 25.400 tỷ đồng), BIDV (26.750 tỷ đồng) và Vietcombank (40.400 tỷ đồng)…
Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này cũng rất tích cực. Điển hình, tính đến ngày 31/12/2023, tín dụng của MB đạt 615.400 tỷ đồng, tăng 28,8% so với đầu năm - cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng của cả nềnkinh tế (13,71%).
Tương tự, báo cáo tài chính quý IV/2024 của LPBank ghi nhận dư nợ cho vay khách hàng trong năm 2023 tăng 17%, đạt 275.431 tỷ đồng, phù hợp với hạn mức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao. Theo đó, lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận sau thuế của LPBank đạt 5.572 tỷ đồng, tăng gần 24% so với năm 2022.
Trái ngược với mức lãi của một số ngân hàng thương mại lớn, một số nhà băng tư nhân nhóm quy mô nhỏ lại ì ạch về tăng trưởng lợi nhuận.
Tại báo cáo tài chính quý IV/2023 vừa công bố, PG Bank báo lỗ 4,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi gần 95 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của PGBank năm 2023 là 355 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 283 tỷ đồng, đều giảm gần 30% và không đạt kế hoạch đặt ra.
TPBank cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 cho thấy lãi kỳ này "bốc hơi" mạnh. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của TPBank đã rơi từ mức hơn 1.519 tỷ đồng cùng kỳ năm trước xuống còn 493 tỷ đồng trong quý IV/2023, giảm tới 67,5%.
Đồng thời, trong kỳ này, TPBank đã dùng tới 1.970 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 17 lần năm trước. Lũy kế cả năm 2023, TPBank chi 3.946 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, do đó lãi sau thuế chỉ còn 4.463 tỷ đồng, giảm gần 29%. Với kết quả này, TPBank chỉ thực hiện được 64% kế hoạch.
Theo đánh giá của các chuyên gia, lợi nhuận ngân hàng trong năm 2023 sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng quy mô lớn và ngân hàng quy mô nhỏ. Yếu tố tác động lên lãi của các nhà băng là tăng trưởng tín dụng và trích lập dự phòng rủi ro.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cũng cho rằng đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng năm qua vẫn chủ yếu từ tín dụng. Tăng trưởng tín dụng 3 quý đầu năm chậm, riêng quý cuối năm sôi động hơn nhưng cũng khá cạnh tranh về lãi suất, nên biên lãi thuần thu hẹp. Công ty Chứng khoán KBSV dự báo, trong ngắn hạn, ngành ngân hàng vẫn phải đối diện với những khó khăn từ làn gió ngược trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động bancassurance (bán chéo bảo hiểm). Nguồn thu từ 2 mảng ngân hàng đầu tư và kinh doanh bảo hiểm cần thêm thời gian mới có thể hồi phục.
Thu ngoài lãi ảm đạm
Các chuyên gia nhận định, lợi nhuận ngân hàng trong năm 2023 chủ yếu đến từ mảng tín dụng trong bối cảnh thu ngoài lãi ảm đạm, nhất là mảng kinh doanh bảo hiểm, bởi thị trường này chưa phục hồi sau cuộc khủng hoảng niềm tin, có ngân hàng giảm tới 80% thu nhập từ hoạt động bán bảo hiểm
Thực tế, nhìn vào báo cáo tài chính của PG Bank cho thấy, trong quý IV/2023, lãi từ kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư đều âm. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng giảm tới một nửa, chỉ còn 86,6 tỷ đồng. Năm 2023, khoản thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của PGBank đã giảm đến 32%, còn 22,3 tỷ đồng trong bối cảnh lĩnh vực này vướng nhiều lùm xùm.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch PGBank cho biết nguyên nhân giảm lợi nhuận chủ yếu do giảm lãi suất cho vay khách hàng theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, chi phí huy động chưa giảm vì có độ trễ và tăng trưởng tín dụng của PGBank tập trung vào tháng cuối năm 2023.
Trong khi đó, tại TPBank, Phó chủ tịch Lê Quang Tiến thông tin, năm qua, ngân hàng đã thực hiện giảm lãi, giảm phí hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân với mức giảm cả nghìn tỷ đồng. Đây là lý do dẫn đến kết quả kinh doanh của ngân hàng chưa đạt được như kỳ vọng.
Còn tại BacABank, trong báo cáo tài chính vừa công bố, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 743 tỷ đồng trong quý IV/2023, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung cả năm 2023, thu nhập lãi thuần của BacABank đạt 2.389 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2022. Lãi sau thuế đạt 854 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với năm trước nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch đặt ra là 880 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong số các ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 sớm, LPBank là ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt không phải đến từ thu nhập lãi thuần, mà lãi từ hoạt động dịch vụ.
Cả năm 2023, mảng này đem về cho LPBank 3.565 tỷ đồng, gấp 2,1 lần năm 2022, trong khi thu nhập lãi thuần đạt 11.203 tỷ đồng, giảm gần 6%.
Theo lý giải của LPBank, ngân hàng đang triển khai các sản phẩm mới tăng cường dịch vụ thanh toán trong và ngoài nước nên thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/noi-soi-loi-nhuan-ngan-hang-1097973.html