Nơi sự sống hồi sinh - Cuộc sống mới ở xóm Khanh
Xóm Khanh thay đổi, rất nhiều sau biến cố sạt lở đất do mưa lớn tháng 10/2017 khiến 18 người tử vong và mất tích, 6 hộ gia đình bị đất đá vùi lấp hoàn toàn. Thảm kịch kinh hoàng ấy đã khiến xóm Khanh trắng khăn tang và đau thương. Sau hơn 2 năm, cuộc sống mới đã và đang làm đổi thay vùng đất này, mọi thứ lùi lại cho những hy vọng về cuộc đời mới.
Thay đổi để đảm bảo an toàn
Con đường dẫn vào xóm Khanh cũ vẫn còn. Một phần ba cư dân của xóm Khanh không bị ảnh hưởng bởi trận lở đất kinh hoàng năm nào vẫn ở lại nơi ở cũ. Tuy nhiên, ông Bùi Văn Khải (Chủ tịch UBND xã Phú Cường) nói với chúng tôi: “UBND xã đã trình kế hoạch lên cấp trên để di dời bà con đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn rồi. Khu vực này vẫn nằm trong diện có thể nguy hiểm bất cứ lúc nào. Sau trận sạt lở đất 2017, chúng tôi đã phổ biến cho bà con và đều đã nhận được sụ đồng tình di dời ra khu vực khác của xóm”.
Trên con đường vào xóm Khanh cũ, những tấm biển cảnh báo nguy hiểm về nguy cơ xảy ra sạt lở đất được dựng lên. Cứ khoảng 50m, biển cảnh báo lại được lặp lại. Ông Khải nói: “Bà con thay đổi rất nhiều, đặc biệt là tập tục vào rừng thu hoạch lâm sản. Gặp những ngày mưa gió, không ai bảo ai, tất cả đều không vào khu vực này, chỉ có những ngày nắng ráo, bà con mới đi lấy củi, thu hoạch lâm sản hoặc thả dê mà thôi”.
Rõ ràng, sau biến cố và những tấm biển cảnh báo kia đã tác động lên sự thay đổi tưởng chừng rất khó đó của đồng bào khi vào rừng, lên núi để sinh nhai. Hơn cả là tập quán làm nhà nơi chân núi cũng thay đổi theo để không xảy ra những tổn thất về người không đáng có.
Những thửa ruộng mới cấy, diện tích canh tác ít ỏi mà người dân xóm Khanh còn lại được tận dụng để chuẩn bị cho mùa vụ mới khi cánh đồng Xến đã không còn. Anh Bùi Văn Cường (47 tuổi, người dân xóm Khanh) nói với tôi: “Trước kia thác Khanh đẹp lắm, ngày nào cũng có khách du lịch vào chơi. Cảnh đẹp, nước suối mát nên cánh đồng Xến năm nào cũng thu hoạch tốt. Giờ thì đất đá ngổn ngang, những tảng đá to mấy người ôm không hết vẫn còn chỏng chơ kia, nghĩ lại vẫn còn sợ lắm”.
Theo hướng tay anh Cường chỉ, cánh đồng Xến trơ trọi những sỏi đá, con suối đã bị lấp hết, đó đây, vẫn còn những cột nhà, dấu tích của những ngôi nhà sàn của đồng bào Mường bị vùi lấp còn sót lại. “Bà con nhận thức được sự nguy hiểm sau mất mát cách đây gần 3 năm nên khu vực này giờ ít người qua lại. Chỉ qua dãy đồi cao mới dám cấy hái và trồng trọt để đảm bảo an toàn”, anh Khải nói.
Kiến thiết cuộc sống mới
Ghé thăm gia đình anh Đinh Công Hoan (SN 1988, trú tại xóm Khanh) khi anh đã gần hoàn thành ngôi nhà mới, chỉ còn công trình phụ và sơn sửa cho hoàn tất. Trên khu vực tum của ngôi nhà, anh Hoan dành làm nơi thờ phụng người thân mất trong trận lở đất 10/2017. Trận lở đất đó, gia đình anh đã mất đi 5 người, trong đó có cha ruột.
Mất nhà, anh Hoan được chính quyền, các tổ chức thiện nguyện giúp đỡ nên đã quyết tâm xây dựng ngôi nhà mới với tổng cộng khoảng 200 triệu đồng. Căn nhà anh dựng lên bằng cả mồ hôi của mình nay đã gần hoàn thiện, cơ ngơi ấm cúng. “Cũng đau buồn lắm, nhưng phải sống tiếp thôi anh ah”, Hoan nói với chúng tôi. “Giờ ở nhà mới, cách xa khu vực có nguy cơ sạt lở đất, em thấy an tâm hơn, tập trung lo cho công việc của mình chứ không lo sợ mất an toàn như trước”.
Cũng như anh Hoan, gia đình ông Bùi Văn Hươu cũng mất 8 người trong dòng họ, trong đó có con trai cả của mình trong trận lở đất.
“Cuộc sống ở xóm Khanh cũ yên bình hơn, quen nếp hơn nhưng giờ phải thay đổi thôi, dù chưa quen nơi ở mới lắm nhưng tôi động viên vợ con, các cháu vì an toàn là hơn cả”, ông Hươu nói.
Khi được chúng tôi hỏi về diện tích đất canh tác có còn không. Ông Hươu cười: “Mình có bàn tay mà, ít ruộng đi thì mình đi làm thuê, đi làm công cho người ta cũng được, vẫn đủ trang trải cho cuộc sống mà”. Sự tự tin và thành thật ấy khiến chúng tôi cảm nhận được ý chí lớn lao không chỉ ở ông Hươu mà ở tất cả người dân xóm Khanh tại nơi định cư mới.
Xóm Khanh có 115 hộ dân, gần một nửa trong số này có người đi làm thuê ở nơi xa hoặc cho các xã bên cạnh. Cuộc sống nơi đây tuy còn nghèo khó, lại trải qua trận lở đất kinh hoàng nhưng không vì thế mà mọi người thiếu đi sự lạc quan, tự tin và ý chí mạnh mẽ để vươn lên giống như anh Hoan và ông Hươu vậy.
Câu chuyện người trưởng xóm
Trong câu chuyện mà anh Bùi Văn Đông (Trưởng xóm Khanh) với chúng tôi, có một khoảng lặng mà anh dành cho người tiền nhiệm của mình, ông Bùi Văn Hức, một trong những nạn nhân của vụ lở đất và là trưởng xóm Khanh trước khi xảy ra vụ sạt lở năm đó.
Anh Đông nhớ lại: “Hôm đó trời mưa to lắm, bác Hức đi đến từng nhà nhắc nhở mọi người gia cố nhà cửa cẩn thận đề phòng có mưa to gió lớn. Sau khi vào thăm hai gia đình dưới chân thác Khanh, bác ấy nhận thấy nếu mưa to quá sẽ phải di dời các hộ dân này nên đã ở lại túc trực. Đến khoảng 1h sáng hôm đó, cả làng bỗng nghe tiếng ầm một cái. Nguyên một phần quả núi đổ ập xuống, đất đá cuốn theo rầm rầm đã vùi lấp tất cả. Bác Hức cũng nằm trong các nạn nhân ấy vì không kịp di chuyển…”.
Anh Đông cho biết, sau khi được mọi người bầu làm trưởng xóm, noi gương bác Hức, anh dừng hẳn công việc mình làm dưới Hà Nội để tập trung cho công việc và để đáp lại sự tin tưởng của bà con dành cho mình. Hằng ngày, ngoài công việc gia đình, anh không quên đảo qua khu vực xóm Khanh cũ, nhắc nhở bà con đi rừng và đưa tin về các bản tin thời tiết mới cập nhật được qua loa cầm tay hoặc phát thanh của xóm.
“UBND xã cũng có đội xung kích để ứng phó với thiên tai nếu có xảy ra. Ngoài việc tuyên truyền, vận động bà con còn lại ở xóm Khanh di dời về nơi ở an toàn, chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo người dân trong xã, nhất là các hộ ở khu vực có nguy cơ sạt lở. Sau biến cố năm 2017, về cơ bản xã không còn hộ dân nào ở khu vực có nguy cơ sạt lở nữa. Bà con cũng an tâm sản xuất hơn”, anh Đông nói.
Những cánh đồng lúa mới cấy của đồng bào xóm Khanh đang vươn lên xanh tốt, hứa hẹn một mùa vụ mới ấm no, cho một cuộc sống mới đang hình thành ở vùng đất tưởng chừng chỉ có đau thương nay đang hồi sinh từng ngày…