Nơi thắp sáng những giấc mơ hạnh phúc
Sau nhiều năm kết hôn chưa có con, nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn tưởng chừng hết hy vọng. Nhưng nhờ khoa học phát triển, cùng với sự hỗ trợ sinh sản, nhiều gia đình hiếm muộn đã 'chạm' tới hạnh phúc thiêng liêng, hiện thực hóa được giấc mơ làm cha, làm mẹ.
20 lần thất bại vẫn kiên trì tìm con
Vừa qua, tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã diễn ra Lễ tổng kết chương trình “Tuần lễ vàng” năm 2024 và kỷ niệm 15 năm thành lập Bệnh viện (2009 - 2024) với chủ đề "Thắp sáng ước mơ gia đình hiếm muộn”. Buổi lễ là cuộc hội ngộ, sẻ chia của hàng trăm cặp vợ chồng từng điều trị hiếm muộn tại bệnh viện. Trong số đó, rất nhiều trường hợp thành công, câu chuyện của họ không chỉ là minh chứng cho những điều kỳ diệu của y học hiện đại, mà còn là nguồn động lực to lớn cho những cặp vợ chồng hiếm muộn đang trong hoàn cảnh tương tự có thêm hy vọng.
Điển hình như sự kiên cường của người phụ nữ, quyết tâm tìm con của chị Cao Thị Hằng (sinh năm 1983) và anh Phùng Văn Dũng (sinh năm 1978) ở Hà Nội đã khiến nhiều người xúc động. Chia sẻ với phóng viên, chị Hằng cho biết sau khi có con đầu lòng bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), 5 năm sau, anh chị tiếp tục hành trình IVF lần hai với mong muốn đón được thêm con yêu về nhà. Nhưng hành trình tìm con lần thứ hai, với gần 20 lần chuyển phôi đều thất bại mà không tìm ra nguyên nhân, khiến anh chị tuyệt vọng.
Hai vợ chồng tưởng chừng như sẽ phải từ bỏ hành trình này, nhưng đến năm 2021, vợ chồng chị Hằng chuyển ra Hà Nội sinh sống và được bạn bè giới thiệu đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, động viên tâm lý, tiếp thêm niềm tin động lực trên hành trình tìm con. Sau khi nghe tiền sử sản khoa nặng nề, chuyển phôi thất bại nhiều lần, bác sĩ đã tư vấn cho anh chị chọc trứng tạo phôi, nuôi và theo dõi phôi bằng hệ thống tự động kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) Timelapse.
Từ đó, các bác sĩ và chuyên viên phôi học nhận thấy những bất thường của một số phôi. Việc theo dõi và cập nhật liên tục, không bị gián đoạn hình ảnh phôi trong quá trình hình thành và phát triển giúp cho các chuyên viên phôi học đánh giá chính xác chất lượng phôi và lựa chọn những phôi tốt nhất để chuyển vào buồng tử cung. Cuối cùng điều kỳ diệu đã tới ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên của chị Hằng. Hai vợ chồng chị đã rơi nước mắt khi nhìn vào tờ giấy thông báo kết quả beta có thai khi ấy. Cả quá trình mang thai diễn ra thuận lợi, chị Hằng hạ sinh một bé gái vào đầu năm 2023, hiện nay bé đã hơn 1 tuổi rất kháu khỉnh và đáng yêu.
Tương tự, chị Bùi Thị Viện (24 tuổi) và anh Bùi Văn Tiến (33 tuổi) đến từ Thanh Hóa bế trên tay 2 thiên thần nhỏ đáng yêu. Với anh Tiến, chị Viện không niềm vui nào có thể diễn tả bằng lời, khi tổ ấm nhỏ giờ đây có tiếng khóc cười trẻ thơ. Nhớ lại quãng thời gian tìm con, chị Viện cho biết, năm 2019, hai vợ chồng chị kết hôn. Sau 6 tháng kết hôn mà chưa thấy tin vui, sốt ruột nên hai vợ chồng cùng ra thăm khám tại Bệnh viện tuyến Trung ương. Tại đây, các bác sĩ cho biết sức khỏe của cả hai bình thường, cho thuốc uống và theo dõi thêm.
Chờ mãi cũng thấy có tin vui, với đồng lương công nhân ít ỏi giành dụm được, hai vợ chồng chị Viện đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm khám. Tại đây, cả hai vợ chồng mới ngã ngửa khi biết mình mang gen bệnh thalassemia (thiếu máu huyết tán). Cộng thêm người chồng không có khả năng sinh con tự nhiên.
Đến năm 2022, vợ chồng chị Viện mới thực hiện IVF, và sau hai lần chuyển phôi may mắn đã mỉm cười với gia đình. Gia đình anh Tiến chị Viện vỡ òa khi chào đón hai thiên thần song sinh một trai, một gái khỏe mạnh bình thường. Hiện nay, người mang gen thalassemia thường bị lưu sảy thai rất nhiều lần, hoặc nếu có sinh ra thì tỉ lệ sinh con bị bệnh tan máu (thể dị hợp) rất cao. Do đó, sinh ra được em bé khỏe mạnh giống bố mẹ đã là một thành công của IVF kết hợp sàng lọc phôi tiền làm tổ.
Rút ngắn hành trình tìm con
Theo bác sĩ, bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn, đều chịu rất nhiều áp lực, cả về kinh tế lẫn tinh thần. Riêng với các gia đình khó khăn, áp lực đó càng đè nặng khi chi phí thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là phương pháp IVF không phải là nhỏ. Do đó, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội muốn tiếp sức cho họ cả về kinh phí và kỹ thuật để giúp các gia đình “chạm” vào ước mơ làm cha, làm mẹ.
Tại buổi lễ, bác sĩ chuyên khoa I Phạm Văn Hưởng - Phó Giám đốc chuyên môn, Trưởng Khoa Hỗ trợ Sinh sản Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ: “Mong mỏi có con đối với mỗi người, mỗi gia đình là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm thấy con yêu một cách dễ dàng. Trong điều trị hiếm muộn, rào cản lớn nhất thường là vấn đề kinh tế. Chúng tôi thực hiện chương trình “Tuần Lễ Vàng” bên cạnh mang ý nghĩa truyền niềm tin, động lực cho các gia đình, mà trên hết là mong muốn mang đến những ưu đãi, hỗ trợ thiết thực trong thăm khám và điều trị hiếm muộn, rút ngắn hành trình tìm con, hiện thực hóa giấc mơ được làm cha làm mẹ”.
Trong 10 năm qua, chương trình “Tuần Lễ Vàng” của Bệnh viện đã hỗ trợ, mang hạnh phúc đến cho hàng trăm gia đình hiếm muộn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trong đó có hơn 50 gia đình hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ 100% chi phí thực hiện IVF với 59 em bé chào đời; hơn 400 gói miễn phí các dịch vụ với tổng giá trị hỗ trợ lên đến hàng tỷ đồng…
Bên cạnh đó, thời gian qua, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại và mang đến cơ hội có con cho rất nhiều gia đình hiếm muộn, kể cả những trường hợp vô sinh được tiên lượng khó điều trị trước đó. Trong đó, có một số phương pháp tiên tiến như: Phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng - Micro TESE, kỹ thuật nội soi thăm dò buồng tử cung, phương pháp IVF kết hợp xét nghiệm sàng lọc phôi tiền làm tổ (PGT), hệ thống nuôi cấy và theo dõi phôi tự động tích hợp trí tuệ nhân tạo AI (Timelapse)...
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/noi-thap-sang-nhung-giac-mo-hanh-phuc-170946.html