Nói thật có quá khó?
Nói ra sự thật đôi khi có thể khó khăn vì nhiều lý do, nhưng nó thường được coi là một việc phải thực hành quan trọng về mặt đạo đức. Đôi khi có thể gặp khó khăn, nhưng tính trung thực là đức tính được coi trọng trong nhiều xã hội.
Vì sao nói thật trở nên khó khăn?
Một ông bác sĩ sau khi khám bệnh đã không tiện tiết lộ căn bệnh thực sự với bệnh nhân vì sợ anh ta mất tinh thần, chỉ nói chung chung và gọi riêng người nhà cho biết. Ông ấy có lý do chấp nhận được để không nói thật vì khiến người bệnh khủng hoảng thêm mà nhà Phật gọi là “mũi tên thứ hai” có thể khiến người ta suy sụp nhanh hơn. Một điều tra viên dàn dựng chuyện thú tội của một “đồng phạm” để thủ phạm thực sự sợ mà thú nhận. Chuyện ấy cũng có thể hiểu được. Thế nhưng trong những lĩnh vực khác thì người ta không dám nói thật vì lý do gì?
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho biết: “Rõ ràng học sinh nói dối ngày càng nhiều so với trước đây. Bản thân trẻ em là tấm gương phản ánh xã hội. Nếu ở trong môi trường mà hàng ngày các em thấy cha mẹ nói dối, thầy cô nói dối thì trẻ em tự nhiên mà nhiễm thói nói dối…”.
Nhưng có đúng như ông nói là người lớn nói dối vì cơ chế trói buộc không? Hay là do cả xã hội dung túng thói dối trá từ lời ăn tiếng nói cho đến hành động thực tế. Từ việc nhỏ là báo cáo việc làm hàng ngày cho đến những bảng tổng kết tô hồng, những dự án với số liệu “vẽ”, kê khống lên để ăn chặn, ăn bớt. Từ lời nói đến hành động, người lớn đều đang có những tấm gương “phản diện”.
Trong vụ án gian lận điểm thi cách đây vài năm tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, các bị cáo đều nhận tội. Nhưng hình ảnh họ tươi cười bước ra khỏi phòng xử án, hân hoan kiêu hãnh như những “người hùng” sau khi nghe tuyên án, khiến mọi người đều ngạc nhiên, phải chăng họ đã cảm thấy “an toàn” như dự liệu (?).
Riêng bị cáo Diệp Thị H.L., trưởng phòng khảo thí tỉnh Hòa Bình đã tổng kết sự vụ bằng một câu nói có tính chất “công thức” trong đời sống và công việc mà bà đang làm khi nói rằng “Có nhiều trường hợp được nâng điểm không làm theo cũng khó vì ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”. Có nhà báo đã viết khi tường thuật: “Một nền giáo dục phải chứng kiến các nhà giáo của mình đứng trước vành móng ngựa vì những việc làm phản bội lại những gì mình rao giảng trên bục giảng là một nền giáo dục thất bại”. (Đoàn Khắc Xuyên, Nếu cả xã hội chấp nhận gù? Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, 25-5-2020)
Một đất nước với những bậc phụ huynh bất chấp đạo lý và lẽ phải, sẵn lòng mua chuộc các vị “lương sư” khiến họ bị tha hóa thì làm sao “hưng quốc” được? Họ không chấp nhận con em mình thất bại vì năng lực thực sự chưa đạt thì sẽ không thể có một nền giáo dục lành mạnh và một xã hội phát triển, văn minh.
Để chấp nhận những giá trị của một nền giáo dục trung thực, cả xã hội cần thay đổi tư duy bấy lâu vốn nghiêng về kết quả mà bất chấp phương pháp thực hiện và cách nhìn nhận những giá trị cốt lõi. Một việc làm cần thời gian nhưng hết sức cấp bách. Chính vì “ai cũng gù” nên sinh ra những tệ hại trong quan hệ kinh tế và xã hội, nguồn cơn của “lợi ích nhóm”, của những dự án thất bại não nề ném đi hàng nghìn tỷ. Vì không nói thật nên ai cũng yên lặng bỏ qua những lỗi lầm cả sự gian dối, đảo lộn trắng đen, xáo trộn cương thường, trật tự xã hội.
Người ta vẫn nhắc lại tuyên bố nổi tiếng của cố Tổng thống Nelson Mandela, người đoạt giải Nobel Hòa bình, được ghi trang trọng trước cổng trường đại học Nam Phi như một lời cảnh báo đối với ngành giáo dục: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân sẽ chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục đó. Các tòa nhà sẽ sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đó. Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đó và nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đó. Công lý bị mất trong tay của các thẩm phán của nền giáo dục đó. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.
Trong lịch sử Đông phương, hình ảnh người quân tử ngày xưa là gì? Người ta nhấn mạnh “hành động luôn cẩn trọng, lời nói luôn giữ bề trung thực, thấy lợi phải nghĩ đến nghĩa, không vì lợi mà quên nghĩa”.
Đạo đức học Phật giáo cho rằng “Người lãnh đạo xã hội cần phải nhận ra chính sự liêm chính và nhìn xa trông rộng của họ sẽ hình thành nên tấm gương mà dân chúng noi theo một cách tự nhiên… Cũng vậy, khi người nắm quyền duy trì con đường đúng đắn thì dân chúng của họ cũng sẽ được đúng đắn và an bình sẽ ngự trị trên quốc gia này”. (Hammalawa Saddhatissa, Buddhist Ethics, Wisdom Publication, 1997)
Giáo dục đã vậy đến doanh nghiệp thì sao?
Người ta cũng “sáng tạo” sổ sách theo những cách thuyết phục ngân hàng cho vay, khách hàng bỏ tiền đầu tư và sau cùng dự án chết yểu hay không khả thi vì ngàn lẻ một lý do…
Dưới đây là một vài lý do tại sao việc nói sự thật có thể là một thách thức:
Sợ hậu quả: Mọi người có thể ngần ngại nói sự thật nếu họ lường trước được những hậu quả tiêu cực, chẳng hạn như bị trừng phạt, từ chối hoặc làm tổn hại đến các mối quan hệ, nhất là với cấp trên.
Kỳ vọng của xã hội: Các chuẩn mực và kỳ vọng của xã hội đôi khi có thể tạo ra áp lực để giữ lại hoặc bóp méo sự thật nhằm tuân thủ, duy trì sự hài hòa hoặc bảo vệ bản thân hoặc người khác khỏi sự xấu hổ hoặc tổn hại. Biết người đó không đạt mà vẫn chọn lựa cho công việc. Nhiều ông giám đốc biết nhân viên không đủ khả năng nhưng vì gửi gắm nên phải nhận.
Tác động về mặt cảm xúc: Nói sự thật về những vấn đề nhạy cảm hoặc cá nhân có thể là một thử thách về mặt cảm xúc.
Sự phức tạp của sự thật: Sự thật có thể mang tính chủ quan và có thể tồn tại những quan điểm hoặc cách giải thích khác nhau trong một tình huống nhất định. Việc xác định điều gì tạo nên sự thật có thể phức tạp và có thể liên quan đến việc cân nhắc nhiều yếu tố.
Tại sao cần phản biện?
Phản biện hay nói cách khác sự xuất hiện của những ý kiến trái chiều hay khác biệt được xem là hết sức cần thiết cho sự tồn tại và thành công của một tổ chức. Vì sao ?
Những tranh luận trái chiều khuyến khích tư duy phản biện và thử thách đối với tình trạng hiện hữu. Nó tạo cơ hội cho nhân viên và cả lãnh đạo nhìn lại những lề thói thông thường trong công việc, quy trình hiện tại và cả chiến lược xem có thực sự phù hợp, hay cần sự đổi mới và cải tiến tổ chức.
Trong môi trường thay đổi nhanh chóng như hiện nay, nhất là kinh doanh, mọi tổ chức cần phải thích nghi và kiên định. Cho phép phản biện tạo môi trường thay đổi, khuyến khích việc lắng nghe học hỏi, phản ứng hiệu quả trước thay đổi và nắm bắt cơ hội nhanh nhạy hơn. Tổ chức cho phép nhân viên nêu lên ý kiến phản biện chứng tỏ sự tôn trọng, khiến họ gắn bó hơn với công ty hay tổ chức, họ cảm thấy thỏa mãn trong công việc và mong muốn làm việc dài lâu vì cảm thấy có thể đóng góp toàn tâm toàn ý.
Điều quan trọng là phải tạo môi trường an toàn để mọi người thoải mái bộc bạch ý tưởng và dù có khác biệt thì ý kiến vẫn được ghi nhận và cảm ơn vì điều đó. Trong quan hệ với các công ty hay tổ chức khác, duy trì sự trung thực vẫn bền vững hơn là nói dối họ hay không thành tín dù chỉ một lần.
Đức Phật là vị đạo sư đã giáo huấn ta rất nhiều về tư duy phản biện. Trong tu tập và thực hành, dù hướng đến giải thoát và trí tuệ, Ngài cho phép chúng ta bày tỏ những nghi vấn và hiểu biết của mình. Ngài dạy đệ tử luôn tự chất vấn để tìm ra bản chất của tồn tại, sự khổ đau và nguồn cơn của khổ.
Ngài nhấn mạnh không mù quáng tin vào những giáo điều, mà phải tìm và trải nghiệm chân lý cho riêng mình. Phật dạy không bám chấp vào một quan điểm nào đó hoặc thiên kiến. Đức Phật khuyên những người theo Ngài hãy buông bỏ những định kiến và luôn cởi mở với những quan điểm và hiểu biết mới. Cách tiếp cận này thúc đẩy sự linh hoạt trí tuệ và sự sẵn sàng xem xét các quan điểm mới, điều cần thiết trong tư duy phản biện.
Phật giáo sử dụng nhiều phương pháp thực hành thiền định khác nhau, bao gồm việc phân tích và suy ngẫm một cách có hệ thống về các khía cạnh khác nhau của kinh nghiệm và giáo lý. Thiền khuyến khích các tín đồ kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc và niềm tin của họ một cách có phương pháp và phê phán, thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về bản thân và bản chất của thực tế.
Nguyên lý duyên khởi là một khái niệm cơ bản trong Phật giáo. Nó gợi ý rằng tất cả các hiện tượng phát sinh và tồn tại phụ thuộc lẫn nhau, với các nguyên nhân và điều kiện. Nên luôn đặt vấn đề thay đổi nguyên nhân sẽ cho kết quả khác.
Đức Phật nhấn mạnh đến việc trau dồi chánh niệm và tỉnh giác trong giây phút hiện tại. Chánh niệm có thể tăng cường sự rõ ràng, sáng suốt và khả năng suy nghĩ chín chắn.
Điều quan trọng cần lưu ý là tư duy phản biện trong Phật giáo phục vụ một mục đích rộng lớn hơn, đó là hỗ trợ sự phát triển tâm linh của hành giả và theo đuổi sự giải thoát khỏi đau khổ.
Nói ra sự thật đôi khi có thể khó khăn vì nhiều lý do, nhưng nó thường được coi là một việc phải thực hành quan trọng về mặt đạo đức. Đôi khi có thể gặp khó khăn, nhưng tính trung thực là đức tính được coi trọng trong nhiều xã hội. Mặc dù nói ra sự thật có thể có những thách thức, nhưng nhiều người vẫn cố gắng trung thực và minh bạch như một khía cạnh cơ bản của hành vi đạo đức và chính trực cá nhân. Điều quan trọng là phải xem xét bối cảnh, hậu quả và tác động tiềm ẩn khi quyết định cách nào để truyền đạt sự thật.
Chúng ta phải giáo dục con trẻ và tự mình, những người trưởng thành từ nhân dân cho đến quan chức rèn luyện tính trung thực trong hành động và lời nói, song song huân tập tâm thức với tình yêu thương và lòng khoan dung để tránh nói điều xấu, ác, gây hiềm khích trong các mối quan hệ xã hội. Vì Bát chánh đạo, trong đó có Chánh ngữ, là cửa ngõ mở ra con đường xây dựng những cộng đồng lành mạnh, hạnh phúc, hướng đến một đời sống văn minh. Một người nói dối sẽ tác động dây chuyền đến người khác và cứ thế nếu không ngăn chặn, chúng ta sẽ “vong thân” với chính mình vì cá nhân ảnh hưởng lên cộng đồng và ngược lại.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/noi-that-co-qua-kho-post68503.html