Nổi tiếng và tai tiếng
Câu chuyện cô gái tên K.M. (28 tuổi, Hà Nội) từ một YouTuber làng nhàng, bỗng chốc trở thành tâm điểm trên mạng xã hội (hiện tại đã hơn 24.000 lượt theo dõi), với hàng loạt video như: bày cách moi tiền bạn mới quen trên ứng dụng hẹn hò; làm giả CV (Curriculum Vitae, được hiểu là hồ sơ ứng tuyển) để xin việc…
1. Việc làm nội dung hay gọi đúng thuật ngữ mà các nền tảng trực tuyến đặt cho người làm công việc này là “nhà sáng tạo nội dung số”, không lạ lẫm gì trong sự bùng nổ của công nghệ và mạng xã hội như hiện nay. Người trẻ kiếm tiền từ các nền tảng trực tuyến, thậm chí là thu nhập “khủng”, trở thành công việc thu hút hàng đầu. Nhưng điều đáng nói trong câu chuyện của cô gái K.M. chính là, liệu người trẻ còn lại gì sau những bất chấp để thành công thật nhanh?
Khác với việc chia sẻ phương pháp tránh những câu hỏi khó từ nhà tuyển dụng, K.M. bày hẳn cách làm giả bằng cấp, vị trí công việc từng làm, để qua mắt nhà tuyển dụng. Đáng nói hơn, K.M. khẳng định, mình sinh ra không để đi làm; và để có tiền, K.M. có đến 5 “chiêu” moi tiền bạn trai mới quen trên các ứng dụng hẹn hò. Bình luận từ các bạn trẻ phía dưới các video của K.M. bày tỏ, chính áp lực buộc mình phải thành công thật nhanh khiến người ta bất chấp những hành vi đúng - sai.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và tâm lý cũng nhìn nhận, lối sống “nghèo sang chảnh” không khó bắt gặp trên mạng xã hội và chính điều đó đã khiến một số bạn trẻ bị cuốn vào những hình ảnh lung linh, giàu có, trong khi năng lực bản thân chưa đủ để đạt thu nhập đáp ứng cho việc chi tiêu xa hoa. Và để có được điều mình muốn, những chiêu trò lọc lừa cũng bắt đầu từ đây, bất chấp để được khoác tấm áo “sang chảnh” trên mạng xã hội.
2. Không nhận đúng cũng không nhận sai, K.M. kể lại những việc làm không hay của mình trong quá khứ và hiện tại cô đã thay đổi tốt hơn. Tuy nhiên, những lời miệt thị ngoại hình, ném đá, thậm chí là bình luận “gạ tình” phản cảm từ một bộ phận người dùng mạng xã hội trên kênh YouTube của cô gái này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chính tâm lý “sống nhanh” này của một bộ phận người trẻ trên mạng xã hội, cùng thuật toán chia sẻ nội dung với tốc độ nhanh như cái chớp mắt, là yếu tố để nhiều bạn trẻ như K.M. nhanh chóng trở thành hiện tượng “hot” trên các nền tảng trực tuyến. Chị Vũ Hoài Trang (chuyên viên truyền thông thương hiệu, Công ty T.V.I.) chia sẻ: “Chắc chắn lượt xem và dislike (không thích) trên kênh của K.M. sẽ còn tăng nhiều trong vài ngày tới. Nhưng với nền tảng số, dù là nhận được nút dislike thì nội dung vẫn trở thành xu hướng, chỉ khi nào tài khoản bị báo cáo (report) thì mới xem xét khóa kênh theo tiêu chuẩn cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên mà người làm nội dung số chia sẻ câu chuyện để bị ném đá, có thể bạn K.M. này đang học theo rất nhiều mẫu số chung của các tài khoản có nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội đã từng áp dụng như vịn vào phát ngôn gây sốc (cố ý hoặc vô tình) để ghi tên mình vào danh sách “người nổi tiếng”. Sự phát triển mạnh của nền tảng số, có nhiều người không học truyền thông, nhưng rất biết cách xây dựng thương hiệu cá nhân. Tuy nhiên, nổi tiếng và tai tiếng là một lằn ranh rất mỏng, người trẻ nếu không có sự hướng dẫn và định hướng kỹ càng, rất dễ bất chấp để nổi tiếng”.
Kiếm tiền từ nền tảng trực tuyến chưa bao giờ là xấu, nó là xu hướng nghề nghiệp phù hợp lớp trẻ lớn lên cùng công nghệ. Vấn đề là sau những bùng nổ của mạng xã hội, con số triệu lượt xem, lượt thích qua đi, người trẻ có kịp tìm cho mình những giá trị chân thật, cốt lõi, hay “vòng xoáy” triệu like như sóng sau xô sóng trước, mà đến lúc nhận được hệ lụy thật, thì các “nhà sáng tạo nội dung số” cùng cộng đồng mạng đã lan truyền quá nhiều nội dung tiêu cực ra cộng đồng.
Những nội dung chia sẻ về chuyện không trung thực của K.M. trên mạng xã hội phần nhiều nhận “gạch đá” nhưng cũng không ít bạn trẻ bày tỏ thái độ ngược lại, nhanh chóng gọi cô gái này là “idol” (thần tượng) vì những mánh khóe theo kiểu có 1 không 2.
TS Nguyễn Văn Tường (Khoa Giáo dục, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM) chia sẻ: “Trên mạng xã hội, những rào cản về thời gian, không gian dường như bị xóa bỏ, con người có thể tương tác với nhau bất kỳ khi nào họ muốn. Do đó, ngày càng nhiều bạn trẻ sử dụng mạng xã hội và cuốn mình vào mạng xã hội hơn là những trải nghiệm thực tế ngoài đời thực. Và nếu thần tượng ai đó mà đánh mất sự kết nối với bản thân, hình ảnh cá nhân không được chú ý chăm sóc, thay vào đó là sự đồng nhất bản thân với một người khác, lấy thước đo giá trị của người khác để đo giá trị của mình… thì khi đó việc thần tượng sẽ trở thành một rào cản trong quá trình phát triển bản thân của giới trẻ. Càng nguy hiểm hơn nếu người được thần tượng lại theo một định hướng giá trị chưa phù hợp”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/noi-tieng-va-tai-tieng-post684186.html