Nới trần làm thêm giờ: Tiếp sức cho doanh nghiệp hồi sức sau COVID-19

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa kiến nghị Chính phủ trình đề xuất Quốc hội xem xét điều chỉnh số giờ làm thêm, 'nới trần' từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng, mở rộng mức trần 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề, lĩnh vực.

Trên thực tế, đề xuất nới trần giờ làm thêm đã từng được đưa ra tại lần sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2019 và nhận được nhiều chiều ý kiến khác nhau. Nay đại dịch COVID-19 một lần nữa đặt ra yêu cầu về việc xem xét nới trần giờ làm thêm tạo cơ hội việc làm cho người lao động, đồng thời giúp doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch.

Việc nới “trần” làm thêm giờ trong thời điểm hiện nay được đánh giá là cần thiết. Tuy nhiên, câu chuyện phải xem xét thấu đáo hơn là thực hiện các quyền lợi, chế độ, chính sách cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động khi tổ chức tăng thời gian làm thêm.

Gỡ khó cho doanh nghiệp hậu COVID-19

Trong tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tăng số giờ làm thêm tối đa, Chính phủ đề xuất tăng thời gian làm thêm từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng nhưng không quá 300 giờ/năm, không giới hạn nhóm, ngành nghề, công việc.

Lý giải đề xuất này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt đợt dịch lần thứ tư ở Việt Nam diễn ra từ tháng 4/2021 đã tác động mạnh mẽ và nặng nề tới nhiều mặt của đời sống xã hội; ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động cũng như doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như các doanh nghiệp ngành du lịch, ngành dịch vụ, doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi cung ứng nhu cầu thiết yếu.

Trong năm 2021, đã có hàng triệu người lao động mất việc, lao động trong các ngành kinh tế tiếp tục giảm. Lao động mất việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người (chiếm 33,2%), giảm 254,2 nghìn người so với năm trước; khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người (chiếm 37,9%), giảm 800,8 nghìn người so với năm trước; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 14,2 triệu người (chiếm 28,9%), tăng 37,3 nghìn người so với năm trước.

Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới, thực hiện chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 xảy ra liên tục trong 2 năm qua làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng, sự dịch chuyển lao động lớn gây thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật ở nhiều địa phương.

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động được phép thỏa thuận với người lao động làm thêm không quá 40 giờ/tháng, đồng thời một số ngành, nghề, công việc (như dệt may, da, giày, chế biến thủy hải sản…) được làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm.

Vừa qua, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã nhận được đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội, mong muốn được thỏa thuận với người lao động làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc. Đề xuất tăng thêm giờ làm thêm là một trong giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới.

Giải pháp căn cơ hay tạm thời

Mặc dù đeo đuổi đề xuất tăng giờ làm thêm khá lâu, nhưng không doanh nghiệp nào coi đây là giải pháp căn cơ, tối ưu trong thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong nhiều cuộc trao đổi giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về việc này, các doanh nghiệp thừa nhận, chi phí làm thêm rất cao, từ gấp rưỡi đến gấp 3 lần chi phí trong giờ làm việc bình thường và nguy cơ tai nạn lao động tăng cao là những lý do khiến doanh nghiệp và người lao động cân nhắc trước khi đưa ra quyết định việc làm thêm giờ. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú ước tính, sản xuất các sản phẩm trong giờ làm thêm khiến giá thành sản phẩm tăng 20%, nên làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đây cũng là lý do nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp lớn như Minh Phú, Gỗ Trường Thành, Đông Tâm… dành 2 năm COVID-19 để đầu tư đổi mới công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào lao động. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ đã trở lại quy mô sản xuất như trước dịch chỉ với 2/3 số lao động, trong đó phần lớn là lao động có tay nghề.

“Nếu không cần, doanh nghiệp sẽ không sử dụng đến số giờ làm thêm dù được phép, vì chi phí đội lên, trong khi giá bán không thể tăng. Lý do doanh nghiệp buộc phải sử dụng làm thêm là yếu tố thời vụ trong sản xuất của nhiều lĩnh vực, như vụ thu hoạch nông sản, thủy sản; yếu tố thời trang như với dệt may, da giày…”, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) nói.

Thêm nữa, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu không chỉ phải cạnh tranh với các đối tác trong nước, nước ngoài để có đơn hàng, mà còn phải chịu áp lực giám sát tính tuân thủ trong các hoạt động của doanh nghiệp từ phía đối tác mua hàng. Chỉ cần một thông tin, dấu hiệu nào về việc doanh nghiệp vi phạm quy định, pháp luật, doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ mất đơn hàng.

Trước khi Bộ luật Lao động hiện hành cho phép các doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến thủy sản được tăng giờ làm thêm lên 300 giờ/năm, thay vì 200 giờ/năm như luật cũ, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã từng nhắc tới những cảnh báo từ các đối tác mua hàng trong ngành dệt may về tỷ lệ 82% doanh nghiệp dệt may vi phạm quy định về giờ làm thêm, dù vào những tháng ít việc, thời gian làm việc của người lao động không đến 8 giờ, doanh nghiệp vẫn phải đủ lương…

Tình thế này rất có thể sẽ lặp lại nếu như các doanh nghiệp có đơn hàng, cần tập trung nguồn lực, nhân lực hoàn tất sau những đợt giãn cách hoặc tạm dừng do thiếu lao động, nhưng người lao động không được phép làm thêm quá 40 giờ/tháng.

Cần hài hòa lợi ích

Trao đổi về nội dung này, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi là một vấn đề hết sức quan trọng, đây cũng là một trong bốn nội dung khi hoàn thiện Bộ luật Lao động năm 2019 đã được các cấp, các ngành rất quan tâm, và được lấy ý kiến rộng rãi.

Thực tế quá trình xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019 cho thấy, nhiều quan điểm tiếp cận khác nhau liên quan tới thời giờ làm việc và làm thêm. Nội dung thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong đó có làm thêm giờ phải biểu quyết đến 2 lần. Nói như vậy để thấy rằng, vấn đề này đã được Quốc hội cân nhắc, thảo luận rất kỹ bởi rất nhiều yếu tố, từ sức khỏe của người lao động, năng suất đến đời sống, thu nhập, các yếu tố liên quan đến làm thêm giờ, cũng như mối quan hệ thấu đáo giữa các bên trong quan hệ lao động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hơn 2 năm gần đây, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung đã chịu nhiều tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phải tạm dừng, bị đứt gãy do giãn cách. Doanh nghiệp mong muốn khôi phục lại sản xuất, nhất là làm thêm giờ để đáp ứng các hoạt động thời gian qua bị gián đoạn cũng như tiến độ các đơn hàng nên có mong muốn điều chỉnh giới hạn làm thêm giờ.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì bản thân người lao động cũng có mong muốn làm thêm giờ, nhưng làm thêm cần cân nhắc về giới hạn. Đánh giá đề xuất của Chính phủ về việc nâng trần làm thêm trong giờ lên 72 giờ/tháng và 300 giờ/năm, áp dụng với tất cả các ngành nghề, ông Lê Đình Quảng khẳng định, về chủ trương thì ông đồng ý, nhưng cũng nên xem lại giới hạn. Mức tăng “trần” làm thêm theo tháng cần vừa phải, ví dụ từ 40 giờ có thể lên thành 60 giờ sẽ phù hợp hơn.

Về giới hạn tổng số giờ làm thêm trong năm, theo ông Lê Đình Quảng hiện nay hầu hết các ngành nghề sản xuất có gia công hàng dệt may, da giày, xuất khẩu cần thiết thì đã cho giới hạn làm thêm đến 300 giờ một năm. Còn hiện nay, đề xuất mở rộng cho mọi ngành nghề thì không nên, mà chỉ nên duy trì ở một số nhóm ngành đặc thù, có thể mở rộng thêm một số ngành nghề khác song không phải là tất cả.

Cùng quan điểm nêu trên, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, làm thêm giờ là vấn đề thực tế đời sống, rất cần thiết cho cả doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt trong bối cảnh 2 năm vừa qua, do đại dịch COVID-19, người lao động rơi vào tình trạng mất hoặc thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập.

Nhưng về bản chất, làm thêm giờ vẫn là kéo dài thời gian lao động, đồng nghĩa với việc tăng cường độ lao động và ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu cho phép kéo dài thời gian làm thêm quá mức. Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc nới “trần” làm thêm giờ cần hài hòa lợi ích các bên trên cơ sở bảo đảm sức khỏe cho người lao động và bù đắp bằng thu nhập hợp lý.

Khánh An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/noi-tran-lam-them-gio-tiep-suc-cho-doanh-nghiep-hoi-suc-sau-covid-19-post186898.html