Nơi tri ân Nghĩa Hội
Nằm sát bên QL1A thuộc địa phận thôn Trung Phú 1, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) có một khuôn viên không rộng lắm, tường rào bao bọc xung quanh, bên trong là các nhà bia nho nhỏ cũng được xây cất đơn sơ và những bát hương được sắp xếp rất gọn gàng. Đó chính là Nghĩa Trung Viên, một điểm thờ tự được dân làng lập từ thời vua Thành Thái vào cuối mùa thu năm 1906.
Nằm sát bên QL1A thuộc địa phận thôn Trung Phú 1, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) có một khuôn viên không rộng lắm, tường rào bao bọc xung quanh, bên trong là các nhà bia nho nhỏ cũng được xây cất đơn sơ và những bát hương được sắp xếp rất gọn gàng. Đó chính là Nghĩa Trung Viên, một điểm thờ tự được dân làng lập từ thời vua Thành Thái vào cuối mùa thu năm 1906.
Nghĩa Trung Viên ra đời là để tri ân, tưởng nhớ những quân binh của Nghĩa hội Quảng Nam đã không tiếc máu xương đấu tranh cho lẽ sống chân chính, đánh đuổi ngoại bang xâm lược, lật đổ chế độ thực dân phong kiến. Nghĩa Trung Viên gắn liền với tên tuổi tiến sĩ (TS) Trần Văn Dư và các chí sĩ yêu nước khác.
Theo những trang sử về vùng đất Quảng thì hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, TS Trần Văn Dư cùng với phó bảng Nguyễn Duy Hiệu, cử nhân Phan Bá Phiến, Tiểu La Nguyễn Thành đứng ra thành lập “Nghĩa hội Quảng Nam” để chống thực dân Pháp và chế độ phong kiến tay sai Nam triều. Ngày đầu mới thành lập, Nghĩa hội đã bầu TS Trần Văn Dư làm chủ hội. Trước một tổ chức còn yếu ớt, mong manh, vũ khí chiến đấu chỉ là những phương tiện đơn giản, thô sơ, rất khó khăn cho việc đối kháng.
Tháng 7-1885, TS Trần Văn Dư thay mặt Nghĩa hội tự tay ra bản cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh phải thực sự đoàn kết, chung lòng, nhất tề đứng lên chống Pháp. Cáo thị có đoạn: “Thống thiết kêu gọi các bậc lương đông cựu thần, các giới sĩ, nông, công, thương tùy sức, tùy tài, khởi binh, kháng địch, tôn phò quốc tộ, giành lại giang sơn, gấm vóc…”. Đáp lời hiệu triệu của Nghĩa hội, nhiều chí sĩ và đồng bào trong tỉnh nhanh chóng gia nhập tổ chức nên chẳng bao lâu quân binh của Nghĩa hội ngày càng đông đúc. Ngày 4-9-1885, TS Trần Văn Dư tổng lãnh đạo hơn một ngàn quân từ căn cứ Sơn Phòng-Dương Yên, một thung lũng khá rộng trong núi rừng rậm rạp ở huyện Trà My, nghĩa binh bí mật hành quân tức tốc ra phía bắc để triển khai một trận đánh vào bộ máy đầu não của Nam triều xứ Quảng Nam.
Đội quân của TS Trần Văn Dư được chia làm nhiều cánh do Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Thành, Phan Bá Phiến, Nguyễn Hanh trực tiếp chỉ huy từng mũi bất ngờ tấn công theo bốn hướng và đột nhập vào Thành tỉnh Quảng Nam (còn gọi Thành La Qua) tại làng La Qua, tổng Hạ Nông, H.Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay là phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn. Cuộc hành binh, vượt rào, phá các cổng Thành và tiến đánh hết sức dũng cảm, táo bạo của quân binh Nghĩa hội làm cho quân lính của Thành tỉnh Nam triều hoàn toàn bị động nên tuy chống trả quyết liệt nhưng cuối cùng các quan tay sai Bố chánh sứ Bùi Tiến Tiên, quan Tuần phủ Nguyễn Ngoạn, quan Án sát Hà Thúc Quản không tài nào chống cự nổi nên phải dẫn đội quân thất trận tháo chạy và Nghĩa hội Quảng Nam đã làm chủ hoàn toàn các dinh thự trong Thành La Qua.
Chiếm lĩnh được Thành tỉnh, TS Trần Văn Dư ra lệnh cho binh lính phá các kho thóc lúa của giặc cấp phát cho dân nghèo, bởi thời điểm đó dân làng quanh vùng đói rách, lầm than bởi sự hà khắc, đọa đày của thực dân, phong kiến. Đối với số quân lính bị bắt làm tù binh hoặc đang chạy trốn, ẩn nấp, TS Trần Văn Dư kêu gọi các tàn quân không tiếp tục đi theo chế độ Nam triều chống lại Nghĩa hội, hãy cùng gia nhập lực lượng Nghĩa hội để đánh đuổi giặc Pháp. Ai không muốn tham gia thì hãy về làng mạc, xóm thôn cuốc cày ruộng đồng chứ không được làm tay sai cho giặc.
Hay tin Thành La Qua bị thất thủ, ngày 25-9-1885, Khâm sứ Pháp là Des Champeaux ở Huế tức tốc điều động đội quân hỗn hợp Bắc phi và Nam triều mở đường tiến vào Thành La Qua bằng hai hướng chính: quân từ Huế và Đà Nẵng đi bằng đường biển vào Hội An rồi tràn lên Thành La Qua, cánh trên bộ tiến theo đường QL1A từ phía bắc vào. Trước một đội quân hùng hậu đông như kiến cùng với các loại vũ khí hiện đại, tối tân của Pháp và quân Nam triều nên cuộc chiến đấu diễn ra trong điều kiện không cân sức. Nhiều binh sĩ của Nghĩa hội đã ngã xuống ngay tại Thành La Qua. Để giảm bớt tổn thất và bảo tồn lực lượng của Nghĩa hội cho việc chiến đấu lâu dài, TS Trần Văn Dư cho rút quân về lại Sơn Phòng-Dương Yên và Thành La Qua bị giặc chiếm đóng trở lại…
Trải qua hơn một thế kỷ, Nghĩa Trung Viên bị mai một theo thời gian và chỉ còn lại dấu tích thờ phụng của ngày xưa rất hoang sơ. Để tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân đã ngã xuống cho quê hương, xứ sở, tháng 3-1912, UBND tỉnh Quảng Nam trích ngân sách đầu tư cùng với nguồn xã hội hóa hơn 500 triệu đồng trùng tu, nâng cấp Nghĩa Trung Viên. Như vậy đến đầu năm 2021, khu đền tưởng niệm Nghĩa Trung Viên gần 115 năm thờ phụng các binh sĩ của Nghĩa hội Quảng Nam đã nằm xuống cách đây gần 136 năm. Nghĩa Trung Viên đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và mãi mãi là niềm tự về lòng yêu nước thiết tha của cha ông, những người con của xứ Quảng anh hùng. Đây cũng là nơi để cho các thế hệ hôm nay và mai sau soi rọi, học tập trong sự nghiệp bảo vệ nước non, bờ cõi.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_239772_noi-tri-an-nghia-hoi.aspx