Nội trợ là nghề 'ăn bám'?
Công việc nhà (nội trợ) đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, cho đến nay công việc này vẫn bị đánh giá thấp cả về xã hội, kinh tế, chính trị và không được coi là một nghề nghiệp thực sự. Do vậy mà những người đảm nhiệm công việc này luôn bị thiệt thòi bởi bị coi là 'ăn bám' gia đình - không làm ra tiền…
Ôsin… không tiền
Mấy tháng nay, chị Thanh Hòa (32 tuổi, Hà Nội) luôn sống trong tình trạng tủi thân, trầm uất. Trước đây, hết kỳ thai sản, Hòa định tiếp tục đi làm kế toán nhưng gia đình “khuyên” nghỉ hẳn để chăm con cái, gia đình. Thương chồng con, Hòa đã nghỉ việc ở nhà làm nội trợ.
Ngày nào cũng phải dậy từ 5 giờ sáng dọn dẹp nhà cửa cho đại gia đình, làm bữa sáng cho các thành viên rồi lại một mình ở nhà lủi thủi chăm sóc hai con: một lên 2, một tròn 9 tháng tuổi với vô số việc “không tên” khác: Nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa… cho 8 thành viên trong gia đình (bố mẹ, anh em chồng, chồng, con). Tất cả công việc nhà đều “trút” lên người Hòa. Ngày “quay như chong chóng” việc nhà, đêm “vò võ năm canh” trông con quấy khóc…
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 được quy định tại khoản 2 Điều 16 như sau: “Việc giải quyết quan hệ tài sản phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”. Công việc nội trợ là công việc chung các thành viên trong gia đình, mang tính cộng đồng cao, tích hợp các yếu tố gia đình, nhà trường và xã hội, công việc có thu nhập.
Nhiều lần người mệt lả, Hòa góp ý chồng làm đỡ việc nhà cho vợ nhưng chồng Hòa quắc mắt: Có vài cái việc cỏn con, cô làm gì ra tiền mà kêu mệt, đã ăn bám lại còn kêu ca!”. Khi Hòa muốn mua vài bộ quần áo mới, chồng Hòa quát: “Cô đi đến đâu mà quần với áo, chỉ quanh quẩn xó nhà, diện cho muỗi ngắm à?” Không chỉ có Hòa, rất nhiều người phụ nữ, người vợ làm công việc nội trợ đã bị các thành viên trong gia đình coi thường là… osin không tiền!
Trong con mắt của nhiều “trụ cột gia đình” và xã hội, những bà nội trợ thật sung sướng, bởi họ không phải làm việc gì cả, không phải vất vả đội mưa nắng làm việc, không bị sếp mắng, không bị áp deadline, định mức công việc, họ đang sống bằng đồng tiền mồ hôi của người khác… Thế nên, thật khó có thể tha thứ nếu họ không biết điều, nếu con nay ốm mai đau, hơi gầy hơn con nhà hàng xóm, nếu nhà cửa bộn bề đồ chơi, nếu bản thân họ bù xù, lôi thôi và cáu gắt khó tính.
Họ không có quyền than thở mệt mỏi hay áp lực, không được phép bắt người đi làm - vốn đã quá căng thẳng với việc cơ quan - trông con hộ một lúc để đi tắm hay đi vệ sinh, vì một lẽ đơn giản: “Ở nhà cả ngày, có việc gì đâu mà…”. Việc được quyền giải trí, nằm dài xem ti vi, đi ra ngoài café ăn uống hay đi chơi với bạn bè, với những kẻ “ăn bám” bị coi là xa xỉ và không cần thiết, vì họ “mỗi ở nhà thôi, có va chạm hay vất vả gì mà căng thẳng”, vì “đã không làm ra tiền, còn tiêu pha tốn kém”.
Quá nhiều việc “không tên” nên họ không có cơ hội học tập, tiến thủ, ít có thời gian giải trí, tinh thần và sức khỏe của họ bị giảm sút. Họ không làm giờ hành chính 8 tiếng/ngày như các phụ nữ đi làm, mà “giờ hành chính” (bị hành là chính) của họ kéo dài từ 16 – 18 tiếng/ngày, 16 – 18 tiếng áp lực, la hét, mệt mỏi, cáu gắt, căng mình hoạt động hết năng suất. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, người phụ nữ nội trợ thường bị street, ít khả năng nhanh nhẹn hơn những người làm các công việc khác. Họ ít có “tiếng nói” trong các công việc mua sắm xe cộ, nhà cửa, con cái học hành… mà chồng đều là người quyết định. Trực tiếp làm ra tiền, người chồng mặc nhiên tự cho mình cái quyền được phục vụ, quyền được quát mắng, thậm chí được quyền… đánh đập vợ con!
Hãy ngừng thờ ơ…
Không chỉ làm công việc nhà, họ cũng kiêm luôn cả bác sĩ tâm lý trẻ em, y tá chăm sóc, nhà dinh dưỡng học cho gia đình, phải giỏi kỹ năng của một “giám đốc tài chính” trong nhà, phải có kỹ năng sắp xếp thời gian chuyên nghiệp… Tính ra, một phụ nữ ở nhà, với những kỹ năng và hàm lượng công việc, chất xám mà họ phải đảm nhiệm, những công việc mà họ phải kiêm nhiệm, đáng lẽ phải được trả lương cao hơn nhiều lần một người đi làm, ít nhất là bằng giúp việc gia đình chuyên nghiệp (khoảng 5 triệu đồng) + một người trông trẻ chuyên nghiệp (5 triệu đồng).
Ngoài giá trị kinh tế, còn có cả trách nhiệm và tình thương yêu của người phụ nữ chăm sóc, dạy dỗ, tái tạo sức lao động của các thành viên trong gia đình - một giá trị thiêng liêng không thể đo được bằng bất cứ phép tính này. Cái giá của họ cao hơn rất nhiều, mà bên cạnh tiền chỉ có tình yêu và trân trọng mới có thể trả được.
Tổ chức Oxfam đã phát động chiến dịch “Ngừng thờ ơ” trước tình trạng này trong báo cáo mới nhất về bất bình đẳng. Báo cáo “Ngừng thờ ơ - công việc chăm sóc không lương hoặc lương thấp và cuộc khủng hoảng bất bình đẳng trên toàn cầu” được công bố của Tổ chức Oxfam một lần nữa nhắc lại một chủ đề đã được Liên Hợp quốc và nhiều tổ chức tiến bộ khác kiên cường tranh đấu trong nhiều năm qua: chuyện không được trả lương của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình khi làm các công việc chăm sóc.
Việc chăm sóc là những công việc giản dị thường nhật nhưng lại không thể thiếu đối với sự thịnh vượng của các xã hội, cộng đồng và sự vận hành của nền kinh tế. Hình dung từ trong gia đình ra đến toàn bộ cộng đồng, nếu không có người đầu tư thời gian, công sức cho những công việc chăm sóc thiết yếu hằng ngày này thì các cộng đồng, công sở và toàn bộ nền kinh tế sẽ bị trục trặc.
Oxfam ước tính chỉ riêng công việc nội trợ, chăm sóc gia đình của phụ nữ có giá trị kinh tế ít nhất 10,8 ngàn tỉ USD mỗi năm, cao gấp 3 lần giá trị của ngành công nghệ. Con số này dù lớn nhưng Oxfam cho rằng vẫn chưa đầy đủ và con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.
Theo Oxfam, phụ nữ và trẻ em, đặc biệt những người nghèo hoặc thuộc các nhóm dân số dễ bị tổn thương và bị phân biệt đối xử, mất 12,5 tỉ giờ mỗi ngày để làm các công việc chăm sóc không được trả lương. Trên toàn thế giới, 42% phụ nữ trong độ tuổi lao động không nằm trong lực lượng lao động được trả lương.
Oxfam kêu gọi chính phủ trên khắp thế giới cần hành động ngay để xây dựng một nền kinh tế nhân văn, tôn trọng nữ quyền và những giá trị thực sự quan trọng đối với xã hội, thay vì thúc đẩy cuộc tìm kiếm của cải và lợi nhuận vốn không có điểm dừng.
Đầu tư cho hệ thống chăm sóc quốc gia để giải quyết tình trạng mất cân bằng trong công việc chăm sóc do phụ nữ và trẻ em gái đảm nhiệm, áp dụng thuế lũy tiến, thuế tài sản, xây dựng các điều luật để bảo vệ những người thực hiện trách nhiệm chăm sóc là những việc đầu tiên cần làm.
Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ so với nam giới là mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Cụ thể, trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (mục tiêu 3), các chỉ tiêu đặt ra như sau:
- Chỉ tiêu 1: Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới.
- Chỉ tiêu 2: Đến năm 2025 đạt 80% và đến 2030 đạt 90% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản;
Đến năm 2025 đạt 50% và đến năm 2030 đạt 70% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn.
- Chỉ tiêu 3: Từ năm 2025 trở đi, 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.
- Chỉ tiêu 4: Đến năm 2025 có 70% và năm 2030 có 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/noi-tro-la-nghe-an-bam-post436616.html