Nổi trôi 'xóm chăn bò'
Nhiều gia đình từ các miền quê khác nhau, không có nghề nghiệp ổn định đành chuyển đến khu vực đèo Chư Sê thuộc xã H.Bông (huyện Chư Sê, Gia Lai) làm nghề chăn bò thuê. Chẳng mấy chốc đã lên đến hàng trăm hộ, như một xóm.
Nhọc nhằn
Cùng với người từ các địa phương khác thì một số gia đình tại chỗ cũng nhận chăn bò thuê.
Họ xem đó là nghề nhọc nhằn, quanh năm sương gió.
Anh Nguyễn Văn Lo chia sẻ: Cách đây vài năm được chủ nhận vào đi chăn thuê 20 con.
Nhưng vì chưa quen địa bàn, bò của gia chủ lại hỗn không chịu ăn theo bầy nên anh đã để một chú bò đi thất lạc.
Suốt đêm hôm ấy vừa sợ chủ đuổi việc vừa sợ bị bắt đền nên anh đã lùng sục khắp các vùng núi rừng của huyện Chư Sê để tìm kiếm.
May mắn đã đến với anh khi gần 2 giờ sáng ngày hôm sau thì đã nghe tiếng lục lạc của chú bò kêu lên.
Nhưng tìm được bò thì chân Lo dập một ngón do té ngã, vẫn phải bám lấy nghề.
Anh Trần Bình Trung (quê Quảng Ngãi), người có thâm niên gần chục năm chăn bò thuê, nói: Do hoàn cảnh ở quê nghèo khó, lại không có nghề nghiệp nên mình quyết định lên đây mưu sinh bằng nghề chăn bò thuê. Nghề chăn bò thuê này cũng bữa đói, bữa no mà thôi. Nếu không may mà làm mất một còn bò thì coi như cả năm ấy không có đồng lương nào gửi về nhà.
Trước khi chăn bò thuê cho ông chủ hiện tại, từng chăn thuê cho một người khác, đó là chủ trang trại bò Công Ph. ở xã H Bông. Ông chủ trang trại Công Ph. rất khó tính, chỉ vì chưa kịp tìm thấy một con bò đi lạc mà ông ấy chửi người chăn thuê như tát nước vào mặt.
Nhiều người chăn bò thuê bộc bạch rằng, nghĩ cũng tủi nhưng cũng đành chịu vậy chứ than thở miết cũng chẳng được gì.
Chị Lê Thanh Tâm, người bám trụ lâu năm với nghề chăn bò thuê cũng chua chát cho biết: Có lần cũng chỉ vì một chú bò tách bầy đi ăn về muộn mà chủ không cho người làm lĩnh lương nửa tháng. Chăn bò này cực lắm, nhất là bò đực đến kỳ động đực là nó đi tìm bạn tình, cứ sểnh là nó đi lạc ngay. Có những lần đi tìm bò trong nỗi lo lắng lẫn sợ hãi mà không còn thấy có cảm giác đói là gì nữa.
Tổn hại sức khỏe
Nhiều gia đình ở “xóm chăn bò” cho biết, nhà cửa ở đây cũng chỉ là ở tạm.
Dựng lên bằng ván hoặc các loại vật liệu, vôi vữa thừa được xin về từ các công trình xây dựng.
Ngay phía sau của những căn nhà đơn sơ này là trang trại với hàng trăm con bò.
Chị Thanh, một người chăn bò thuê kể: Chúng tôi cũng biết sống như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều lắm, vì mỗi khi gió mạnh mùi phân bò thốc vào rất khó chịu. Nhưng phải chấp nhận thôi.
Theo tìm hiểu, nghề chăn bò thuê nếu tính chi ly so với nghề nông ở một số vùng quê vẫn khá hơn nhưng các bệnh tật từ việc ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng nhiều hơn.
“Ở quê, ngoài việc đồng áng, vợ chồng tôi chạy chợ buôn bán cả ngày mà cuộc sống vẫn cứ thiếu thốn đủ bề nên khi được người em họ giới thiệu, chúng tôi lên đây chăn bò thuê. Bước đầu chưa quen nên chỉ nhận nuôi 50 con. Tính ra mỗi tháng cũng thu nhập được 5-6 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cũng dư được 2 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền bán phân mỗi tháng cũng thêm được khoảng 500.000 đồng”- anh Bùi Văn Hiền (quê Bình Định) cho biết.
Tuy có dư vài triệu đồng mỗi tháng nhưng nghề chăn bò thuê lắm gian nan.
Suốt cả năm trời, chân phải đạp lên đá núi nhiều khi tứa máu, đau đến phát khóc.
Những lúc bò đi lạc phải đi tìm mặc cho trời mưa hay đêm tối vì mất một con bò coi như mất nửa năm tiền chăn thuê.
Hơn nữa, bây giờ việc chăn bò ở đây cũng ngày càng khó do diện tích đồng cỏ đang bị thu hẹp dần vì người dân khai hoang làm nương rẫy.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/noi-troi-xom-chan-bo-n180535.html