Nơi tuân thủ nghiêm túc, chỗ lơ là

Hiện tại nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có sự đổi mới phương thức sản xuất và cải thiện điều kiện làm việc từ thủ công sang sử dụng những kỹ thuật khoa học tiên tiến vào sản xuất, nhờ đó góp phần tăng năng suất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề. Tuy nhiên, đi liền với đó là nguy cơ tiềm ẩn rủi ro, tai nạn lao động nếu công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động không được chú trọng.

Hiệu quả từ áp dụng khoa học công nghệ hiện đại

Miến dong xã Minh Khai (Hoài Đức, Hà Nội) từ lâu đã trở thành một đặc sản có thương hiệu nổi tiếng khắp mọi miền. Cũng chính vì thế, nghề làm miến đã gắn bó với cuộc sống và đem lại nguồn thu nhập chính cho bà con nơi đây. Mỗi khi đến với xã Minh Khai, ai cũng không khỏi bất ngờ với không khí sản xuất, làm việc lúc nào cũng tấp nập, khẩn trương của bà con từ xưởng sản xuất đến trên những cánh đồng miến.

Trong quá trình sản xuất người dân làng miến dong xã Minh Khai luôn chú trọng tuân thủ an toàn vệ sinh lao động và an toàn thực phẩm (Ảnh: Phương Ngân)

Trong quá trình sản xuất người dân làng miến dong xã Minh Khai luôn chú trọng tuân thủ an toàn vệ sinh lao động và an toàn thực phẩm (Ảnh: Phương Ngân)

Nghề làm miến dong có từ lâu đời ở xã Minh Khai và nó đã trở thành nghề truyền thống của người dân nơi đây. Theo người dân trong xã, Minh Khai là nơi làm miến đầu tiên của nước ta, sau này mới xuất hiện làng miến ở Cự Đà, làng So (Quốc Oai)… trải qua những thăng trầm nhưng người dân nơi đây vẫn đã và đang giữ gìn làng nghề truyền thống của địa phương. Trước đây miến nơi đây được làm thủ công, sản xuất với số lượng ít, hầu hết là các hộ gia đình làm nhỏ lẻ. Ngày nay, với số lượng sản xuất nhiều, các hộ gia đình áp dụng máy móc để đáp ứng đủ sản lượng cung cấp ra thị trường. Điển hình như gia đình ông Đỗ Đăng Thưởng là một trong những hộ gắn bó lâu nhất với nghề sản xuất miến. Những năm qua, đều đặn mỗi ngày, vợ chồng ông vẫn duy trì làm ra những sợi miến. Mỗi ngày gia đình ông làm hơn 1 tấn bột, cho ra được 700 - 800kg miến, cung cấp ra thị trường.

Không chỉ riêng làng miến, làng dệt truyền thống xã Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội) với truyền thống hàng chục năm, trong làng hiện có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất với quy mô lớn, bên cạnh đó là các hộ sản xuất tư nhân nhỏ lẻ. Ngày nay cùng với việc cải tiến công nghệ sản xuất và mẫu mã, nghề dệt ở đây không chỉ cung cấp các sản phẩm cho thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước mà còn xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản… tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương và lao động các vùng lân cận.

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Ghi nhận thực tế tại các làng nghề cho thấy bên cạnh những hiệu quả sản xuất, hiệu quả kinh tế từ việc áp dụng máy móc, khoa học, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất thì nguy cơ về mất an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy vẫn luôn tiềm ẩn. Bởi lẽ tại các làng nghề, bên cạnh các nhà máy, xưởng sản xuất lớn thì vẫn còn nhiều hộ gia đình sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, mặt bằng sản xuất chật hẹp, ngay tại nhà, trong khu dân cư. Để tiết kiệm chi phí, thu nhiều lợi nhuận, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh vẫn chưa thật sự chú trọng đến việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, hầu hết người lao động không tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn về bảo đảm an toàn lao động, hầu hết kỹ năng nghề là “cha truyền con nối” nên còn nhiều khó khăn trong quy trình sản xuất, môi trường nơi làm việc.

Trên thực tế, nhiều hộ sản xuất vẫn đang sử dụng máy móc không đảm bảo an toàn, không có tài liệu kỹ thuật phục vụ việc hướng dẫn vận hành thiết bị, không được bảo dưỡng, bảo trì đầy đủ... Trong quá trình làm việc, nhiều lao động không được trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện bảo hộ và bản thân họ cũng chưa thật sự quan tâm đến việc tự bảo vệ bản thân khỏi các rủi ro lao động. Phần lớn người lao động phải thường xuyên tiếp xúc các yếu tố khói bụi, tiếng ồn, hóa chất, họ phải đối diện với nhiều nguy cơ dẫn đến bỏng, đứt tay chân, điện giật, bệnh ngoài da…

Theo ông Nguyễn Duy Trường -Chủ tịch Hội làng nghề dệt Phùng Xá, trên địa bàn xã Phùng Xá vẫn xảy ra các vụ mất an toàn lao động, tuy nhiên phần lớn là những lỗi do sai sót trong quy trình sản xuất, vận hành máy móc, may mắn các vụ tai nạn đa phần không quá nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động. Phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện vẫn thường xuyên tổ chức kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động. Đối với các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn đa phần thường tuân thủ và có đầy đủ các chứng chỉ về an toàn lao động, các hệ thống máy sản xuất có chứng chỉ vận hành và kiểm định về an toàn. Tuy nhiên các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, họ thường để máy sản xuất trong nhà do đó gặp khó khăn trong việc kiểm tra cũng như phổ biến các quy định về an toàn.

“Người dân do nhận thức còn hạn chế khi được báo đi tham gia các lớp tập huấn, phổ biến về an toàn lao động nhiều người không tham gia vì sợ mất thời gian. Về công tác phòng cháy, chữa cháy nhiều hộ dân để bụi bám vào các thiết bị máy móc do đó tiềm ẩn nguy cơ. Đa phần chỉ những doanh nghiệp có quy mô sản xuất tương đối mới chú trọng đến công tác an toàn lao động. Ở Công ty tôi để đảm bảo an toàn, có một bộ phận chuyên trách kiểm tra an toàn lao động, bất kể quy trình nào xảy ra sai sót sẽ được nhắc nhở kịp thời, thậm chí có những quy trình chúng tôi đưa camera, cử người theo dõi quá trình vận hành các thiết bị sản xuất qua camera kết hợp với thực tế và trang bị hệ thống phòng chống cháy nổ… Đầu tư những quy trình đó rất tốn kém nhưng để đảm bảo an toàn lao động chúng tôi vẫn tuân thủ. Tuy nhiên quan trọng vẫn phụ thuộc vào ý thức của công nhân, họ phải luôn tuân thủ quy trình vận hành của máy móc, các kỹ thuật an toàn trong quá trình làm việc như vậy mới hạn chế xảy ra các sai sót”, ông Trường cho hay.

Tương tự làng nghề dệt Phùng Xá, để nâng cao kiến thức an toàn lao động cho người dân làng nghề, tại làng nghề sản xuất miến dong xã Minh Khai, hàng năm huyện và Thành phố vẫn tổ chức các buổi tập huấn các nội dung về an toàn lao động và an toàn thực phẩm. Tham gia các lớp tập huấn, người dân áp dụng được rất nhiều vào sản xuất, mỗi hộ đều có ý thức nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm, tuân thủ các biện pháp về an toàn lao động.

“Trong quá trình sản xuất chúng tôi luôn đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Công tác phòng chống cháy nổ cũng được chúng tôi tuân thủ triệt để. Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy của Thành phố và huyện thường xuyên về kiểm tra và hướng dẫn người dân tuân thủ quy định phòng cháy. Bản thân gia đình tôi cũng chủ động mua các bình chữa cháy với nhiều kích cỡ to nhỏ, hướng dẫn mọi người trong gia đình đều có thể sử dụng bình đề phòng trường hợp xấu xảy ra. Bên cạnh đó trong các buổi họp của Hội, chúng tôi cũng luôn đưa yếu tố an toàn lao động, cháy nổ vào để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm hay, nhắc nhở các hộ sản xuất trong xã cùng nhau thực hiện tốt”, ông Đỗ Đăng Thưởng (Phó Chủ tịch Hội miến dong xã Minh Khai) chia sẻ.

Hoa Nguyễn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/noi-tuan-thu-nghiem-tuc-cho-lo-la-112187.html