Nơi ươm mầm cho năng khiếu văn học nghệ thuật
Đồng Nai hiện đã và đang bổ sung một lực lượng tác giả trẻ (sinh từ năm 1980 trở về sau) khá hùng hậu. Bằng những sáng tác mới, đội ngũ này đã góp thêm tiếng nói chung cho đời sống văn học nghệ thuật (VNHT) tỉnh nhà.
Để tạo ra những tác phẩm hay, có giá trị nghệ thuật cao thì VHNT Đồng Nai cần trở thành nơi ươm mầm năng khiếu và bản thân những người trẻ phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
* Đời sống VHNT trẻ đa dạng, phong phú
Phải nói rằng, VHNT Đồng Nai thời gian qua được quan tâm và tạo điều kiện để phát triển, đặc biệt là việc thường xuyên tham gia trại sáng tác, giới thiệu tác phẩm mới, trao đổi, tọa đàm văn chương… tạo những bước tiến vững chắc cho lực lượng sáng tác trẻ của tỉnh. Tính đến năm 2019, có hơn 30 tác giả trẻ ở 2 ban văn học và mỹ thuật, trong đó nhiều người còn đang ngồi trên ghế nhà trường được kỳ vọng là “nguồn” cho VHNT Đồng Nai trong tương lai.
Sáng nay 24-12, Hội VHNT Đồng Nai tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Hội. Tại buổi lễ, các đại biểu sẽ ôn lại chặng đường 40 năm qua các thước phim tài liệu, tham quan 80 hình ảnh tiêu biểu, giới thiệu nhiều đầu sách, băng đĩa nhạc do Hội thực hiện. Hội sẽ đón nhận cờ thi đua xuất sắc của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; đón nhận bức trướng và bằng khen của UBND tỉnh cho 7 tập thể và 25 cá nhân có thành tích xuất sắc; trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp VHNT cho 20 hội viên…
NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai cho biết: “Trong bối cảnh văn hóa đọc giảm sút, chúng ta vẫn có một lực lượng văn nghệ sĩ kế cận đầy tiềm năng, đang sinh hoạt tại Ban Sáng tác trẻ. Dẫu kinh phí hạn hẹp, mỗi năm Hội vẫn tổ chức cho các hội viên, cộng tác viên dưới 35 tuổi dự trại sáng tác, đi thực tế nhằm trang bị cho các em vốn sống, kỹ năng sáng tác, đồng thời nhắc nhở các em về trách nhiệm của văn nghệ sĩ”.
Những tác giả thế hệ 8X, 9X như: Hạnh Vân, Tuyết Cương, Lê Phan Hiếu Anh, Huyền Quy (Ban Văn học); Trần Đình Thắng, Trần Thanh Tùng, Lê Vân (Ban Mỹ thuật)… xuất hiện khá “dày” trên các số của Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai, với những tác phẩm đầy tươi mới. Theo Phó chủ tịch thường trực Hội VHNT tỉnh Hoàng Ngọc Điệp, những tác giả trẻ này đều có “lưng vốn” sáng tác nhất định, một số làm việc tại các trường học trên địa bàn tỉnh hoặc hoạt động ở văn phòng Hội, rất thuận lợi. Cá biệt có tác giả là người khuyết tật nhưng đam mê sáng tạo và được các thầy cô, bạn bè ủng hộ, hướng dẫn sáng tác.
“Sau 3 năm Ban Sáng tác trẻ hoạt động sôi nổi, Hội đã ấn hành tuyển tập Khi đàn chim vỗ cánh gồm những tác phẩm văn học và mỹ thuật. Như chính cách gọi của tác phẩm, chúng tôi kỳ vọng vào thế hệ người trẻ nhiệt huyết. Họ không ngừng học hỏi, tìm tòi trong sáng tạo để có tác phẩm vươn xa hơn, vừa mang giá trị nghệ thuật, vừa mang giá trị về nội dung, bám sát thực tiễn đời sống” - bà Hoàng Ngọc Điệp nói.
Tác giả trẻ Lê Phan Hiếu Anh (sinh viên Trường đại học văn hóa TP.Hồ Chí Minh) cho biết, bản thân tác giả cũng như các thành viên trong Ban Sáng tác trẻ đã có những bước đổi thay tích cực về cả tư duy nghệ thuật lẫn sự trưởng thành trong nhân cách, ứng xử… Hiếu Anh chia sẻ: “Mỗi lần tham gia trại sáng tác trẻ, tôi được các thầy cô là những nhà văn thành danh trên đất Đồng Nai hướng dẫn tận tình. Điều đó giúp tôi có thêm những kinh nghiệm trên hành trình sáng tạo, góp phần truyền tải những câu chuyện đời sống theo cách nhìn của một người trẻ, đáp ứng nhu cầu của độc giả hôm nay”.
Phải thừa nhận rằng, trong sáng tạo VHNT, sự trẻ hóa đội ngũ là cần thiết. Nói như NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai: “Nếu trên sân khấu không có diễn viên trẻ đảm nhiệm những vai chính thì vở diễn coi như thất bại”. Bởi vậy, việc phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo VHNT được xem là một trong những nhiệm vụ mà Hội đã và đang thực hiện. Người trẻ được kỳ vọng sẽ là lớp kế cận tạo thêm những tác phẩm VHNT hay, đẹp và giá trị về Biên Hòa - Đồng Nai.
* Trăn trở và kỳ vọng...
Trăn trở với việc phát triển đội ngũ sáng tác trẻ của Đồng Nai, họa sĩ Phạm Công Hoàng cho rằng, so với các khu vực khác trong cả nước, lực lượng sáng tác trẻ ở Đồng Nai hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn. Khi việc “kiếm sống” bằng VHNT gặp nhiều khó khăn, thử thách về “cơm áo gạo tiền” đã khiến không ít tác giả trẻ phải rẽ sang một hướng khác, hoặc chỉ xem VHNT như là cuộc “dạo chơi” ngắn ngủi. Trong thời đại công nghệ 4.0, tình yêu và sự quan tâm dành cho VHNT của nhiều người trẻ dường như không còn như trước đây.
Cùng với quan điểm đó, nhiều văn nghệ sĩ cũng nhận định, VHNT trẻ Đồng Nai tuy đã được quan tâm, chú trọng bồi dưỡng sáng tác nhưng lại có rất ít tác phẩm mang tính đột phá, rất dễ bị “lãng quên”. Vậy nên, mong muốn có tác phẩm chất lượng cao, xứng tầm đối với các tác giả “kỳ cựu”, có nhiều kinh nghiệm trong sáng tạo thật không hề dễ dàng. Để bước tiếp trên con đường văn chương, mang đến những tác phẩm ngày càng có chất lượng, các tác giả trẻ cần nỗ lực hơn nữa.
Theo nhà thơ Đàm Chu Văn, các tác giả trẻ nên mở rộng biên độ sáng tác cả về không gian, bối cảnh mới, phải tự học và nâng cao kiến thức cũng như kinh nghiệm sống, bởi đây là cốt lõi để hy vọng có được những tác phẩm hay. Bên cạnh đó, họ cần đọc và học kinh nghiệm của những người đi trước, tích lũy dần kiến thức cho bản thân mình. Ban sáng tác trẻ cần được củng cố và đẩy mạnh hoạt động nhằm thu hút hơn nữa sự chú ý của người trẻ. Từ đó, chọn lọc những người có năng khiếu, say sưa với VHNT để hướng dẫn, khuyến khích họ.
Văn nghệ sĩ Đồng Nai có thể kỳ vọng vào lớp trẻ hôm nay là nguồn lực quan trọng góp phần làm nên “thanh xuân”, nối tiếp chặng đường 40 năm của VHNT Đồng Nai. Sự thiếu vốn sống, non nớt trong nghề theo năm tháng chắc chắn sẽ được khắc phục khi người trẻ được tin cậy, trao cơ hội để được bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao kỹ năng sáng tác...