Nỗi vất vả, nhọc nhằn của chị em công nhân mang ánh sáng vào hầm sâu tại Công ty Than Thống Nhất - TKV
Trong quá trình hơn 60 năm hình thành và phát triển, đến nay Công ty Than Thống Nhất đang ngày một Phát triển - Bền vững.
Với 3.400 CBCN, trong đó hơn 1.370 là thợ lò. Trong 62 năm qua, Công ty Than Thống Nhất đã khai thác trên 60 triệu tấn than, đào mới trên 700 Km đường lò, sản lượng bình quân trong những năm gần đây đạt gần 02 triệu tấn/năm. Đã đóng góp quan trọng cùng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho, đó là sản xuất và cung ứng than cho an ninh năng lượng quốc gia - đó thực sự là những con số biết nói, thể hiện nỗ lực của tất cả CBCNVC-NLĐ, trong đó, không thể không kể tới công lao của những người thợ phát Đèn lò, đặc biệt là các chị em tổ Nhà đèn.
Nhọc nhằn thợ phát đèn lò
Tổ nhà đèn có 20 công nhân đều là nữ, chia làm 3 ca, mỗi ca làm việc của chị em thợ phát đèn lò bắt đầu từ rất sớm, các chị phải đến trước giờ Thợ lò vào ca để kiểm soát ra, vào mượn trả đèn đầy đủ bảng treo thẻ của công nhân, kiểm soát thẻ ca trước, ca sau. Sau đó lau chùi giá sạc, sắp xếp gọn gàng bình tự cứu, máy bắn mìn, máy ôm kế, máy đo kíp. Sau ca làm việc sửa chữa đèn hỏng của anh em Thợ lò. Chị em tổ nhà đèn phải quản lý số máy móc thiết bị khổng lồ gồm: 3.005 đèn đi lò mã hiệu KL4MLX, 1.315 bình tự cứu, 111 máy bắn mìn, 32 máy ôm kế, 41 máy đo kíp, 23 đồng hồ tiếp đất… Giá sạc quy trình các chị em công nhân nhà đèn phải bảo dưỡng trung tu 2 lần/năm.
Chị Bùi Thị Sữa - Tổ trưởng nhà đèn có thâm niên làm việc hơn 20 năm vui vẻ chia sẻ: “Do đặc thù công việc, chị em Tổ nhà đèn đi làm 3 ca, kể cả những ngày chủ nhật, ngày lễ, cứ có công nhân xuống lò là chị em có mặt để cấp phát đèn lò, bình tự cứu... bất kể giờ giấc. Thợ lò làm việc vất vả nên chúng tôi luôn bảo nhau phải chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho các anh”. Để đảm bảo đủ số lượng đèn và bình tự cứu cấp phát kịp thời, các chị Tổ nhà đèn đã cải tiến kỹ thuật gia công bình tự cứu và sửa chữa đèn hàng ngày nhằm đảm bảo chất lượng đèn, tiết kiệm chi phí.
Những chiến sỹ thầm lặng
Chị Bùi Thị Sữa chia sẻ thêm: “Đối với công nhân thợ phát đèn lò ở Công ty Than Thống Nhất thì việc đi sớm về muộn là chuyện hằng ngày. Vì vậy, những người thợ phát đèn lò như chúng tôi buộc phải thích nghi với công việc trong mọi tình huống, để hoàn thành công việc được giao… Bởi vậy, chồng con chúng tôi hay gọi đùa chúng tôi là những chiến sỹ thầm lặng. Nhưng bản thân tôi thấy thì nghề nào cũng sẽ có cái khó, cái cực, nếu ai cũng thấy khó mà né tránh thì ai làm. Hạnh phúc của tôi chỉ đơn giản thế thôi”. Đó là những câu tâm sự rất đơn giản, hồn nhiên, mộc mạc của chị nhưng lại rất có ý nghĩa.
Để nói về công việc, sự thầm lặng của các chị thì không chỉ một vài bài viết là có thể lột tả hết được. Và, tôi đã cảm nhận được một điều đó là ngoài lòng yêu nghề, say mê với công việc thì các chị luôn có cảm giác hãnh diện về chính bản thân mình, xuất phát từ công việc của các chị. Niềm hãnh diện đấy cũng chính là nguồn động lực để các chị Nhà đèn vượt qua được những áp lực của công việc.
Với các chị, đơn giản đó là nghề mình yêu thích, các chị hiểu rõ những vất vả của nghề và cũng mong được anh chị em đồng nghiệp ghi nhận, đồng cảm. Đó là động lực để hàng ngày, hàng giờ, các chị luôn nỗ lực, cố gắng để gắn bó với nghề, hoàn thành nhiệm vụ được giao.