Nói về các vấn đề gai góc theo cách của nhà văn

Theo các nhà văn, 'làm sao để nói?', 'nói ra như thế nào?' là những câu hỏi khó và đôi khi chỉ văn học mới đủ khả năng truyền tải.

 PGS.TS Ngô Văn Giá - nguyên Chủ nhiệm Khoa Viết văn - Báo chí của Đại học Văn hóa. Ảnh: Đức Huy.

PGS.TS Ngô Văn Giá - nguyên Chủ nhiệm Khoa Viết văn - Báo chí của Đại học Văn hóa. Ảnh: Đức Huy.

Sáng ngày 20/9, tại sự kiện ra mắt tập truyện ngắn Ai nói và tại sao lại nói như thế của PGS.TS Ngô Văn Giá, các tác giả, nhà phê bình đã thảo luận về tác phẩm cũng như việc làm sao để bày tỏ quan điểm cá nhân trong bối cảnh ngày nay. Tại cuộc trao đổi đó, văn học được coi như một phương thức tốt nhất để giãi bày.

Dũng cảm và hiểu biết hơn để nói lên suy nghĩ của bản thân

Trong cuộc sống, con người luôn bỏ lỡ cơ hội để nói ra những điều đúng đắn, suy nghĩ, sự thật trong thâm tâm mình. Vì vậy, họ có thể cảm thấy cô đơn, tiếc nuối và thậm chí tưởng tượng ra thực tại khác nếu bản thân thay đổi được quá khứ. Đối với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đó là những suy tư trăn trở của cá nhân ông về đời sống diễn ngôn đương đại. Nhưng văn học đã trở thành một công cụ hữu hiệu để con người bộc lộ tốt hơn.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh các cây bút sáng tác luôn có khả năng nói lên được suy nghĩ của mình. Thông qua các tác phẩm, họ thể hiện được quan điểm về xã hội và con người. Điều ấy thể hiện lòng dũng cảm và bản lĩnh của người làm nghệ thuật.

 Nhà phê bình La Khắc Hòa chia sẻ tại sự kiện ra mắt sách.

Nhà phê bình La Khắc Hòa chia sẻ tại sự kiện ra mắt sách.

Cũng theo phân tích của nhà phê bình La Khắc Hòa, sự dũng cảm là điều cần thiết và thường thấy trong văn học từ Đổi mới đến nay. Những va chạm cá nhân được khắc họa rõ nét. Vô số trải nghiệm được trình bày dưới ngôn ngữ của nghệ thuật, bằng cách đó, câu chuyện của một người có thể trở thành câu chuyện của muôn người.

Hơn cả sự dũng cảm để nói ra, Thượng tá Phùng Văn Khai - Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội - lại khẳng định hiểu biết là điều quan trọng. Đặc biệt khi cảm hứng từ những đổ vỡ trong xã hội ùa vào tác phẩm văn học, ngay lập tức những phản ứng trái chiều có thể xảy ra. Điều này đòi hỏi nhà văn cần phải thấu đáo, nhìn nhận đời sống từ nhiều khía cạnh, giữ lập trường bản thân để không cuốn theo những lời đàm tếu xung quanh.

“Khi dấn thân vào các sự kiện, vấn đề nóng bỏng, nhà văn không chỉ cần sự dũng cảm mà đòi hỏi họ phải có hiểu biết sâu sắc”, Thượng tá Phùng Văn Khai khẳng định. Nói làm sao, nói cho trúng là câu hỏi được đặt ra để các tác giả định hướng tác phẩm của mình tốt hơn khi phản ánh hiện thực xã hội.

Nói về chuyện nhạy cảm sao cho khéo

Quyền lực và tình dục thường là những vấn đề nhạy cảm kể cả trong các cuộc đối thoại hàng ngày. Nhưng khi đi vào văn học chúng cũng được thể hiện theo nhiều cách sống động. Tác giả Ngô Văn Giá cũng có cách riêng để khắc họa hai chủ đề này.

Về quyền lực, TS Cao Kim Lan (hiện công tác tại Viện Văn học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chia sẻ rằng tác phẩm Ai nói và tại sao lại nói như thế không mô tả quyền uy một cách lộ liễu hay trực diện, mà quyền lực ẩn hiện một cách tinh tế trong những mẩu chuyện đời thường về nhân tình thế thái.

Những câu chuyện như sự suy ngẫm về sức mạnh của tiền bạc mang lại cảm giác rằng quyền lực là thứ mà con người khó lòng thoát khỏi sự cám dỗ của nó. Sự quyến rũ của quyền lực, danh tiếng thường dẫn con người đi tìm kiếm những phương thức để thỏa mãn cái ảo ảnh đó, và điều này hiện diện trong nhiều câu chuyện của PGS.TS Ngô Văn Giá.

 Tập truyện ngắn Ai nói và tại sao lại nói như thế ra mắt ngày 20/9.

Tập truyện ngắn Ai nói và tại sao lại nói như thế ra mắt ngày 20/9.

Về phương diện tình dục, TS Cao Kim Lan nhận xét yếu tố này trong truyện của tác giả Ngô Văn Giá không quá mới mẻ, nhưng điều đặc biệt ở cách ông sử dụng là sự tự nhiên và tinh tế. Tình dục không được miêu tả theo kiểu lộ liễu mà nó tồn tại như một dòng chảy ngầm, tự nhiên như hơi thở. Ngôn ngữ và hành vi của các nhân vật chứa đựng sự ám chỉ, ẩn dụ, đôi khi sử dụng tiếng lóng để kiến tạo những nghĩa mới.

Đặc biệt, tình dục không chỉ là một chủ đề bề nổi, mà nó còn đóng vai trò như một yếu tố cấu trúc ngầm trong nhiều câu chuyện. Trong các truyện như Mình đã giề rồiChuyện tầm phào, tình dục hiện diện như một nguồn năng lượng thầm lặng, góp phần xây dựng chiều sâu cho câu chuyện.

Tình dục trong tác phẩm của nhà văn Ngô Văn Giá không không hề cực đoan mà ngược lại, nó được thể hiện một cách khá tinh tế với đầy ẩn dụ. Những trải nghiệm về thể xác trong câu chuyện của nhà văn Ngô Văn Giá thường xuất hiện như một phương tiện để con người khám phá bản ngã, vượt qua những nỗi sợ hãi về quyền lực, danh vọng và tuổi tác.

Nhìn chung, với Ai nói và tại sao lại nói như thế, nhà văn Ngô Văn Giá thể hiện một cách trình bày khéo léo, chạm đến những vấn đề nhạy cảm, nóng bỏng. Thông qua đó, độc giả có thể rút ra được những bài học quan trọng về cách sử dụng ngôn ngữ để tạo nên sự phong phú trong việc bộc lộ, diễn đạt suy nghĩ cá nhân.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoc-cach-noi-nang-qua-the-gioi-cua-cac-nha-van-post1499279.html