Nối vòng tay nhân ái ở 'Phố núi Gia Lai' - Bài 2: Đến với nhau bằng cả tấm lòng (tiếp theo và hết)
Đó là lời tâm sự của bà Trương Ngọc Thủy, Chủ tịch Quỹ Hoa Hòa bình kiêm Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam khi trao những món quà nghĩa tình tới các nạn nhân bom mìn ở tỉnh Gia Lai.
Hoa Hòa bình mang bình yên đến Phố núi
“Đúng như cái tên mà chúng tôi đã sử dụng từ nhiều năm, Quỹ Hoa Hòa bình mong muốn đóng góp vào xã hội những ý tưởng về hòa bình, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh, nạn nhân bom mìn. Chúng tôi hoạt động khắp đất nước, từ Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái ở phía Bắc đến Quảng Trị, vùng bão lụt, vùng thiên tai ở miền Trung, rồi rong ruổi tới các tỉnh ở Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long…. Mỗi nơi do hoàn cảnh, điều kiện địa lý khác nhau nên có khó khăn không giống nhau. Ở đâu cũng vậy, dù “của ít” nhưng chúng tôi đến với bà con bằng cả tấm lòng, với mục tiêu đem lại cuộc sống ổn định, tươi đẹp hơn cho bà con”, bà Trương Ngọc Thủy chia sẻ.
Từ nhiều năm nay, Quỹ Hoa Hòa bình cùng với Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam thường xuyên tổ chức các đợt hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn thông qua nhiều hình thức. Tùy vào đặc điểm của từng địa phương và nhu cầu của mỗi nạn nhân mà Quỹ và Hội tặng bò sinh sản, lợn, dê hay tặng tiền mặt cho nạn nhân. Điều mà Quỹ và Hội dành sự quan tâm đặc biệt đó là chăm sóc với đối tượng học sinh, con em của nạn nhân bom mìn, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. “Nhìn bà con ở Gia Lai cười rạng rỡ khi đón nhận quà hỗ trợ hay các em nhỏ háo hức bên chiếc xe đạp mới, ngửi mùi giấy mới trong những tập vở mà Quỹ và Hội trao tặng, chúng tôi vui lắm. Thậm chí có cụ cao tuổi đến ôm lấy chúng tôi, rưng rưng nước mắt. Không phải số tiền hỗ trợ lớn mà bởi họ biết chúng tôi đến với họ bằng tấm lòng”, bà Trương Ngọc Thủy nói.
Có một kỷ niệm đẹp trong lần đi trao quà từ thiện mà Chủ tịch Quỹ Hoa Hòa bình nhớ mãi. Bà kể: "Một lần, đoàn công tác đi trao tặng bò cho bà con ở tỉnh Quảng Ngãi đúng vào đợt lũ lụt. Lúc chúng tôi đang lội nước ngập ngang đùi đến từng nhà dân thì một cặp vợ chồng là nạn nhân bom mìn (vợ cụt tay, chồng cụt chân) lội nước ra đón chúng tôi. Họ muốn chúng tôi vào thăm con bò mà năm trước đó chúng tôi đã tặng. Con bò mẹ ấy giờ đã sinh được 2 con bê con, nên vợ chồng họ rất là vui, muốn chia sẻ với chúng tôi. Điều đó làm cho chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi đem đến niềm vui nho nhỏ cho mọi người".
Cùng xuất phát từ phía Nam về “Phố núi Gia Lai”, đoàn các y, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh mang theo rất nhiều thuốc men, thiết bị y tế để khám và phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo. Với thời gian chỉ một ngày, nhưng số lượng hơn 500 bà con được khám và phát thuốc miễn phí là nỗ lực rất lớn của các y, bác sĩ. Theo PGS, TS, BS Nguyễn Trung Tín, đoàn đã có sự chuẩn bị kỹ càng về nhân sự, thuốc men, các thiết bị y tế như máy siêu âm, máy đo điện tâm đồ, bút thử tiểu đường, máy đo huyết áp. “Theo đặc thù bệnh ở vùng cao như tỉnh Gia Lai, bà con thường gặp những bệnh không truyền nhiễm như cao huyết áp, tiểu đường, hay do lao động chân tay nhiều nên bà con thường mắc bệnh xương khớp. Do đó, chúng tôi đã chuẩn bị nhiều loại thuốc bổ xương khớp, thuốc huyết áp để tặng bà con”, PGS, TS, BS Nguyễn Trung Tín cho hay.
Tại Trung tâm Y tế huyện Chư Prông, bà Kpuih Ít ở Làng Nú, xã Ia Kly cho biết, trước đây bà từng đi bộ đội và bị thương, chồng bà là liệt sĩ. Bà có thẻ bệnh binh, được khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, được hưởng chế độ người có công. Được tin đoàn y, bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh tới thăm khám bệnh cho bà con, bà Kpuih Ít vui lắm. Thế nên, dù nhà xa trung tâm huyện, bà cũng nhờ con cháu đưa đến, để được các bác sĩ tư vấn và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe.
Những người làm việc không lương
Được thành lập từ năm 2014, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đến nay có hàng nghìn hội viện, trong đó có hơn 30 vị tướng lĩnh quân đội nghỉ hưu. Theo Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Soát, trăn trở trước những khó khăn của các nạn nhân bom mìn, tất cả thành viên trong Hội đều tình nguyện làm việc không lương với mong muốn hỗ trợ được càng nhiều người càng tốt. Niềm vui của họ là thấy các hộ gia đình nạn nhân bom mìn được hỗ trợ sinh kế tiếp tục vững vàng vươn lên nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó cũng là động lực để Hội tiếp tục hành trình làm vơi đi nỗi đau cho các nạn nhân bom mìn ở nhiều tỉnh, thành của cả nước. Trong 9 năm qua, Hội đã hỗ trợ bò sinh sản cho 325 hộ, hiện nay đàn bò tại “ngân hàng bò” ở các tỉnh đã phát triển thêm hàng trăm bò con. Cùng với đó, hơn 5.000 người khác được hỗ trợ sinh kế với các mức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể.
Nếu như trước đây hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thì hiện nay Hội tập trung vào việc tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống bom mìn cho người dân, đặc biệt là các em học sinh. Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, để tuyên truyền hiệu quả, Hội đã xây dựng và triển khai nhiều hình thức tuyên truyền phong phú đa dạng như phát thông điệp về phòng tránh tai nạn bom mìn trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp tới bà con nhân dân qua các ấn phẩm, clip âm thanh, hình ảnh, diễn ca và cả tuyên truyền trực quan.
Các buổi tuyên truyền đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, nhân dân và học sinh ở thành phố Pleiku, huyện Đức Cơ và huyện Chư Prông. Với thời gian có hạn nhưng các tuyên truyền viên đã truyền tải tới người nghe cách nhận biết các loại bom, mìn cũng như biện pháp phòng tránh. “Sau khi nghe tuyên truyền và tham gia phần giao lưu, em đã biết cách phân biệt các loại bom thông qua màu sắc, hình dáng”, em Nguyễn Phương Diệp, học sinh lớp 7A, trường THCS Nguyễn Hiền ở huyện Đức Cơ chia sẻ. Đây cũng là lần đầu tiên Diệp và các bạn cùng lớp được tham gia buổi tuyên truyền sinh động đến như vậy.
Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Phó chủ tịch Quỹ Hoa Hòa bình, cho rằng: Chúng ta đã mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc thậm chí là máu để tìm và lôi dần những “tử thần” bom, mìn lên khỏi mặt đất. Đó là quá trình lâu dài và tốn kém. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn cũng cần được đẩy mạnh. Để làm được điều này cần có sự chung tay gánh vác của cả cộng đồng với mục tiêu vì sự an toàn của nhân dân, vì sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước.
Bài và ảnh: LINH OANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.