Nơi vương vấn chút thời gian
Không chỉ tôi, mà nhiều người khi đến La Pan Tẩn (Mường Khương) đều ngạc nhiên, bởi ở ngay thôn Bãi Bằng có hai căn nhà cấp 4 bỏ hoang nhiều năm nay, mặc nắng mưa, vẫn 'trơ gan cùng tuế nguyệt'. Nhìn hai căn nhà, nhiều người cảm nhận thời gian vương vấn ở nơi này.
Nằm sát tuyến đường huyết mạch từ Cao Sơn lên Tả Thàng, ngay tại bãi đất bằng phẳng nhất ở nơi “miền cao núi nhọn”, nên không khó để nhận thấy hai căn nhà cấp 4 đã bỏ hoang. Dù đã xuống cấp, nhưng dòng chữ viết trên tường đã giúp mọi người biết được “lai lịch” của nó. Căn nhà thứ nhất là Cửa hàng thương nghiệp xã Cao Sơn, còn căn nhà thứ hai là lớp học tình thương. Điểm chung của cả hai căn nhà là đã xuống cấp, cây cỏ mọc xung quanh um tùm, rêu bám đầy tường. Nếu như lớp học tình thương được rào phía trước bằng lưới thép B40, vẫn còn cửa, thì Cửa hàng thương nghiệp đã bỏ trống, trở thành nơi nhốt gia súc của một hộ gần đó.
Dù “số phận” của hai căn nhà bi đát như vậy, nhưng nó đã có những tháng năm trở thành niềm tự hào của người dân cụm xã La Pan Tẩn. Ông Hoàng Chúng, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương giai đoạn 1988 -1998, đã gần 80 tuổi, nhưng nhắc đến hai căn nhà này, ông nhớ rất rõ, bởi ông cũng là người sinh ra và lớn lên ở La Pan Tẩn. Ông Hoàng Chúng tâm sự: Chủ trương của tỉnh là xây dựng Cửa hàng thương nghiệp khu vực Cao Sơn ở thôn Lồ Suối Tủng, nhưng không hiểu tại sao lại chuyển lên xây dựng tại thôn Bãi Bằng, xã La Pan Tẩn. Có lẽ, đây là vị trí đắc địa, đất đai bằng phẳng, rộng, thuận đường giao thông, nên được chọn để cửa hàng “định cư” ở đây. Từ khi có cửa hàng thương nghiệp, người dân từ Tả Thàng xuôi xuống, từ Cao Sơn ngược lên mua muối, dầu hỏa, cuốc, xẻng, đôi ủng… đông vui, náo nhiệt. Sau tháng năm công tác ở huyện, ở tỉnh, khi nghỉ hưu, về La Pan Tẩn ở, tôi vẫn thường xuyên ra cửa hàng thương nghiệp mua gói mỳ tôm, túi muối trắng. Khi có việc bận, không ra cửa hàng thương nghiệp, bỗng thấy nhớ, bởi đã thành thói quen rồi.
Tìm hiểu về Cửa hàng thương nghiệp xã Cao Sơn, tôi được ông Lê Minh Cảnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Lào Cai cung cấp thêm thông tin. Cửa hàng này được xây dựng vào năm 2000 - 2001 theo Chương trình 135, với nhiệm vụ bán các mặt hàng chính sách được Nhà nước trợ cước, trợ giá, phục vụ người dân các xã đặc biệt khó khăn. Sau gần 10 năm hoạt động, đến năm 2009, cửa hàng được nhượng lại cho Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Mường Khương. Tuy nhiên, đến năm 2017, cửa hàng này không hoạt động nữa, bởi “xe ô tô chở hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã vào tận thôn, bản, bà con không phải đi ra cửa hàng, cần gì tư thương cung cấp đến tận tay”, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Mường Khương cho biết. Thành ra, cửa hàng này bỏ hoang, xuống cấp theo thời gian, người ở nơi khác đến, nhận biết được là nhờ dòng chữ “Cửa hàng thương nghiệp” viết trên tường. Chị Sùng Xoa mở quán bán hàng tạp hóa đối diện với Cửa hàng thương nghiệp xã Cao Sơn ngày ngày chứng kiến ông Sùng Vềnh - người cùng thôn Bãi Bằng, cứ 4 giờ chiều lùa trâu vào trong cửa hàng bỏ hoang, 8 giờ sáng hôm sau lại lùa trâu đi. Vài năm nay, Cửa hàng thương nghiệp xã Cao Sơn vang bóng một thời giờ trở thành nơi nhốt gia súc lý tưởng trong mùa đông.
Cách Cửa hàng thương nghiệp xã Cao Sơn không xa là căn nhà xây đã xuống cấp, dù cánh cửa đóng kín, nhưng các ô cửa bằng kính đã vỡ, rêu bám đầy tường, duy chỉ còn dòng chữ “Lớp học tình thương” màu đỏ viết trên tường và tấm biển “Lớp học tình thương xã La Pan Tẩn do Quỹ Bảo trợ trẻ em và Đại sứ quán Đan Mạch tài trợ” là không bị ảnh hưởng bởi thời gian. Ông Phùng Khánh Toàn, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: Lớp học tình thương được xây dựng chính xác vào thời gian nào thì tôi không nhớ rõ, nhưng đây là công trình rất ý nghĩa và nhân văn, dạy chữ cho trẻ em nghèo của xã La Pan Tẩn trong nhiều năm. Đến khoảng năm 2005 - 2006, lớp học này giải thể, do hệ thống trường mầm non trên địa bàn xã đã được xây dựng khang trang.
Điều khiến tôi bất ngờ khi gặp được một trong những học sinh đầu tiên của lớp học tình thương. Đó là Thào Sà, sinh năm 1992 - chồng của cô chủ quán tạp hóa Sùng Xoa. Thào Sà tâm sự: Trước khi lớp học tình thương được xây dựng, chúng em học trong căn nhà gỗ. Năm 2002, lớp học tình thương được đưa vào sử dụng, em và nhiều người với các lứa tuổi khác nhau được chuyển vào học ở đó. Ngày ấy, chúng em chỉ học Toán và học đọc, viết chữ. Sau khi giải thể lớp học tình thương, căn nhà này trở thành nơi sinh hoạt của giáo viên trong một thời gian, rồi bị bỏ hoang cho đến bây giờ.
Phía sau Cửa hàng thương nghiệp và lớp học tình thương là bãi đất bằng phẳng, tương đối rộng, nên 3 năm (2018 - 2020), xã Lan Pan Tẩn đều chọn làm địa điểm tổ chức Lễ hội Say Sán, thu hút rất đông đồng bào Mông các nơi đến tham dự. Tuy nhiên, nhiều nam thanh nữ tú người Mông dành thời gian “selfie” bên hai công trình “vang bóng một thời”, như để lưu giữ chút thời gian còn vương vấn ở nơi này. Tôi cũng như những chàng trai, cô gái người Mông ấy, tranh thủ chụp vài bức hình, biết đâu ngày gần nhất, hai công trình này không còn nữa.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/351743-noi-vuong-van-chut-thoi-gian