Nói yêu nước bằng ngôn ngữ ký hiệu

Trong những ngày cả nước hân hoan chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thì ở một góc lặng lẽ mang tên Lặng Art của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Lâm Đồng, các em nhỏ khiếm thính cũng góp phần 'phủ đỏ' mạng xã hội bằng cách thật riêng: một video clip hát Quốc ca bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Các em học sinh khiếm thính cùng "hát" Quốc ca bằng ngôn ngữ ký hiệu

Các em học sinh khiếm thính cùng "hát" Quốc ca bằng ngôn ngữ ký hiệu

Lặng Art là tên quán cà phê nằm trên đường Nguyễn Khuyến, trong khuôn viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Lâm Đồng, nơi mà quản lý và nhân viên đều là các cựu học sinh khiếm thính của Trung tâm, ngôn ngữ chung khi giao tiếp với khách là những nụ cười. Đây cũng là nơi mà các em học sinh khuyết tật được học nghề pha chế, vẽ tranh, làm bánh, làm đồ thủ công macrame,... sau giờ học chữ để có thêm lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

Một ngày tháng Tư, giữa không gian yên tĩnh, xinh xắn và ngập bóng thông xanh đó, các em nhỏ khiếm thính đã cùng mang lên mình chiếc áo cờ đỏ sao vàng và cầm trên tay lá cờ Tổ quốc, nhanh chóng xếp đội hình và bắt đầu những động tác tay đầu tiên trên nền nhạc “Tiến quân ca” để hát Quốc ca. Những đôi bàn tay nhỏ bé thuần thục, bởi theo cô Nguyễn Thị Lợi - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Lâm Đồng: “Khi vẫn còn là Trường Khiếm thính trước khi sáp nhập với Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan để thành Trung tâm, mỗi thứ Hai đầu tuần, các em học sinh đều được tham gia sinh hoạt chào cờ và hát Quốc ca. Do đó, mỗi em đều đã thuộc nằm lòng từng động tác”. Đến nay, với số lượng học sinh khuyết tật tăng lên sau sáp nhập, Trung tâm chỉ tổ chức cho học sinh chào cờ mỗi tháng một lần, nhưng ý nghĩa lớn lao của bài hát Quốc ca thì vẫn luôn được các thầy cô nhắc nhớ cho các em. Đặc biệt, với chủ đề sinh hoạt của tháng Tư là 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trung tâm cũng tổ chức cho học sinh tìm hiểu kiến thức lịch sử liên quan thông qua những tiết học, trò chơi và đố vui có thưởng. Thế nên, video clip hát Quốc ca không chỉ nhằm chào mừng ngày hội lớn của dân tộc, mà còn giúp các em hiểu và thêm trân trọng giá trị của hòa bình.

Háo hức tham gia tiết mục, Nguyễn Ngọc Ánh, cô học sinh lớp 9 chia sẻ, em đã quá quen thuộc với bài Quốc ca. Nhưng lần này trở nên đặc biệt hơn, vì em được mặc áo cờ đỏ sao vàng, được cầm cờ Tổ quốc và cùng các bạn quay video clip. Đây sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ của em trước khi rời trường sau gần 10 năm gắn bó. Còn với Nguyễn Lương Quang - chàng trai câm điếc 24 tuổi, hiện là quản lý của Lặng Art, việc tham gia video clip hát Quốc ca là cả niềm vui và niềm tự hào to lớn của em trong những ngày tháng Tư lịch sử. Em chia sẻ bằng ngôn ngữ ký hiệu rằng, dù không thể nghe, không thể nói, nhưng khi đi giữa tuyến đường cờ, hoa rực rỡ những ngày này, em càng thêm yêu quê hương, đất nước và trân trọng hơn những hy sinh của ông cha để có được hòa bình như hôm nay.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Linh - người trực tiếp hướng dẫn các em học sinh xếp đội hình để quay clip cho biết: “Các em đã vô cùng háo hức và nghiêm túc cho lần hát Quốc ca đặc biệt này!”. Từng là giáo viên Tổng phụ trách Đội của Trường Khiếm thính, gắn bó với các em học sinh trong bao nhiêu năm nay, cô giáo Linh đã vô cùng tự hào khi thấy màu áo cờ đỏ sao vàng cùng niềm tự hào lấp lánh trong ánh mắt của từng bạn nhỏ. “Dù không thể cất lời, các em vẫn “hát” Quốc ca bằng một thứ ngôn ngữ riêng - ngôn ngữ của ánh mắt, của chuyển động. Đó là một màn trình diễn không lời, nhưng tôi tin tận sâu trong trái tim của mỗi em là tình yêu tha thiết dành cho đất nước. Thông qua những ngón tay, các em đã gửi gắm tình cảm của mình trong từng câu hát”, cô Linh nói.

Nhớ lại những ngày đầu dạy học sinh hát Quốc ca bằng ngôn ngữ ký hiệu cách đây nhiều năm, cô Nguyễn Thị Lợi bảo rằng, đó là thành quả của sự kiên trì và nhẫn nại của các thầy cô giáo. Bởi mặc dù bài “Tiến quân ca” dành cho người khiếm thính đã được “phiên dịch” thành hệ thống quy ước chung, nhưng làm thế nào để các em học sinh hiểu được từng câu, từng chữ và ý nghĩa lớn lao của bài hát mới là điều thầy cô mong muốn. Thế nên, các cô giải thích cho trò hiểu thế nào là “Tổ quốc”, là “quê hương”, lồng ghép với những kiến thức lịch sử và truyền thống của dân tộc khi dạy hát. Cứ như thế, mỗi ngày một, hai câu lặp đi lặp lại. Bạn lớn chỉ cho bạn nhỏ. Sau hai tháng, các em đã có thể tự tin “hát” bằng tay bài Quốc ca dưới cờ. Cô Lợi tâm sự: “Giây phút chứng kiến các em nghiêm trang dưới Quốc kỳ, trong lòng tôi bao giờ cũng thấy vô cùng tự hào và hạnh phúc. Hình ảnh đó đã gây xúc động cho tôi không biết bao lần, mặc dù đã trở thành quen thuộc”.

Những ngày tháng Tư, khi mà các bạn trẻ khắp nơi thể hiện lòng yêu nước của mình bằng nhiều cách khác nhau, thì với video clip “hát” Quốc ca bằng cả trái tim mình giữa lòng Đà Lạt yên bình, các em học sinh khuyết tật như một lần nữa khẳng định trọn vẹn thông điệp: Hòa bình đẹp lắm!

VIỆT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/noi-yeu-nuoc-bang-ngon-ngu-ky-hieu-2bc43b0/