Nơi yêu thương được bồi đắp

Trường học hạnh phúc là một dự án của UNESCO khởi động từ năm 2014 và nhiều năm qua đã được triển khai rộng rãi ở tất cả các trường học trên cả nước.

Mục đích của dự án này là thúc đẩy hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của người học, lấy người học làm trung tâm. Theo đó, trường học là cái nôi coi trọng, nuôi dưỡng tài năng, phát huy thế mạnh và đa dạng kết quả học tập của mỗi học sinh.

Trường hạnh phúc là nơi mà tình yêu thương giữa thầy và trò, giữa các học sinh, giữa các giáo viên được trân trọng và bồi đắp hằng ngày. Trong hoạt động giảng dạy, không chỉ kiến thức, kỹ năng học sinh còn thiếu mà còn hỗ trợ, tạo điều kiện để trẻ phát huy tối đa tiềm năng, niềm yêu thích và say mê học tập. Trường học hạnh phúc còn hướng đến môi trường học tập mà ở đó mở ra cơ hội rèn luyện, nâng cao thể chất, trải nghiệm bầu không khí tích cực, thoải mái, dân chủ, tiến bộ, tạo điều kiện cho sự khám phá của học sinh. Ở trường học hạnh phúc, không có bạo lực học đường, các hành vi vi phạm đạo đức, không hành xử xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể giáo viên và học sinh.

Trường học hạnh phúc là nơi tình yêu thương được trân trọng và bồi đắp hàng ngày. Ảnh: Hoàng Triều

Trường học hạnh phúc là nơi tình yêu thương được trân trọng và bồi đắp hàng ngày. Ảnh: Hoàng Triều

Xây dựng một trường học hạnh phúc là một mục tiêu quan trọng để tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi học sinh, giáo viên và nhân viên đều cảm thấy hài lòng và gắn bó. Có nhiều giải pháp để xây dựng trường học hạnh phúc, nhưng tựu trung có 3 nhóm giải pháp chính.

Nhóm thứ nhất, xây dựng môi trường vật chất phù hợp. Đó là tạo môi trường học tập thân thiện, như phải thiết kế không gian học tập tích cực, để bảo đảm rằng các phòng học, khu vực chung và sân chơi đều được thiết kế, sắp xếp, tổ chức thực sự an toàn và tạo cảm giác thoải mái, thân thiện cho học sinh… Nhà trường cố gắng cung cấp, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để học sinh có cơ hội tham gia vào các hoạt động thể thao và nghệ thuật…

Nhóm thứ hai, xây dựng môi trường học đường văn hóa, văn minh, dân chủ, tiến bộ. Đó là khuyến khích giao tiếp mở để tạo cơ hội cho học sinh và giáo viên giao tiếp dân chủ và chân thành, như thông qua các sinh hoạt định kỳ, các hoạt động tập thể, các buổi chia sẻ, trò chuyện, các cuộc thi... Đó là tổ chức các hoạt động nhóm, nhất là trong các sinh hoạt ngoại khóa, giúp học sinh và giáo viên phát triển tinh thần đồng đội và hiểu biết lẫn nhau. Đó là tôn trọng sự đa dạng, trong đó khuyến khích tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt giữa các học sinh và giáo viên. Đó là bảo đảm công bằng để tất cả học sinh và giáo viên đều được đối xử bình đẳng.

Nhóm thứ ba, xây dựng môi trường nhân ái, nhân bản. Đó là xây dựng trường học thành một cộng đồng có sự gắn kết với nhau, yêu thương, đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, đúng tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Đó là đề cao sự khích lệ và biểu dương đối với những nỗ lực và thành tích của học sinh và giáo viên, nhất là xây dựng các giải pháp khen thưởng để động viên và khuyến khích. Đó là đưa vào chương trình học các bài học về quản lý cảm xúc, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng giải quyết xung đột, từ đó giúp học sinh và giáo viên hiểu và quản lý cảm xúc của mình một cách hiệu quả…

Bằng cách tạo ra môi trường học đường an toàn, môi trường học tập thân thiện, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, khuyến khích sự tham gia của mọi thành viên, bảo đảm công bằng..., trường học có thể trở thành một nơi mà học sinh và giáo viên đều cảm thấy hạnh phúc và gắn bó!

Trịnh Minh Giang

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/noi-yeu-thuong-duoc-boi-dap-196241112211150811.htm