Nơm nớp lo ngộ độc thực phẩm

Những ngày cận Tết, người tiêu dùng lại càng bất an với nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Trong khi nhu cầu và sức mua lớn, các điều kiện thực hiện giám sát an toàn thực phẩm lại thiếu hụt đủ bề, dẫn đến nguy cơ mất an toàn sức khỏe và nguy hại tới tính mạng người dân.

Chỉ trong tháng 12/2024, liên tiếp các vụ việc ngộ độc rượu xảy ra khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu. Đây là tình trạng năm nào cũng cận Tết lại tái diễn, nhưng không ít người vẫn rất chủ quan.

Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, đến tháng 11/2024, toàn quốc đã ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 43 vụ liên quan đến độc tố tự nhiên (chủ yếu do ngộ độc cóc, nấm rừng, so biển, cá nóc, cua lạ); 6 vụ liên quan đến hóa chất; 45 vụ liên quan đến vi sinh vật và 37 vụ chưa xác định nguyên nhân, làm 4.796 người mắc và 21 trường hợp tử vong.

Trong năm qua cũng đã ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể đông người tại các công ty ở tỉnh Vĩnh Phúc, Đồng Nai; bếp ăn trường học và cả căng tin, các cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học (tỉnh Khánh Hòa, TPHCM); do thức ăn đường phố (ở tỉnh Khánh Hòa, Đồng Nai, Sóc Trăng)…

Đáng lưu ý, năm 2024 toàn ngành y tế đã kiểm tra hơn 354.000 cơ sở, phát hiện trên 22.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,22% so với số cơ sở được kiểm tra; đã xử lý trên 9.000 cơ sở (chiếm 41% số cơ sở vi phạm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023). Báo cáo giám sát của 40 cơ quan quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh/thành phố, tổng số mẫu giám sát là hơn 18.000 mẫu, không đạt 526 mẫu (2,9%). Theo số liệu báo cáo giám sát của 6 viện chuyên ngành thuộc Bộ Y tế, tổng số mẫu giám sát là 387 mẫu, trong đó số mẫu không đạt là 13 mẫu (chiếm tỷ lệ 3,3%)…

Những con số nói trên có lẽ cũng chưa thể phản ánh hết thực trạng của thị trường thực phẩm hiện nay. Thực tế cho thấy, ngay cả những thương hiệu bánh nổi tiếng giữa Thủ đô cũng không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại buổi kiểm tra cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh (phố Hàng Than) mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của TP Hà Nội đã tận mắt thấy từ cơ sở vật chất (gồm quy trình, kho, giá, kệ…) đến nhân sự làm việc tại cơ sở, tem nhãn sản phẩm đều không tuân thủ đúng quy định. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh tạm dừng hoạt động.

Từ sự việc một thương hiệu lớn như bánh cốm Nguyên Ninh nhưng lại xem thường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, vấn đề đặt ra là cần rà soát lại toàn bộ hộ kinh doanh, sản xuất trên địa bàn, nhất là các thương hiệu truyền thống. Qua kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm, cần phải xử lý nghiêm, thậm chí là đình chỉ, kể cả các thương hiệu lâu năm.

Nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm do hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm lạc hậu. Bên cạnh đó, thói quen lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến. Hoạt động của các ban chỉ đạo an toàn thực phẩm cấp xã, phường còn nhiều hạn chế.

Điều đáng nói là việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm còn kẽ hở, dẫn đến tình trạng không ít cá nhân, doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế mà đưa ra thị trường các đồ ăn, thức uống không an toàn. Lực lượng làm công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm còn mỏng khiến công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm lâu nay vẫn chủ yếu làm theo kế hoạch và thời vụ. Sau những tháng hành động vì an toàn thực phẩm ra quân rầm rộ, thì đâu lại vào đấy, khiến số vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý mới chỉ là một phần rất nhỏ so với thực tế diễn ra, trong khi việc yêu cầu người tiêu dùng luôn phải thông thái lại không hề đơn giản.

Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nom-nop-lo-ngo-doc-thuc-pham-10297798.html