Nơm nớp lo sợ khi dùng điện tự kéo
Nhiều năm nay, người dân xóm Động (khu Đèo Mương 1, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) phải bỏ tiền túi ra để kéo đường dây điện về nhà phục vụ sinh hoạt. Đang mùa mưa bão, những sợi dây điện nằm dưới đất hay treo lở lửng trên đầu người tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sự an toàn của người dân.
Khổ vì tủ điện quá xa
Xóm Động nằm ở độ cao hơn 1.000m, cách trung tâm xã Thu Ngạc gần 10km. So với những thôn, bản khác của xã Thu Ngạc thì xóm Động có diện tích khá rộng nhưng đất sản xuất nông nghiệp ít.
Chính vì thế nên từ bao đời nay, người dân nơi đây gắn bó với những quả đồi, cánh rừng, kinh tế cũng từ đó mà ra, đời sống người dân vài năm trở lại đây cũng có bước chuyển. Thế nhưng, điện sinh hoạt vẫn đang là vấn đề mong mỏi của người dân địa phương.
Khao khát của người dân xóm Động cũng là trăn trở của ông Hoàng Văn Chức (62 tuổi), người có uy tín khu Đèo Mương 1. Có 26 năm giữ chức trưởng xóm thì đến quá nửa số năm ông Chức đề xuất, kêu gọi việc cải thiện hệ thống điện lưới cho người dân xóm Động nhưng chưa có kết quả. "Ở xóm Động, mang tiếng là có điện nhưng điện rất yếu, chỉ có thể dùng để chiếu sáng", ông Chức chia sẻ.
Xóm Động có 24 hộ dân sinh sống nhiều năm trên diện tích đất được chính quyền cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất. "Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà khi tiến hành kéo điện, người ta lại bỏ quên xóm Động", ông Chức nói.
Cái sự "quên" ấy dẫn đến chuyện cây cột điện và tủ điện hạ thế đặt cách xa xóm Động hơn 1 km. Vì muốn có điện sinh hoạt nên người dân trong xóm phải bỏ tiền ra để nối rồi thuê người kéo dây đưa điện về nhà.
Để có số tiền hơn 6 triệu đồng đưa điện về nhà, gia đình ông Hạ Văn Dìn (67 tuổi, trú tại xóm Động) phải bán 2 con lợn và vay mượn thêm họ hàng, làng xóm. Tuy nhiên, do quãng đường xa, dây dẫn không đảm bảo nên điện bị hao hụt, chỉ có thể dùng để thắp sáng.
"Nấu cơm thì rất lâu mới sôi mà cơm thì chỗ sống, chỗ chín. Mặc dù nói là có điện nhưng gia đình tôi vẫn phải sử dụng bếp củi để nấu nướng phục vụ sinh hoạt", ông Dìn chia sẻ.
Hộ gia đình ông Dìn cùng 2 hộ dân khác góp tiền để mua một cái máy xay xát mini. Tuy nhiên, do nguồn điện yếu, chiếc máy ấy không thể vận hành nên khi cần xát gạo, gia đình ông Dìn lại phải di chuyển gần 10km ra trung tâm xã.
"Một số hộ sắm sửa tủ lạnh, máy giặt… để phục vụ cuộc sống nhưng chỉ sau một thời gian ngắn là bị hư hỏng do dòng điện không ổn định", ông Dìn cho biết.
Bà Hoàng Thị Giới (54 tuổi, trú tại xóm Động) cũng tỏ ra ngán ngẩm khi được hỏi về vấn đề điện sinh hoạt. Chỉ tay vào ngôi nhà khang trang, bà Giới kể, sau nhiều năm tích góp, gia đình bà quyết định xây nhà mới nhưng thời gian xây lên đến hơn 6 tháng do điện yếu.
"Điện yếu không thể vận hành được máy cắt, máy hàn, thậm chí đổ bê tông, thợ đều phải sử dụng bằng tay. Nhiều khi, gia đình tôi còn phải thuê máy phát điện để phục vụ việc thi công. Những khi không thuê được máy, không có nguồn điện mạnh, chúng tôi phải mang nguyên liệu đến nơi khác xử lý, sau đó chở lên", bà Giới nhớ lại.
Hiểm họa từ dây điện tự kéo
Trước kia, đường vào xóm Động quanh co, gồ ghề đất đá, mùa mưa thì trơn trượt nhưng hơn 1 năm nay, công trình đường giao thông được đầu tư nên việc đi lại dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trên con đường ấy giờ đây lại tiềm ẩn một nỗi lo khác, đó là nỗi lo an toàn điện. Dọc 2 bên đường dẫn vào xóm Động là những thân cây tre, nứa được người dân dựng lên để đỡ dây điện.
Theo thời gian, những thân cây ấy dần mục rỗng khiến dây điện chỗ võng, chỗ cao, chỗ lại nằm ngay dưới mặt đất. Ông Hoàng Văn Chức cho biết, đã có nhiều vụ tai nạn do dây điện gây ra.
Ông Nguyễn Văn Lành (62 tuổi, trú tại xóm Động) là 1 trường hợp may mắn thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" sau khi bị dây điện hở ngoài đường gây điện giật. Vợ chồng ông Lành có 4 người con, tất cả đều đã lập gia đình và đi làm ăn xa. Bản thân vợ ông làm tạp vụ cho một nhà hàng ở Hà Nội nên cuộc sống hàng ngày chỉ có mình ông.
Một buổi sáng tháng 6/2024, khi di chuyển trên đường, ông Lành bất ngờ vướng phải dây kéo điện rủ xuống đường. Điện hở khiến ông Lành bị điện giật. "Lúc đó, tôi chỉ nhớ người mình bỗng nhiên co rúm lại. Theo phản xạ, dù ngã nhưng tôi vẫn lăn ra được bên ngoài để người không tiếp xúc với dây điện", ông Lành chia sẻ.
Sau khi kêu cứu, ông Lành ngất đi. Sau sự việc xảy ra với ông Lành, trẻ con trong xóm được người lớn nhắc nhở không ra ngoài đường khi trời mưa để đề phòng điện giật.
Không riêng gì ông Lành, mới đây, gia đình anh Nguyễn Văn Thiết (SN 1991), Trưởng khu Đèo Mương 1, cũng trở thành nạn nhân của những chiếc "bẫy điện".
Hôm đó, trời mưa gió khiến những sợi dây điện nằm rà rà ngang tầm mắt, anh Nguyễn Văn Thiết điều khiển xe máy trở về nhà thì bị dây vướng vào người, dẫn đến ngã xuống con mương bên cạnh. Rất may, anh Thiết chỉ bị xây xước nhẹ. Vụ tai nạn xảy ra với anh Thiết chưa lâu thì chị Hà Thị Huấn (SN 1994,) vợ anh Thiết, lại gặp nạn do vướng vào dây điện.
"Sợi dây tạo thành vết hằn sâu ở vùng cổ của con tôi. May mắn là lúc đó điện không rò rỉ chứ nếu không thì chẳng biết chuyện gì đã xảy ra. Chúng tôi mong rằng chính quyền sẽ đầu tư đường điện về xóm một cách quy củ, đảm bảo an toàn", người thân của chị Huấn chia sẻ.
Đại diện UBND xã Thu Ngạc cho biết, chính quyền xã đã nhiều lần nhận được kiến nghị của người dân liên quan đến vấn đề đường điện. "Với thẩm quyền của mình, xét thấy nguyện vọng, đề đảh của bà con là chính đáng nên chính quyền xã đã tổng hợp thông tin và có đề xuất với chính quyền huyện Tân Sơn để bố trí dựng cột, trạm hạ thế đưa điện an toàn về cho người dân xóm Động nhưng huyện vẫn chưa bố trí được nguồn vốn", vị lãnh đạo UBND xã Thu Ngạc chia sẻ. Cũng theo vị này, trong thời gian chờ đường điện được đầu tư một cách quy củ, đảm bảo an toàn, chính quyền xã Thu Ngạc đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, đặc biệt là trong mùa mưa bão; nhắc nhở bà con kiểm tra, gia cố những cột điện, đoạn dây xung yếu để tránh điều đáng tiếc xảy ra.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nom-nop-lo-so-khi-dung-dien-tu-keo-20240827160655536.htm