Nơm nớp nỗi lo sạt lở nghiêm trọng bờ biển, rừng dần biến mất

Từ sau bão số 6 đến nay, do ảnh hưởng của triều cường và mưa lớn, bờ biển huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) trải dài qua các xã: Vinh Hiền, Giang Hải, Vinh Mỹ bị sạt lở nghiêm trọng, có nơi chỉ cách nhà dân khoảng 100m.

Bên cạnh đó, nhiều cánh rừng phi lao phòng hộ ven biển cũng bị sóng cuốn gãy đổ ngổn ngang. Hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của người dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề… Hàng trăm hộ dân địa phương này đang sống trong cảnh nơm nớp lo âu…

Sạt lở bờ biển ở xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng nghiêm trọng.

Sạt lở bờ biển ở xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng nghiêm trọng.

Giữa tháng 11/2024, đi dọc theo bờ biển các xã: Vinh Hiền, Giang Hải, Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc), PV Báo CAND chứng kiến hàng chục điểm sạt lở ngiêm trọng, nhiều nơi sóng biển “ngoạm” sâu, tiến gần nhà dân. Nhiều diện tích trồng lúa, nuôi trồng thủy sản của bà con xác xơ, tựa như bị bỏ hoang. Nhiều cây trong các cánh rừng phòng hộ lâu năm bật gốc, ngã rạp dưới chân sóng… Nhiều hàng quán được dựng lên dọc bờ biển để bán buôn cũng bị sập đổ, ăn sâu tận chân móng.

“Tốc độ sạt lở bờ biển Giang Hải ngày càng nhanh, ăn sâu vào đất liền... Các hàng quán của hộ gia đình tôi cùng với một số hộ kinh doanh được dựng kiên cố ở bãi biển Giang Hải để bán buôn hải sản bình dân vào mùa hè cũng bị sóng biển đánh sập năm lần bảy lượt. Một số điểm bị sóng biển “nuốt” tạo thành hàm ếch lớn rất nguy hiểm”, ông Phan Cư ở thôn Mỹ Cảnh, xã Giang Hải nói trong lo lắng.

Cùng đi với chúng tôi về phía bờ biển sạt lở nặng nhất của xã Giang Hải - giáp ranh với xã Vinh Mỹ, ông Nguyễn Hữu, Chủ tịch UBND xã Giang Hải cho biết, do mưa to kéo dài, triều cường dâng cao, đặc biệt là sau cơn bão số 6 vào cuối tháng 10 vừa qua nên bờ biển Vinh Hải bị xâm thực nghiêm trọng, nặng nề. Trước tình hình đó, từ đầu mùa mưa năm 2024 đến nay, Công an xã Giang Hải, lực lượng bảo vệ ANTT tại cơ sở cùng chính quyền địa phương đã nhiều lần di dời, sơ tán hàng chục hộ dân ở sát khu vực sạt lở bờ biển, nước biển tràn qua…

“Điều đáng lo, hễ mỗi lần có bão, sóng biển lớn là Giang Hải lại mở thêm cửa biển mới khiến người dân luôn sống trong cảnh nơm nớp, lo âu. Đến nay, xã Giang Hải đã 5 lần mở thêm cửa biển mới vào các năm 1999, 2006, 2009, 2018 và 2020…”, Chủ tịch UBND xã Giang Hải nhớ lại.

Theo chính quyền và người dân địa phương, những ngày gần đây, khi triều cường dâng cao cộng với mưa khiến nước biển đã tràn qua mặt đường Tỉnh lộ 21 - tuyến đường huyết mạch nối xã Vinh Hải đi các xã biển của huyện Phú Lộc và lưu thông ra quốc lộ 1A để vào Đà Nẵng hay vào các tỉnh, thành ở phía Nam.

“Những ngày qua, nước biển tràn băng qua mặt đường tỉnh lộ, người dân chúng tôi cảm thấy thật sự bất an. Có nhiều đoạn trên tuyến đường này bị cát biển vùi lấp từ 0,3- 0,5m. Tôi chưa bao giờ thấy bờ biển bị sạt lở với tốc độ nhanh như thế. Nếu cơ quan chức năng không sớm có biện pháp xây kè chắn bảo vệ bờ biển thì chỉ một thời gian ngắn nữa, sóng biển sẽ cuốn trôi cả vườn tược, khu đất sản xuất, khu dân cư nơi đây”, ông Phan Ngọc Ánh, trú thôn 3, xã Giang Hải nói trong lo lắng.

Người dân xã Giang Hải cho biết thêm, tình trạng sạt lở bờ biển tại địa phương kéo dài hơn 10 năm qua và gần đây sạt lở càng nghiêm trọng hơn khi những cánh rừng phi lao phòng hộ ven biển dần biến mất do sóng đánh cuốn trôi. Theo một số ngư dân kể lại, trước đây, xã sở hữu các khu rừng phi lao phòng hộ dày đặc ven biển ở thôn Mỹ Cảnh – được xem như tấm lá chắn có bề rộng hàng trăm mét nhằm ngăn cách an toàn giữa biển với ruộng đồng, đường sá, các khu nuôi trồng thủy sản mỗi khi xảy ra thiên tai. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi những cánh rừng phòng hộ dần biến mất, bờ biển ngày càng bị sóng ngoạm sâu vào tận khu dân cư đe dọa trực tiếp đến đời sống của hơn 300 hộ dân.

Bờ biển sạt lở nghiêm trọng không chỉ khiến nhiều diện tích rừng phòng hộ bị cuốn trôi, ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn khiến hàng trăm ha đất trồng hoa màu và nuôi trồng thủy sản của người dân 3 xã biển ở huyện Phú Lộc bị ảnh hưởng khiến đời sống kinh tế của người dân ngày càng khó khăn. Trong đó, xã Giang Hải bị thiệt hại nặng nề nhất với hơn 150 ha gồm 90ha đất trồng lúa, hoa màu và 60 ha ao hồ, mặt nước nuôi tôm, cua, cá nước ngọt. “Ruộng đồng, khu nuôi thủy sản nước ngọt bị nước biển xâm nhập, mặn hóa làm cho sản xuất của bà con gặp khó khăn. Nhiều diện tích nông nghiệp, ao hồ đành bỏ hoang. Cùng với đó, một lượng lớn rác từ đại dương theo sóng biển, triều cường tràn vào khu dân cư mỗi khi có mưa bão, thiên tai đã gây ô nhiễm môi trường cho nhiều khu dân cư ven biển của xã”, Chủ tịch UBND xã Giang Hải cho biết.

Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc, những năm gần đây, các cấp có thẩm quyền đã quan tâm đầu tư nhiều km kè biển tại các xã ven biển của huyện, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống người dân. Hiện, các đoạn bờ biển thuộc các xã Vinh Mỹ, Giang Hải, Vinh Hiền chưa được xây kè hiện xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Sóng lớn, triều cường xâm thực ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt đời sống của người dân. Toàn tuyến sạt lở qua 3 xã biển của huyện Phú Lộc hiện rất cần được đầu tư xây dựng kè cứng để người dân yên tâm sản xuất, sinh sống. Trong khi đó, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng sạt lở biển có nguyện vọng về lâu dài mong Nhà nước nên xem xét, tạo điều kiện di dời người dân đến nơi khác để cuộc sống sớm được an cư.

Sóng biển đánh sạt bờ kè, ăn sâu vào đường độc đạo

Ngày 20/11, ông Dương Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc) cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết, đặc biệt là cơn bão số 6 vừa qua và các đợt mưa lớn gần đây, sóng biển đánh mạnh đã gây ra sạt lở nghiêm trọng bờ kè khu vực Hải Bình, xã Lộc Bình (cửa biển Tư Hiền), trong đó có đoạn dài ăn sâu vào đường dân sinh. Được biết, tuyến đường sạt lở này là tuyến đường độc đạo về khu vực Hải Bình nơi có nhiều hộ dân sinh sống và nếu thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp thì nguy cơ các hộ dân bị chia cắt.

Nhằm đảm bảo cho việc lưu thông, những ngày qua, khi các em học sinh đi qua khu vực bờ kè sạt lở này đều phải có người lớn đi cùng để giám sát đề phòng sự việc đáng tiếc xảy ra. Hiện, chính quyền địa phương đã giăng dây và đặt biển cảnh báo để người dân chú ý.

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/nom-nop-noi-lo-sat-lo-nghiem-trong-bo-bien-rung-dan-bien-mat-i750903/