Non nước Cao Bằng qua những bộ phim truyền hình

Non nước Cao Bằng không chỉ được thiên nhiên ưu ái với cảnh quan hùng vĩ mà còn lưu giữ một kho tàng văn hóa, tín ngưỡng phong phú đầy màu sắc. Với những lợi thế đó, nhiều bộ phim truyền hình đã lựa chọn Cao Bằng làm bối cảnh chính, mang vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa của nơi đây đến với khán giả cả nước. Từ đó hình ảnh vùng đất, con người Cao Bằng được quảng bá rộng rãi, thúc đẩy du lịch, dịch vụ phát triển.

Non nước Cao Bằng trong chương trình truyền hình trải nghiệm thực tế "2 ngày 1 đêm" do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và công ty Đông Tây Promotion phối hợp thực hiện.

Non nước Cao Bằng trong chương trình truyền hình trải nghiệm thực tế "2 ngày 1 đêm" do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và công ty Đông Tây Promotion phối hợp thực hiện.

Một trong những bộ phim nổi bật thời gian gần đây “Đi giữa trời rực rỡ” của đạo diễn Đỗ Thanh Sơn. Bộ phim kể về Pu - cô gái trẻ người Dao mang trong mình ước mơ, hoài bão được đi học đại học và sau này trở về bản làng để góp sức xây dựng quê hương. Bối cảnh thiên nhiên tại vùng núi rừng Nguyên Bình chiếm phần lớn trong các tập đầu bộ phim, đưa người xem đến với những cảnh quay đầy cảm hứng, nơi những dãy núi trùng điệp, trải dài bất tận như vẽ lên bầu trời. Những con đèo uốn lượn vắt qua các thung lũng sâu thẳm, nơi mây trời quyện với nước non hoặc những đồng lúa chín, từng thửa ruộng bậc thang như bước lên đến trời xanh. Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên hoàn mỹ, khiến không ít người xem muốn đến để khám phá, trải nghiệm non nước Cao Bằng.

Non nước Cao Bằng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ trong bộ phim Đi giữa trời rực rỡ.

Non nước Cao Bằng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ trong bộ phim Đi giữa trời rực rỡ.

Bộ phim “Đèn âm hồn” của đạo diễn Hoàng Nam khởi quay tại huyện Trùng Khánh trong tháng 8/2024 và dự kiến công chiếu trên toàn quốc vào đầu năm 2025. Bộ phim tôn vinh nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc trong thế kỷ XIX, phát triển từ tích sử truyện “Người con gái Nam Xương”, lấy bối cảnh tại các địa danh nổi tiếng như thác Cò Là, Mắt Thần núi, rừng dẻ cổ thụ, rừng trúc và nhiều địa danh khác. Những thước phim miêu tả cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ với câu chuyện về văn hóa tín ngưỡng của các dân tộc vùng cao đã tạo nên một không gian huyền bí, cổ kính, trở thành nền tảng hoàn hảo cho những câu chuyện cổ trang đầy màu sắc, đồng thời tôn vinh nét đẹp truyền thống của dân tộc trong thế kỷ XIX.

Thác Cò Là (Trùng Khánh) tuyệt đẹp là bối cảnh trong phim “Đèn âm hồn”.

Thác Cò Là (Trùng Khánh) tuyệt đẹp là bối cảnh trong phim “Đèn âm hồn”.

Phim “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền lựa chọn Cao Bằng làm điểm khởi quay. Bối cảnh hùng vĩ và hoang sơ của những vùng đất chưa từng xuất hiện trên màn ảnh được đoàn phim tận dụng để tạo nên những thước phim cổ trang đầy chất thẩm mỹ. Không chỉ mang tính chất hoài niệm về văn hóa mà còn thể hiện vẻ đẹp tự nhiên nguyên bản của vùng đất này. Nói về những cảnh quay tại Cao Bằng, đạo diễn Mai Thu Huyền tiết lộ, cô rất tâm đắc với bối cảnh hoang sơ, hùng vĩ của Cao Bằng, đảm bảo cho các cảnh phim cổ trang đầy tính thẩm mỹ.

Những bản làng yên bình ẩn mình giữa miền núi non hùng vĩ của Cao Bằng không chỉ mang đến cảm giác bình yên mà còn là nơi mà tâm hồn được chữa lành. Những làn gió dịu nhẹ khẽ lướt qua mang theo hơi thở của đất trời. Trước mắt là những cánh đồng bát ngát trải dài, mênh mông như hòa quyện với trời xanh, cùng những dãy núi trùng điệp in bóng trên mặt hồ yên ả. Đó không chỉ là những cảnh quay đẹp trong thước phim truyền hình mà thực tế đang tồn tại ở Cao Bằng, nơi con người và thiên nhiên cùng giao thoa trong sự thanh bình, gợi lên cảm giác thư thái, an nhiên khó nơi nào có được.

Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên, non nước Cao Bằng qua các bộ phim truyền hình còn mang đến cho khán giả cái nhìn sâu sắc về văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc với những phong tục, tín ngưỡng được thể hiện rõ nét trong từng khung hình. Bộ phim “Đi giữa trời rực rỡ” đã tái hiện cuộc sống chân thực của người Dao Đỏ với những lễ hội, nghi lễ tâm linh truyền thống như lễ cưới, lễ cúng, lễ hội mùa màng, đời sống sinh hoạt của đồng bào vùng cao với bản tính chân chất, thật thà... Những cảnh quay tuyệt đẹp cùng các câu chuyện văn hóa kích thích sự tò mò và khám phá của du khách trong và ngoài nước.

Du lịch Cao Bằng không chỉ khám phá thiên nhiên mà còn là hành trình trải nghiệm văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc của các dân tộc thiểu số. Với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp điện ảnh, Cao Bằng ngày càng nổi tiếng hơn trên bản đồ du lịch Việt Nam, đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương.

Diệu Linh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/non-nuoc-cao-bang-qua-nhung-bo-phim-truyen-hinh-3172727.html