Nón Tày đong đầy yêu thương

Đã từ lâu, chiếc nón lá cọ không đơn thuần chỉ là che nắng, che mưa mà trở thành một vật không thể thiếu trong tổng thể trang phục của phụ nữ dân tộc Tày vào các dịp lễ, Tết, cưới hỏi; trở thành nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày ở Định Hóa.

Đối với người phụ nữ dân tộc Tày, vẻ đẹp, sự duyên dáng không chỉ ở trang phục, đồ trang sức đeo trên người mà còn cả ở chiếc nón lá cọ đội trên đầu. Đã từ lâu, chiếc nón lá cọ không đơn thuần chỉ là che nắng, che mưa mà trở thành một vật không thể thiếu trong tổng thể trang phục của phụ nữ dân tộc Tày vào các dịp lễ, Tết, cưới hỏi; trở thành nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày ở Định Hóa nói riêng và người Tày trên nhiều tỉnh, thành cả nước nói chung.

Người phụ nữ ngồi bên hiên nhà, đôi bàn tay tay khéo léo, dẻo mềm chuốt từng sợ giang thuôn dài, nhỏ nhắn… 10 sợi như 10. Nếu chỉ nhìn vật mà không trực tiếp đến gặp người làm ra nó, có lẽ ai cũng nghĩ phải là sản phẩm của cô gái đôi mươi, bởi sự khéo léo và tinh tế từ đường khâu đến khung nón và “lá chị, lá em” (nón lá cọ được đan bằng hai lớp lá, người Tày gọi như vậy - PV). Nhưng người phụ nữ ngồi đan nón trước mặt chúng tôi đã ở “tuổi xưa nay hiếm”. 70 mùa Xuân đi qua cuộc đời bà thì có đến 56 mùa Xuân bà ngồi đan nón với nhiều cảm xúc, cung bậc tình cảm khác nhau trong nhiều hoàn cảnh biến thiên của đời người, nhưng tựu chung lại không thể thiếu đi tình cảm, tình yêu thương bà gửi gắm trong từng sợi giang, sợi guột, đường khâu… Bà là Ma Thị Tâm, ở xóm Thanh Phong, xã Thanh Định (Định Hóa).

Đúng là gần trọn cuộc đời bà Tâm đã gắn bó với nghề đan nón lá cọ, bà bảo: Nghề đan nón Tày đã giúp gia đình tôi có thêm một khoản thu nhập khá ổn định, ngoài nguồn thu từ trồng chè, trồng rừng và chăn nuôi. Hơn thế, nghề đan nón lá cọ đã giúp tôi vượt qua được nhiều giai đoạn khó khăn của cuộc sống, nuôi 4 người con ăn học, khi chồng đi bộ đội chiến đấu chống Mỹ ròng rã 8 năm trời (1968-1976).

Ngược dòng thời gian, ký ức ùa về như một cuốn phim. Bà kể: Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, nên duyên với ông Ma Phúc Tinh, sinh được 4 người con, 3 gái 1 trai. Cuộc sống nơi miền núi điều kiện phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, chồng lại biền biệt xa nhà, may tôi có nghề đan nón lá cọ nên thêm thắt đồng ra, đồng vào mua gạo nuôi con ăn học, khôn lớn. Nay, vợ chồng tôi ở với cậu út, điều kiện kinh tế đã khấm khá hơn, nhưng tôi vẫn đan nón, nó không chỉ mang lại thu nhập mà còn là niềm vui của tuổi già.

Những chiếc nón lá đã được hình thành bởi biết bao yêu thương, sự khéo léo chăm chỉ của những người vợ, người mẹ như bà Tâm. Khi đến tay người dùng, nó càng không đơn thuần là che nắng, chắn mưa mà còn tạo nên những giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày ở Định Hóa; tạo vẻ đẹp, sự duyên dáng, thùy mỵ, nết na của những người phụ nữ dân tộc nơi An toàn khu. Vẻ đẹp, những giá trị văn hóa của chiếc nón Tày không chỉ thu hút những phụ nữ dân tộc Tày mà nhiều phụ nữ dân tộc khác cũng yêu thích tìm mua.

Để hoàn thành một chiếc nón Tày phải mất từ 3-4 ngày với nhiều công đoạn. Cách làm cũng công phu hơn so với nón lá của người Kinh, từ khâu chọn lá, tạo khuôn, đan nón đều phải đúng tiêu chuẩn mới có được một chiếc nón đẹp.

Nguyên liệu đan nón gồm giang, tre, guột, lá cọ, chỉ khâu. Để có nguyên liệu đan nón, người dân phải vào rừng chọn những cây giang bánh tẻ, có đốt dài từ 60cm trở lên. Và theo kinh nghiệm, tốt nhất là lấy giang vào mùa sương giáng (sau ngày Đông chí) vì cây giữ ít nước nên nan ít bị co ngót, ít bị mọt, sau đó phải hong khô trên gác bếp để làm dần.

Tiếp đến là chọn những cây tre đực già, đem về vót mịn thành vành như vành ngoài của nón người Kinh. Tre cũng phải cất lên gác bếp để bồ hóng bám vào, vừa không bị mối mọt vừa thành màu đen đặc trưng cho vành trong của nón. Còn guột khi lấy về thì ngâm bùn 4-5 ngày, sau vớt lên rửa sạch, phơi khô, bỏ cật, vót nhỏ. Lá cọ phải là bánh tẻ, hơ lửa cho chín đều rồi đem phơi nắng, khi nào lá mất màu xanh thành màu trắng mới đạt yêu cầu.

Trong các công đoạn làm nón, thì công đoạn chọn lựa và làm phẳng lá đòi hỏi công phu, cẩn thận nhất, để chiếc nón làm ra không bị giòn và rách. Sau khi làm xong, những chiếc nón lá sẽ được tiếp tục hong khô trên gác bếp, để chống mối mọt, trời nắng không bị cong vênh, trời mưa không bị thấm nước.

Công đoạn đan khuôn nón đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật đan "mắt cáo" thành thục. Các mắt được đan càng nhỏ thì chiếc nón càng bền.

Nếu là nón đi chơi, đi hội, sử dụng trong lễ cưới, các bà, các chị thường thêu trang trí bằng chỉ ngũ sắc hình bông hoa, con bướm, ngôi sao… lên phần khung của nón rồi mới lợp lá cọ. Để tăng tính thẩm mỹ cho chiếc nón, người ta còn thêu lên phần mắt cáo các họa tiết trang trí bằng chỉ màu.

Bà Pén cho biết: Để làm ra một chiếc nón thêu hoa như vậy phải mất một tuần, giá bán cao hơn gấp 3 lần nón Tày bình thường. Nón Tày thêu có giá 300 - 500 nghìn đồng/nón. Trừ các khoản chi phí, mỗi chiếc nón chỉ cho lãi từ 30-50 nghìn đồng. Tuy không cao nhưng các bà, các mẹ, các chị… vẫn say mê làm, bởi đó là nghề được truyền dạy từ nhiều đời, dường như nó đã ngấm vào máu thịt của những người như bà Tâm, bà Bén…

Hiện nay, trên địa bàn huyện Định Hóa có khoảng 40 hộ làm nghề đan nón Tày. Phần lớn người làm là các bà từ 60 tuổi trở lên, rất ít người trẻ làm được nón Tày. Bởi như đã phân tích ở trên, làm nón Tày mất nhiều thời gian và công phu, tỉ mẩn trong mỗi công đoạn, trong khi lợi nhuận không cao. Chỉ có người hiểu được giá trị văn hóa đặc sắc của nó, muốn lưu giữ, bảo tồn và nhất định phải có lòng đam mê mới muốn học nghề này, điều đó khiến nghề đan nón Tày ở định Hóa có nguy cơ bị mai một.

Bà Ma Thị Tâm nói vẻ bùi ngùi: “Bây giờ, xóm này chỉ còn mình tôi làm nón. Tôi cũng muốn truyền dạy nghề cho con dâu và các cháu, nhưng ai cũng nêu lý do bận rộn nên không mặn mà.”

Chiếc nón Tày là vật không thể thiếu trong cuộc sống, trở thành nét văn hóa đặc trưng trong phong tục của người Tày. Nón Tày là tín vật tình yêu của trai gái hẹn hò. Khi cô dâu về nhà chồng, ngoài những lễ vật mang theo như chăn màn, chậu, chiếu... còn có chiếc nón Tày. Khi làm lễ cho người đàn bà không may qua đời, bà con cũng làm chiếc nón buộc lên nhà táng để tiễn biệt người quá cố.

Hy vọng vẻ đẹp và những giá trị văn hóa đặc sắc mà nón Tày đem lại sẽ giúp nhiều phụ nữ Tày yêu thích và quyết tâm học nghề từ các bậc tiền bối, để nón Tày trường tồn theo thời gian.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202407/non-tay-dong-day-yeu-thuong-705079c/