Non xanh phố thị hoa vàng

Xe chúng tôi đi theo những con dốc trên cao nguyên Mơ Nông. Dẫy núi Nam Nung như một đỉnh của mái nhà khổng lồ Đắk Nông. Quốc lộ 14 dẫn hướng về thành phố Gia Nghĩa, thủ phủ của Đắk Nông. Đây là thành phố trẻ nhất nước (thành lập 1-1-2020). Đắk Nông cũng mới tách ra từ Đắk Lăk (1-1-2004). Nhưng Đắk Nông lại hùng vĩ bởi dẫy núi Tà Đùng cao vút (1.982m) và những bộ sử thi trăm năm của bộ tộc Mơ Nông huyền bí.

Những mái phố mộng mơ

Có người ví von thành phố non trẻ này là cô gái tuổi dậy thì với nụ cười hồn nhiên và tràn đầy mơ mộng. Gia Nghĩa nằm trên trục ngã ba quốc lộ 14 và 28. Người hướng dẫn viên còn cho biết thành phố Gia Nghĩa là nơi hội tụ sông hồ nhiều nhất trong những thành phố Tây Nguyên. Rồi anh ta kể một lô nào là hồ Thiên Nga, hồ Sơn Mã, hồ Mặt Trận... cùng với con suối lớn Đắk Nông. Người hướng dẫn viên bỗng cao hứng hát mấy câu rất sến về một mối tình trên hồ Thiên Nga, một điểm nhấn của thành phố Gia Nghĩa. Giọng anh ta trong trẻo nhưng lại pha màu ủy mị với câu hát: "Tình yêu như một cái bóng mời gọi trước mắt/ Nhưng khi kịp đến nó lại xa ta, xa mãi... Đường vào tâm tư bỏ ngỏ/ Lạc loài đi trong nẻo nhớ/ Nhớ ai mình héo môi cười..." (Người ấy-Trúc Lý).

Phố hoa ở cao nguyên.

Nhưng có lẽ lý thú hơn là chuyện anh kể khi dẫn chúng tôi tới thác Liêng Nung. Nguồn nước suối Đăk Nin tạo nên con thác đổ từ trên độ cao hơn 30 mét tại Liêng Nung (buôn N'Jriêng, xã Đăk Nia, TP Gia Nghĩa). Chuyện kể rằng có thời bộ tộc người Mạ và xúc vật ở Liêng Nung còn sống sót sau một trận đại hạn làm bao vùng xung quanh chết chóc điêu tàn. Dân ở đây sống được là nhờ vào thác Liêng Nung vả dòng suối ngọt phía dưới. Nhưng không ngờ sau đó một bọn người hung bạo rùng rùng kéo đến cướp phá buôn làng. Chúng muốn chiếm lấy dòng thác này và đuổi người Mạ ra đi. Người buôn làng Liêng Nung dũng cảm chiến đấu. Họ sống chết không để cho những người hung tợn kia xâm chiếm dù chỉ một tấc đất. Hai bên đánh nhau dữ dội để lại biết bao mạng người. Cuối cùng chỉ còn một chàng trai người Mạ sống sót trong chiến thắng đầy máu và nước mắt. Đó là K'E tuổi 20 cường tráng, dũng mãnh.

Một hôm K'E đi tìm người để giúp mình thu dọn chiến trường. Chàng đã gặp một cô gái đang gục đầu vì đói ăn và khát nước bên lề đường. Chàng cõng cô gái về suối thác Liêng Nung chăm sóc và cho ăn uống ngày đêm. Dòng nước trong vắt của thác Liêng Nung đã nuôi dưỡng cô gái mỗi ngày một khỏe mạnh và xinh đẹp. Tên nàng là H'Dệt. Họ nên duyên vợ chồng và chịu khó làm ăn. Thóc lúa đầy kho. Gia cầm đầy chuồng. Cuộc sống hai người thật sung túc với hai cậu con trai là K'Pên và "K'Peo. Bỗng một hôm H'Dệt đi xuống thác nhưng không thấy về. Cả nhà đi tìm khắp nơi vẫn bặt vô âm tín. Ba cha con định lặn xuống hồ dưới thác tìm người thì có tiếng nói vọng lên rằng: "H'Dệt chính là tiên nữ dáng trần. Nàng được giàng cử xuống để bảo tồn nòi giống người Mạ. Giờ đã đến hạn giàng gọi về trời". Từ đó người Mạ phát triển sinh sôi cho đến ngày nay bên dòng suối Đăk Nin và thác Liêng Nung hùng vĩ.

Lễ hội Mơ Nông.

Trời vào thu. Sương dần tan trong ánh nắng dịu nhẹ. Dọc những con phố lớn tràn ngập hoa vàng. Một sắc màu rực rỡ của mùa Thu lãng mạn. Chúng tôi đầy bất ngờ với sắc vóc của thành phố non trẻ này. Người hướng dẫn cho biết đây là giống hoa Osaka (còn gọi là Muồng hoàng yến) mới được trồng tại Gia Nghĩa chừng dăm năm gần đây. Người dân Mơ Nông muốn biến thành phố của họ trở thành một rừng hoa rực rỡ sắc vàng. Ca sĩ Ê Ban Tú người Êđê đã cất cao lời hát ca ngợi thành phố với giai điệu vàng óng như tơ lụa. Lúc này người lái xe đã bật CD lên để mọi người cùng nghe bài hát. Giọng của Ê ban Tú như mê dại trong cung nhạc: "Mùa Thu trên cao nguyên nơi phố thị hoa vàng/ Cà phê đơm hương say đêm dịu hiện thánh thót/ Lắng nghe cung đàn mưa ngân vang gọi gió/ Xốn xang vầng trăng tôi hát trong bát ngát hoa vàng...". (Phố thị hoa vàng - Nhạc sĩ Xuân Chung, phổ thơ Trần Lê Châu Hoàng).

Anh hùng trên cao nguyên Mơ Nông

Hai hàng cây hoa vàng dẫn chúng tôi một chặng đường dài tới phường Nghĩa Đức cách trung tâm chừng sáu cây số. Khi vượt qua con suối Đắk Nông chúng tôi òa lên ngạc nhiên khi nhìn thấy tượng đài anh hùng Nơ Trang Lơng (1870-1935). Bức tượng cao tới 30m trên đỉnh đồi. Đây là biểu tượng lớn về tinh thần quật khởi của người dân tộc trên cao nguyên Mơ nông chống thực dân Pháp xâm lược nước ta. Cuộc khởi nghĩa của tù trưởng Nơ Trang Lơng kéo dài tới 24 năm (1911-1935). Ông đã cùng quân khởi nghĩa làm điên đảo giặc Pháp trong một thời gian dài. Cuộc chiến đấu ngoan cường của đồng bào Mơ Nông đánh dấu một giai đoạn lịch sử oai hùng của miền đất Đắk Nông. Tính đến nay đúng vào dịp kỷ niệm 110 năm cuộc khởi nghĩa của Nơ Trang Lơng.

Câu chuyện về người anh hùng đã được người thuyết minh bồi hồi kể lại với những hình ảnh đầy bi tráng. Tù trưởng Nơ Trang Lơng được người dân Mơ Nông tôn thờ bao đời nay. Tương truyền ông là người đầy biến hóa và sức mạnh vô song. Hổ báo cũng run sợ trước những tiếng hét như sấm sét của ông. Vào năm 1909 giặc Pháp do Henri Maitre dẫn đầu tấn công lên cao nguyên Mơ nông. Điểm chúng dựng đồn bốt đầu tiên chính là miền đất cùa bộ tộc Biệt (Bi-Mơ Nông) thuộc buôn Bupar do tù trưởng Nơ Trang Lơng cai quản. Giặc đã cướp bóc và hãm hiếp phụ nữ và bắt trai tráng đi phu phen cho chúng. Thậm chí chúng đã giết vợ con của tù trưởng. Nơ Trang Lơng đã hô hào mọi người cùng nhau khởi nghĩa ngăn chặn không cho giặc xâm chiếm đất đai bản làng. Ông đã tập họp được hàng trăm chiến binh khởi nghĩa từ nhiều bản làng quanh vùng.

Địa bàn quân khởi nghĩa mỗi ngày một mở rộng. Thậm chí nghĩa quân còn đánh sang tận những đồn giặc tận Campuchia. Cuộc tấn công xuất quỷ nhập thần của nghĩa quân đã tiêu diệt hàng trăm giặc Pháp và đánh phá nhiều đồn bốt. Cuộc chiến đấu dai dẳng kéo dài hết năm này qua năm khác làm cho việc bình định trên cao nguyên Mơ Nông của giặc Pháp bị đình trệ và nhiều thiệt hại. Có lần em trai tù trưởng là Rơ Ong Leng trá hàng dụ Henri Maitre vào buôn để điều đình hòa giải. Henri Maitre dẫn một tốp quân vào cơ sở của nghĩa binh. Không ngờ tại đây mối thù của Nơ Trang Lơng được rửa hận. Chính tù trưởng cầm giáo đâm thẳng xuyên ngực tên cáo già. Ngay lập tức nghĩa quân bao vây tốp lính đi theo. Bị trọng thương nhưng Henri Maitre cố rút súng lục định bắn tù trưởng thì người em ở phía sau đâm giáo tiếp vào lưng hắn. Henri Maitre gục chết sau mười năm tàn phá bản làng (1914).

Khúc bi tráng

Nhưng cũng từ đây giặc Pháp càng điên cuồng đánh chiếm cao nguyên. Năm 1935 chúng đổ hàng ngàn quân quyết một trận sống mái với tù trưởng Nơ Trang Lơng. Giặc bao vây tứ phía và dùng cả máy bay yểm trợ đánh thẳng vào trụ sở của nghĩa quân. Một số tù trưởng khác đã bị pháo kích hạ sát trong đó có quân sư đắc lực của lãnh tụ Nơ Trang Lơng. Lương thực và thuốc men của nghĩa quân vô cùng thiếu thốn. Bất ngờ ập đến khi một nghĩa quân bị mua chuộc đã dẫn biệt kích Pháp đến nơi trú ẩn của Nơ Trang Lơng. Khi có báo động tù trưởng đã vượt lên vị trí trên cao để chiến đấu nhưng không ngờ ông bị dính làn đạn xối xả bắn tới. Giặc Pháp đã bắt được lãnh tụ của phong trào khởi nghĩa trong suốt 24 năm trời. Tù trưởng Nơ Trang Lơng phẫn uất hét lên một tiếng lộng trời rồi mất vào đêm 25-5-1935.

Chúng tôi lặng đi vì những ký ức đầy sóng gió của người anh hùng Tây Nguyên. Những mái nhà sàn còn vương những cánh hoa vàng. Chiều thu se lạnh. Làn khói lam chiều cùng với mùi nếp nương bay lên. Dẫy núi Nam Nung sừng sững trước mắt. Đó chính là cơ sở khởi nghĩa của Nơ Trang Lơng. Phố thị hoa vàng luôn ngân vang bài ca hát về người anh hùng trên cao nguyên Mơ Nông. Dòng suối tung nước trong vắt khi xe chúng tôi vượt qua. Lúc này bản nhạc "Đắk Nông và em" bất ngờ vang lên da diết và nồng nàn: "Chiều xuống, giọt nắng xuống Đắk Nông bình yên dịu êm/ Người mới đến, lòng đã mến Đắk Nông thẳm xanh rừng ngàn/ Lắng nghe âm vang Nam Nung/ Rộn ràng Krông Nô trào dâng..." (sáng tác Bùi Lê Văn).

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/non-xanh-pho-thi-hoa-vang-i628672/