Nóng bỏng Italy
Chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Mario Draghi, giải tán Quốc hội, Tổng thống Sergio Mattarella hy vọng kích hoạt bầu cử sớm, trong lúc đất nước Italy đang lún sâu vào lạm phát và người dân phải chống trả với những đợt nắng nóng như thiêu như đốt, khiến nhiều cánh rừng bốc cháy. Đây được coi là thời điểm khó khăn nhất của Italy trong vòng 30 năm trở lại đây.
Cuộc bầu cử quốc gia sớm của Italy dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 25/9 tới, thay vì vào năm 2023. Tổng thống Mattarella gọi những diễn biến này là "không thể tránh khỏi" khi mà những biến động mà nền kinh tế lớn thứ 3 Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt.
Trong một phát biểu ngắn từ Dinh Quirinale ở Rome, ông Mattarella nhấn mạnh: "Các cuộc thảo luận, bỏ phiếu và cách thức bỏ phiếu tại Thượng viện đã cho thấy rõ việc Chính phủ mất sự ủng hộ của Quốc hội, khiến việc các cơ quan lập pháp phải giải tán sớm. Tôi có nhiệm vụ nhấn mạnh rằng, giai đoạn chúng ta đang trải qua không cho phép dừng các biện pháp can thiệp thiết yếu để chống lại những tác động của khủng hoảng kinh tế - xã hội, đặc biệt là sự gia tăng lạm phát, làm giá năng lượng và thực phẩm leo thang, kéo theo những hậu quả nặng nề cho các gia đình và doanh nghiệp".
Thủ tướng Mario Draghi, 74 tuổi, được cho là “vị cứu tinh” của đồng euro và đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định nền kinh tế lớn thứ ba EU khi khối này đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có và một cuộc xung đột ngay cửa ngõ. Ngay sau khi thông tin từ chức của ông Draghi xuất hiện, đồng euro đã giảm so với đồng USD.
Không chỉ bất ổn chính trị, Italy đang phải chịu đựng mức độ lạm phát cao nhất trong vòng 36 năm, kể từ khi gia nhập đồng tiền chung châu Âu năm 1999. Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT) cho biết tỷ lệ lạm phát trong tháng 6/2022 tại Italy đã tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời dự báo lạm phát trong tháng 7 còn cao hơn.
Vẫn theo ISTAT, lạm phát tăng cao chủ yếu đến từ giá năng lượng đã tăng 48,7% so với một năm trước đó, cao hơn mức tăng 42,6% từ tháng 5/2021 đến tháng 5/2022. Từ đó đã đẩy giá thực phẩm chế biến lên cao với mức tăng 8,2%; thực phẩm không chế biến tăng 9,6%; dịch vụ giải trí và chăm sóc cá nhân tăng 5%; vận tải tăng 7,2% và các dịch vụ chung tăng 3,4%.
Giá cả tăng phi mã đang khiến nhiều người dân và doanh nghiệp Italy phải đối mặt với khó khăn từng ngày. Tại chợ thực phẩm Testaccio ở thủ đô Rome, giá cả đã trở thành mối bận tâm lớn nhất, từ người bán cho tới người mua. Marco - một chủ cửa hàng rau quả cho biết, đang phải cố sức xoay xở để cân bằng giữa chi phí và giá bán hàng hóa. "Chúng tôi gặp vấn đề với phân bón khi giá cả tăng cao. Giá nhựa dùng cho nông nghiệp và nhà kính cũng tăng lên. Các loại túi có thể phân hủy sinh học để bán hàng cũng tăng giá mạnh".
Còn bà Simona Proietti - một người bán cá nói: "Tôi từng trả 10 Euro cho 1 kg cá hồi đến từ Scotland hay Na Uy, nhưng giờ giá đã lên gần 16 Euro. Nhà cung cấp cho biết, giá đắt là bởi nhu cầu đang tăng cao và các trang trại không thể đáp ứng đầy đủ ".
Ông Antonio Pinto - đại diện tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Confconsumatori cho biết, doanh số bán cá tươi tại các siêu thị giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán pho mát và thịt cũng giảm, trong khi mức tiêu thụ mì ống, gạo và đồ hộp tăng. Điều này chứng tỏ khi giá cả tăng lên, người tiêu dùng đang tập trung vào các thực phẩm giá rẻ.
“Chúng ta không hy vọng gì vào việc giá cả hàng hóa đi xuống, vì rằng bất ổn chính trị trong nước cùng với lạm phát của EU vẫn đang chưa có điểm dừng. Vì thế cách tốt nhất là hãy nói thật với nhau rằng mọi người phải tự bảo vệ mình trước những đợt bão giá. Và hãy tự bảo vệ mình trước sự lây lan của những biến thể virus mới gây bệnh Covid-19, vì nếu phải vào bệnh viện thì sẽ rất khó khăn”- ông Pinto lên tiếng.
Trong khi lạm phát gia tăng, thì mùa hè cũng đang trút lửa xuống Italy. Bộ Y tế đã phải phát đi cảnh báo đỏ với 16 thành phố. Trong đó, thành phố Milan ở miền Bắc nước này sẽ phải chịu đựng một đợt nắng nóng kéo dài cho tới hết tháng 7, với nền nhiệt trung bình lên tới 40°C. Còn thành phố Bologna và thủ đô Rome nhiệt độ có thể ở ngưỡng 39°C. Nắng nóng đã gây ra hàng trăm vụ hỏa hoạn. Trận hỏa hoạn lớn nhất hoành hành ở vùng Tuscany, miền trung Italy, nơi ngọn lửa thiêu rụi khu vực rộng 860 hecta ở phía tây thành phố Lucca. Lực lượng cứu hỏa Italy cho biết họ đã tham gia dập 32.921 vụ cháy rừng, từ ngày 15/6 đến ngày 24/7, nhiều hơn 4.040 vụ so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nong-bong-italy-5692265.html